Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Điều
74 quy định “Thường trực HĐND có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến
nghị của cử tri và chuẩn bị báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử
tri của cơ quan nhà nước có thẩm quyết trình HĐND cùng cấp”, đây là một quy định mới đối với
đại biểu HĐND, Thường trực HĐND và có tính bắt buộc thực hiện, kết quả giám sát
phải được báo cáo tại các kỳ họp HĐND.
Đối với HĐND tỉnh Đồng
Nai, qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh cho thấy, số lượng
các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại mỗi đợt tiếp xúc tương đối lớn (khoảng từ
40 ý kiến); theo quy định các kiến nghị phải được tổ chức giám sát, tuy nhiên
để góp phần nâng cao chất lượng trả lời, Thường trực HĐND tỉnh triển khai giám
sát cả các ý kiến cử tri (Khoản 6, Điều 66 Luật hoạt động giám sát quy định
Thường trực HĐND “Giám sát việc giải quyết kiến
nghị của cử tri” trong khi Điều 39 quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân
phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử
tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri).
Cử tri phản anh, kiến nghị với đại biểu HĐND
Trên cơ sở báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo từng
nội dung, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, Thường trực HĐND tỉnh phân công trách
nhiệm cụ thể cho các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp Thường trực HĐND
cấp huyện tiến hành thẩm tra kết quả trả lời kiến nghị của cử tri (Luật quy
định thẩm tra, cũng là một hình thức giám sát), báo cáo kết quả giám sát về
Thường trực HĐND tỉnh. Báo cáo của các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh
thể hiện sự thống nhất hoặc chưa thống nhất với nội dung trả lời, giải quyết
kiến nghị của cử tri, nêu rõ lý do đối với những nội dung chưa thống nhất, nội
dung trả lời chưa thỏa đáng. Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo
kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh. Trong trường hợp việc trả lời chưa thỏa đáng,
chưa rõ ràng, Thường trực HĐND tổ chức giám sát, tiếp tục đề nghị cơ quan có
trách nhiệm trả lời cử tri hoặc đề nghị đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp hoặc
báo cáo tại phiên giải trình giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh. Trong
trường hợp ý kiến có nhiều bức xúc, Thường trực HĐND trực tiếp hoặc phân công
cho các Ban của HĐND tổ chức Đoàn giám sát, khảo sát để trả lời với cử tri và
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu khảo sát thực tế theo phản ánh của cử tri
Kết
quả, trong 7 năm qua, Thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã đã tổng hợp chuyển
20.392 ý kiến kiến nghị của cử tri và UBND cùng cấp đã có báo cáo trả lời
20.392/20.392 (tỷ lệ 100%) ý kiến, kiến nghị. Qua giám sát, có 17.708/20.392
(tỷ lệ 86,8%) ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng giải
quyết hoàn thành; có 2.684/20.392 (tỷ lệ 13,2%) ý kiến kiến nghị đề nghị UBND
các cấp tiếp tục chỉ đạo giải quyết do cần có lộ trình triển khai thực hiện. Về
kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát, UBND các cấp đã chỉ đạo giải quyết
được 2.463/2.684 (tỷ lệ 91,8%) kiến nghị sau giám sát; còn 221/2.684 (tỷ lệ
8,2%) số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được cơ quan chức năng trả lời đầy
đủ, rõ ràng, cần tiếp tục xem xét giải quyết và trả lời cho cử tri.
Việc
rà soát, đánh giá và có ý kiến về nội dung trả lời, kết quả giải quyết kiến
nghị của cử tri là cơ sở quan trọng cho việc giám sát kiến nghị của cử tri.
Thực tế cho thấy, qua giám sát của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND và Thường trực
HĐND cấp huyện, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy nội dung trả lời, kết quả giải
quyết kiến nghị của cử tri của UBND các cấp nhìn chung được quan tâm. Tuy
nhiên, còn một số kiến nghị chưa được kiểm tra, nắm bắt kết quả cụ thể nên còn
nội dung trả lời chưa chính xác, không phù hợp với thực tế, dẫn đến cử tri tiếp
tục phản ánh, kiến nghị kéo dài.
Về trách nhiệm của đại biểu, Thường
trực HĐND tỉnh Đồng Nai nhận thấy, thông qua hoạt động giám sát (tham gia với
Tổ đại biểu và Ban HĐND), Đại biểu có công cụ giám sát để đeo dõi kết quả giải
quyết những vấn đề mình đã chuyển tải. Đối với Thường trực HĐND, văn bản tập
hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND chuyển đến cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu giải quyết, trả lời có thể hiện nội dung để nhắc nhở và nhấn mạnh
trách nhiệm: “báo cáo về Thường trực HĐND và đại biểu HĐND để thực hiện trách
nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và chuẩn bị báo cáo giám
sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
trình HĐND”
Luật quy định báo cáo của UBND về
kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải được Ban của HĐND thẩm tra theo sự
phân công của Thường trực HĐND. Như vậy một kết quả giải quyết sẽ được xem xét,
đánh giá dưới nhiều góc độ: Của đại biểu là người nắm sát địa bàn và nội dung
kiến nghị; của Ban có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực phản ánh; của Thường
trực với tầm nhìn bao quát và của Văn phòng với cách nhìn của người tham mưu,
như vậy giúp cho việc nâng cao chất lượng trả lời cử tri.
Về trách nhiệm của Thường trực HĐND cũng
được nâng cao bởi Thường trực phải xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết
kiến nghị của cử tri. Để xây dựng báo cáo, Thường trực HĐND phải xem xét báo
cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo trình tự quy định. Với việc thực
hiện trách nhiệm và quy trình giám sát như trên cũng đã tác động hiệu quả đến
cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần vào
việc mang lại sự hài lòng của cử tri.
Vận
dụng cách thức giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện
cũng phân công các Ban, Tổ đại biểu giám sát toàn bộ nội dung trả lời cử tri;
đối với cấp xã do Thường trực HĐND tiến hành.
Nguyễn Thị Oanh.