​Chỉ đạo xử lý triệt để các vấn đề về ngập úng tại các đô thị

Đăng ngày: 31/10/2023
​   Theo thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, tình trạng ngập ngày càng tăng, điểm ngập càng nhiều. đề nghị cần có giải pháp về lâu dài, căn cơ, không xử lý tình huống, trong đó phải có quy hoạch tổng thể về thoát nước đô thị để tạo điều kiện phát triển bền vững cho tỉnh và đề nghị làm rõ tiến độ và giải pháp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án chống ngập Suối Chùa, Suối Bà Lúa, Suối Cầu Quan vì dự án này đã kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến đời sống người dân.​
 


UBND tỉnh đã có  Báo cáo số 316/BC-UBND ngày 27/10/2023 trả lời nội dung đại biểu quan tâm như sau:

Là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp, thoát nước và xử lý nước thải các đô thị tỉnh Đồng Nai, Sở Xây dựng đã tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo; tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ vụ cụ thể cho các đơn vị trong việc xử lý khắc phục các điểm ngập, tái ngập và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập (tại văn bản số 13763/UBND- KTN ngày 19/12/2022); tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 93/KH-BCĐCTN-XLNT Ngày 05/6/2023 về kế hoạch thực hiện khắc phục tình trạng ngập nước khi mưa lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2026; kịp thời cùng các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố khảo sát, xử lý dự án chậm tiến độ, những điểm nghẽn của các dự án để kịp thời tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời để sớm có những công trình xử lý chống ngập úng hiệu quả.

So với cuối năm 2022, đến nay đã xử lý khắc phục được 19 điểm, ghi nhận thêm 03 điểm ngập cục bộ tại huyện Nhơn Trạch. Như vậy, hiện nay còn 39 điểm (khu vực) ngập chưa được xử lý dứt điểm.

Trong thời gian qua để giải quyết trước mắt các điểm ngập nặng, Sở xây dựng cùng các ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp và đã thực hiện xử lý như sau:

- Giải pháp bằng dự án đầu tư và các công trình thoát nước như cống/mương để dẫn nước thoát ra nguồn tiếp nhận được nhanh nhất: Đến nay, nhiều dự án dự kiến hoàn thành trong 2023 (như Dự án chống ngập khu vực cầu Đồng Khởi đã được khởi công ngày 1/7/2023; Dự án chống ngâp khu vực trước chợ Long Bình Tân trên đường Quốc lộ 51; Dự án chống ngập khu vực gần ngã 3 công an phường Trảng Dài; hệ thống thoát nước trên tuyến đường tỉnh ĐT.774B tại huyện Tân Phú; hệ thống chống úng xã Xuân Hưng tại huyện Xuân Lộc tiến độ đạt được khoảng 80%...); Nhiều dự án dự kiến sẽ khởi công trong 2023 (như dự án chống ngập cục bộ trên đường ĐT 766 tại huyện Xuân Lộc, Dự án hệ thống thoát nước hai bên tuyến đường ĐT.767 và dự án chống ngập trên đường ĐT.761 tại huyện Vĩnh Cửu, dự án chống ngập trên tuyến ĐT.764, dự án chống ngập ngập trên tuyến ĐT.765B tại huyện Cẩm Mỹ...); Một số dự án đã khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024 (như dự án chống ngập trên đường Võ Nguyên Giáp, dự án chống ngập khu vực gần ngã 3 đường Đồng Khởi đoạn đầu vào đường Bùi Trọng Nghĩa khu phố 2A, phường Trảng Dài tại thành phố Biên Hòa: dự án hệ thống thoát nước mưa dọc tuyến đường Trường Chinh, dự án hệ thống thoát nước mưa dọc tuyến đường Trường Chinh tại huyện Trảng Bom,). dự báo khi các dự án này hoàn thành sẽ khắc phục dứt điểm các điểm ngập này. Tuy nhiên, để đẩy nhanh được tiến độ các dự án này, Sở Xây dựng đã nhận diện các vướng mắc hiện là rào cản như: giải phóng mặt bằng chậm (nhất là dự án Chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan việc bàn giao mặt bằng đến nay vẫn chưa đầy đủ, mới bàn giao thêm mặt bằng của 95 hộ ngày 11/7/2023. Vẫn còn một số hộ dân không chịu di dời; một số hộ không quy chủ được); Bố trí nguồn vốn còn hạn chế; chất lượng khảo sát và lập hồ sơ thiết kế chưa cao. Mặt khác các dự án này cũng chỉ là giãi pháp xử lý cục bộ, về lâu đài cần phải có các dự án thoát nước đô thị mang tính toàn diện.

- Sở Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục các vấn đề này như: yêu cầu các địa phương xác định đưa các dự án chống ngập, tiêu thoát lũ vào danh mục dự án cấp bách để được ưu tiên bố trí vốn và có cơ chế đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Chọn lựa các đơn vị khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng có đủ năng lực, kinh nghiệm để tránh tình trạng chỉnh sửa hồ sơ, xử lý kỹ thuật nhiều lần; Xây dựng dự toán phương án bồi thường, chuẩn bị nguồn kinh phí, vướng mắc khâu nào, hướng xử lý ra sao để nhanh chóng bàn giao mặt bằng không ảnh hưởng đến tiến độ dự án chính.

- Giải pháp bằng các dự án Nạo vét khơi thông dòng chảy (cống, rãnh, kênh, mương), các dự án sữa chữa mặt đường dẫn nước: cụ thể như dự án Nạo vét suối săn máu; dự án Nạo vét kênh tiêu Bàu Cá, nạo vét suối Ông Quế tại huyện Long Thành; dự án nạo vét mương đường Xuân Bắc - Long Khánh, nạo vét Suối Gia Dụng, nạo vét, gia cố Suối 3 Tây Kim; Sở Xây dựng thường xuyên yêu cầu UBND huyện tự chủ động bố trí vốn sự nghiệp và xây dựng kế hoạch thường xuyên và định kỳ thực hiện việc duy tu, nạo vét các tuyến mương, cống bị bồi lấp, khơi thông dòng chảy hạ lưu cuối suối và tổ chức gom rác thải, chất thải trong các khu dân cư các tuyến đường giao thông, đặc biệt tập trung vào thời điểm trước và trong mùa mưa bão để đảm bảo việc tiếp nhận, tiêu thoát nước;

-  Giải pháp đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường vận động, tuyên truyền, phát động phong trào thu gom rác đồng hành với chính quyền giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị góp phần chống ngập; vận động người dân chấp hành thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, không xây dựng lấn chiếm dòng chảy. Tuy nhiên qua những đợt khảo sát thực địa, ghi nhận nhiều miệng cống, cửa thu nước, tấm đan đã bị bít, tắc do ngập rác, có nhiều mương cống người dân lấy các vật liệu che bít không thể thu nước.

- Giải pháp đối với các điểm ngập trên các tuyến Quốc Lộ: Sở Xây dựng đã làm việc với Cục Quản lý đường bộ IV và Cục Quản lý đường bộ IV đã thống nhất chấp thuận cho địa phương thực hiện tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước. Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường Quốc lộ. Đồng thời, kiến nghị Cục quản lý đường bộ IV có giải pháp cải tạo lại các tấm đan tăng khả năng thu nước nhưng không tụ rác và có thể ngăn mùi.

- Giải pháp thông tin, lập nhóm phản ứng nhanh kết nối chủ động giữa Sở Xây dựng và các địa phương, đơn vị để kịp thời nắm bắt thông tin, tình trạng ngập nước khi mưa lớn. Thời gian qua nhóm phản ứng nhanh hoạt động khá hiệu quả.

Đô thị hóa tạo áp lực cho hệ thống hạ tầng hiện hữu đô thị; Hệ thống công thoát nước hiện hữu không đủ khả năng tiêu thoát; Tình trạng bê tông hóa, biến đổi khí hậu như hiện nay là bài toán thách thức trong vấn đề cải tạo, phát triển đô thị. Đặc thù công trình thoát nước cần đầu tư đồng bộ từ mạng lưới đường ống thoát nước đến công trình xử lý nước thải toàn diện nên tổng mức đầu tư lớn (khoảng 2.000 tỷ đồng) và các dự án này với mục tiêu phục vụ an sinh xã hội nên rất khó kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, do đó việc cân đối, bố trí vốn thực hiện trong thời điểm hiện nay là rất khó.

Các giải pháp, chiến lược lâu dài cần chỉ đạo, tập trung thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch phải thông minh, quy hoạch phải bền vững, ổn định với tầm nhìn chiến lược lâu dài, hạn chế điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa bê-tông hóa, bảo tồn yếu tố tự nhiên, tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp giảm ngừa biến đổi khí hậu; Quy hoạch chi tiết các khu chức năng, nhất là sự đấu nối HTKT phải gắn với việc tính toán khả năng tiếp nhận để có phương án đầu tư nâng cấp hệ thống HTKT đô thị tương xứng, đồng bộ.

Thứ hai, hiện nay, quy định hiện hành không cho phép tỉnh Đồng Nai được lập riêng Quy hoạch tổng thể thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng sẽ quan tâm, chú trọng nội dung quy hoạch thoát nước, các dự án ưu tiên đầu tư làm cơ sở triển khai đầu tư mạng lưới thoát nước đồng bộ cho đô thịtrong công tác hướng dẫn, lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng của từng địa phương, từng đô thị, đồng thời vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng đưa nội dung cần thiết lập quy hoạch thoát nước đô thị vào dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn đang xây dựng.

Thứ ba, Tiếp tục hướng dẫn, nâng cao chất lượng hồ sơ, công tác thẩm định dự án, cùng tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật đô thị; Đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến đường giao thông phải gắn liền với việc đầu tư các hệ thống HTKT đồng bộ, đặc biệt là hệ thoáng thoát nước.

Thứ , Về phía các địa phương:

 Cần phải xây dựng Kế hoạch cải tạo chỉnh trang hệ thống mương, rạch, suối bị lấn chiếm, thu hẹp, bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung; nạo vét, mở rộng các rạch, suối, cầu, cống trong nội đô; kết hợp với bố trí xây dựng các hồ điều hòa ở các vị trí phù hợp trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng góp phần tái lập hệ sinh thái tiêu thoát nước tự nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường.

 Bảo vệ tuyệt đối hành lang sông, suối và các công trình tiêu thoát nước; Thực hiện cắm mốc phạm vi hành lang bảo vệ quy định về phòng, chống lấn chiếm hệ thống thoát nước đô thị; Ban hành quy định quản lý hệ thống thoát nước đô thị và có giải pháp quản lý, xử phạt tình trạng san nền trái phép, chặt hạ cây xanh mà không có giải pháp dẫn dòng thoát lũ, tình trạng xây dựng xây dựng lần chiếm dòng chảy; Quản lý chặt chẽ việc thu gom rác, xử lý nghiêm việc xả rác.

Thứ năm, đối với các cơ quan, đơn vị lập, thẩm định chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị, công trình thoát nước (kênh, mương, kè, cống...) phải nghiên cứu kỹ phương án nguồn tiếp nhận, đấu nối thoát nước, dự báo tương lai để đưa ra được các giải pháp thoát nước phù hợp, đảm bảo sự kết nối giữa các dự án, khu vực với nhau. Đặc biệt phải chú trọng đầu tư tuyến thoát nước phải đồng bộ, gắn liền với đầu tư đường giao thông, thiết kế các tuyến đường giao thông phải tính toán đến việc bố trí các hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi và phối hợp với UBND cấp huyện, thành phố các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp và đề xuất UBND tỉnh xử lý triệt để các vấn đề về ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị Biên Hòa./.

 

Ngọc Diệp