Có giải pháp thực hiện phân loại rác tại nguồn

Đăng ngày: 31/10/2023
​  Tại đợt thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh,  Đại biểu HĐND tỉnh đã phản ánh tình trạng một số bãi chôn lấp có nguy cơ từ chối tiếp nhận rác do không đủ diện tích trong khi đó, tỷ lệ đăng ký phân loại rác tại nguồn chưa cao. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp thực hiện phân loại rác tại nguồn để giảm lượng rác chôn lấp và chuyển đổi sang phương pháp đốt để đảm bảo quỹ đất cho chôn lấp và thể hiện văn minh đô thị.

 Theo Báo cáo số 316/BC-UBND ngày 27/10/2023 của UBND tỉnh, cho thấy:

1. Về tình hình tiếp nhận của Khu xử lý (KXL) Quang Trung:

Hiện KXL đang tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt dao động từ 1.000 tấn/ngày đến 1.213 tấn/ngày (trung bình khoảng 1.200 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp sản xuất compost, chất trơ còn lại được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.

So với quy hoạch ban đầu, khối lượng rác và quy mô phục vụ đối với rác thải sinh hoạt tăng đáng kể (phải tiếp nhận thêm 06 huyện), tăng cao gấp 6 lần so với dự án được duyệt lần đầu năm 2009.

Chất thải trơ sau phân loại, xử lý được chôn lấp hợp vệ sinh (khoảng 180 tấn/ngày). Theo quy hoạch được duyệt, thể tích chứa của ô số 8 và ô số 9 còn lại khoảng 195.000 m3, với tỷ trọng rác thải đô thị theo quyết định số 17/2021/QĐ-BXD ngày 07/8/2021 của Bộ Xây dựng khoảng 0,42 tấn/m3 trường hợp chủ dự án không thực hiện chôn lấp chất thải rắn công nghiệp thông thường thì có khả năng tiếp nhận thêm 17 tháng (đến tháng 2/2025), với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt mùn hữu cơ 1.200 tấn/ngày.

Hiện nay Công ty đang lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 để bổ sung các ô chôn lấp hợp vệ sinh nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận trong thời gian tới. Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 2655/BXD-HTKT ngày 22/6/2023, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 2220/SXD-QLHTKT ngày 23/6/2023 báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về nội dung nêu trên. Trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh đã có Văn bản số 6473/UBND-KTN ngày 28/6/2023 về việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu xử lý chất thải Quang Trung huyện Thống Nhất, trong đó, chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc giao UBND huyện Thống Nhất khẩn trương lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng phân khu 1/2000 Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Nguyên nhân của việc ngừng tiếp nhận vừa qua, ngoài việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch còn nhiều vướng mắc về thủ tục xây dựng ảnh hưởng tiến độ hoàn thành các hạng mục xử lý chất thải, nhiều địa phương còn nợ chi phí xử lý rác quá lớn khoảng 66 tỷ (cụ thể: Biên Hòa khoảng 31 tỷ đồng, Long Thành khoảng 7 tỷ, Thống Nhất khoảng 8 tỷ,…)

Đối với việc nợ chi phí xử lý rác, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các địa phương chủ động làm việc với Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi để giải quyết. Từ 1/7/2023, KXL Quang Trung đã tiếp tục tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương.

2. Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 2862/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 và Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt tại 09 KXL chất thải rắn trên địa bàn tỉnh khoảng 459,5 ha phân bố đều tại các địa phương. Trong đó, đã nêu rõ phạm vi phục vụ của từng khu xử lý cho từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện ý kiến của Đoàn kiểm toán nhà nước và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiến hành thanh tra toàn diện lĩnh vực xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Theo Kết luận thanh tra, từ năm 2018, Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đấu thầu thu gom, xúc, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Đấu thầu. Các đơn vị không đảm bảo năng lực xử lý, tiến độ chuyển đổi công nghệ trong đó có các yêu cầu về tỷ lệ chôn lấp chất thải, về giá xử lý…  sẽ không đủ điều kiện tham gia xử lý chất thải. Do đó, chất thải được tập trung xử lý tại các đơn vị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: Công ty Cổ phần có vốn nhà nước (Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi) và lượng rác còn lại các đơn vị tư nhân (Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Đa Lộc).

Trước tình hình này, năm 2019 UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn cho phù hợp với quy định mới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dừng thực hiện do phải tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

3. Về đầu tư công nghệ đốt rác phát điện: Theo định hướng quy hoạch của tỉnh chỉ còn 04 KXL chất thải rắn sinh hoạt

a) KXL Túc Trưng của Công ty Cổ phần đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Năng lượng Đồng Nai (thuộc Tập Đoàn Amacao) để thực hiện các bước đầu tư dự án đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày.

b) KXL Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu: Hiện nay Tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện, với diện tích khoảng 12ha (thuộc quy hoạch xử lý rác thải 50ha đã được duyệt), công suất giai đoạn 1: 800 tấn/ngày và công suất phát điện 20MW, giai đoạn 2: 1.200 tấn/ngày và công suất phát điện 30MW, dự án hiện đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22/9/2022; trong đó, yêu cầu về công nghệ sản xuất điện từ rác sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ tro bay < 2,5% và tỷ lệ tro đáy < 5%, hiện Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp nhà đầu tư và các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

c) KXL Bàu Cạn của Công ty Phúc Thiên Long: Hiện đang tiến hành các thủ tục về đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày (xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường).

d) KXL Quang Trung tại huyện Thống Nhất của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi: Đầu tư lò đốt chất thải sau xử lý compost và công nghiệp thông thường quy mô  khooảng 400 tấn/ngày.

Dự kiến thời gian đầu tư, xây dựng và vận hành của các dự án trên là từ 2 - 3 năm.

* Về giải pháp trong thời gian tới

-  Đối với việc tiếp nhận xử lý chất thải của KXL Quang Trung: UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đo đạc đánh giá khả năng tiếp nhận của các ô chôn lấp còn lại của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, đồng thời có các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tiếp nhận trong thời gian điều chỉnh quy hoạch chi tiết của KXL. Yêu cầu UBND huyện Thống Nhất khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết của khu xử lý làm cơ sở để Công ty thực hiện các thủ tục xây dựng đối với các ô chôn lấp, để đảm bảo thời gian tiếp nhận từ 2 - 3 năm trong giai đoạn các KXL đầu tư đốt rác phát điện.

-  Đối với triển khai các dự án đốt rác phát điện, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hỗ trợ các dự án đốt rác phát điện đẩy nhanh tiến độ đầu tư và triển khai xây dựng để sớm đi vào hoạt động.

Ngọc Diệp