Thông tin, tuyên truyền để đông đảo
cử tri nắm được lịch tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND được Thường trực
HĐND 3 cấp tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt, đầy đủ thông tin, thuận lợi trong việc
nắm bắt và tìm kiếm như: Đọc (đăng tải trên báo, website của HĐND); nghe (trên
hệ thống phát thanh cấp xã) và nghe, nhìn (trên sóng truyền hình) và tuyên
truyền trực tiếp (do Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ấp thông tin, trực tiếp đi mời
cử tri) để cử tri nắm lịch tiếp xúc và sắp xếp tham dự.
Về nội dung
tiếp xúc cử tri theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương hiện nay,
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đánh giá là nhiều, phong phú và đa dạng, vừa thể
hiện được trách nhiệm của đại biểu, vừa thể hiện được trách nhiệm của cử tri và
các cơ quan, ngành trong việc giải quyết, trả lời những ý kiến, kiến nghị của
cử tri và phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương. Đối với những ý kiến
mang tính chất kiến nghị cá nhân hoặc cần trao đổi thêm cử tri có thể đăng ký
gặp đại biểu sau khi kết thúc hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm đảm bảo chương
trình hội nghị.
Một buổi Tiếp xúc cử tri tại thành phố Biên Hòa
Về tính hiệu quả và sự phù hợp với thực tiễn: Các ý
kiến phản ánh kiến nghị của cử tri liên quan đến các mặt của đời sống kinh tế
xã hội, an ninh trật tự của địa phương. Bên cạnh những ý kiến góp ý chung cho
việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, cử
tri ở địa phương còn có
những ý kiến phản ánh về các vụ việc đơn lẻ, cụ thể liên quan trực tiếp đến
quyền lợi cá nhân hoặc quyền lợi chung của cộng đồng dân cư. Đại biểu HĐND
tỉnh, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri, đối với những ý kiến đã rõ
thông tin sẽ giải thích, trả lời ngay tại buổi tiếp xúc; những ý kiến liên quan
đến cơ chế, chính sách cần có thời gian để giải quyết được đại biểu tiếp thu,
kiến nghị theo thẩm quyền. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị được Thường trực
HĐND và Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN phối hợp thực hiện một cách chặt
chẽ, cơ bản phản
ánh đầy đủ, chính xác tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri để xử lý đúng thẩm quyền.Với quy trình từ
tiếp nhận đến xử lý chặt chẽ, có thể đánh giá việc tiếp xúc cử tri mang lại
hiệu quả cao, tạo được niềm tin của Nhân dân đối với đại biểu HĐND nói riêng và
Chính quyền địa phương nói chung.
Trong
quá trình tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND luôn trình bày tóm tắt, ngắn gọn
các nội dung báo cáo để dành nhiều thời gian, tạo điều kiện để lắng nghe cử tri
trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình; gặp gỡ, trao đổi riêng với cử tri
đối với những ý kiến mang tính chất cá nhân sau khi kết thúc hội nghị, từ đó đã
tạo được sự đồng thuận, tin tưởng cho cử tri đối với các đại biểu HĐND, khuyến
khích người dân tích cực phản ánh, kiến nghị đối với những nội dung mình quan
tâm.
Tuy
nhiên, về tính phù hợp với thực tiễn, như phân tích tại mục 2.4 nêu trên cần có
sự nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng giao quyền chủ động và giao trách nhiệm
của Thường trực HĐND trong quyết định việc tiếp xúc cử tri của đại biểu để tạo
sự thống nhất trong bối cảnh mọi hoạt động quản lý nhà nước hiện nay đang
chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ, hiệu quả đồng
thời việc này cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực, tương tác hiệu quả của
người dân và làm thay đổi dần những hình thức hoạt động mang tính thủ công,
truyền thống.
Luật Tổ chức HĐND và UBND trước đây,
bên cạnh tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú và chuyên đề còn quy định một
hình thức tiếp xúc cử tri khác, đó là nơi công tác của đại biểu HĐND. Đây là
một hình thức có thể vận dụng đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh do phạm vi đại
diện rộng. Tuy nhiên, đến Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, quy định trên
không còn.
Thực tế đối với những đại biểu HĐND
là người đứng đầu hoặc có uy tín trong một ngành, giới nhất định có thể tổ chức
tiếp xúc để lắng nghe ý kiến cử tri của cơ quan, đơn vị mình với hình thức phù
hợp. Mặc dù đây cũng là một hình thức tiếp xúc mang tính chất chuyên đề nhưng
phạm vi hẹp nên không cần thiết phải do Thường trực HĐND chủ trì buổi tiếp xúc
nên việc tạo cơ chế để đại biểu chủ động chủ trì tiếp xúc là quy định nên duy
trì.
Nguyễn Thị Oanh