Kỹ năng giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh

Đăng ngày: 01/11/2023
​Từ năm 2016 đến nay, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành với những quy định khá cụ thể đã giúp hoạt động giám sát được tổ chức theo đúng thẩm quyền, trình tự, hiệu lực giám sát được nâng lên. ​

​Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND các cấp với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương. HĐND thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời năm 2015 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế pháp lý về hoạt động giám sát của HĐND, đưa hoạt động giám sát đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao hơn. 

Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, việc triển khai thực hiện các hoạt động giám sát của HĐND đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ theo các quy định hiện hành. Nhiệm kỳ 2016-2021, hoạt động giám sát của HĐND chủ yếu tập trung vào hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Đến nhiệm kỳ 2021-2026, ngoài hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã tổ chức được 02 nội dung giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện danh mục dự án thu hồi đất và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề.

Từ năm 2016 đến nay, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành với những quy định khá cụ thể đã giúp hoạt động giám sát được tổ chức theo đúng thẩm quyền, trình tự, hiệu lực giám sát được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND trong thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: Một số nội dung giám sát còn dàn trải, một số kiến nghị còn chung chung, việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn thiếu quyết liệt, công khai kết quả sau giám sát chưa thực sự rộng rãi … Để từng bước khắc phục các hạn chế, triển khai hiệu quả Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với hoạt động của HĐND là nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của HĐND để HĐND thực sự là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ thực tiễn, kinh nghiệm triển khai giám sát và các quy định pháp luật, HĐND tỉnh Đồng Nai trao đổi một số kỹ năng giám sát chuyên đề của HĐND để góp phần nâng cao chất lượng giám sát.

IMG_6837.JPG
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ một số kinh nghiệm về hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện tại hội nghị tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

1. Công tác xây dựng nội dung giám sát 

Trong thực tế, thời gian dành cho hoạt động giám sát của HĐND không nhiều, trong khi đó hoạt động của chính quyền các cấp có rất nhiều nội dung, việc tập trung giám sát tất cả là điều không thể và không hiệu quả. Vì vậy, phải lựa chọn nội dung giám sát vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mong muốn của cử tri. Việc xác định nội dung giám sát được khai thác từ nhiều kênh, nhiều nguồn thông tin, như: Từ các Nghị quyết của HĐND cùng cấp đã ban hành; tổng hợp thông tin từ các báo cáo của UBND, các sở, ban, ngành; tập hợp thông tin qua công tác tiếp dân để nắm tình hình phản ánh, tình hình giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tập hợp và tổng hợp các ý kiến kiến nghị của nhân dân, của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau các kỳ họp HĐND; tiếp nhận thông tin từ các báo cáo, kiến nghị của MTTQ; tập hợp và tổng hợp các thông tin từ báo, đài; tổng hợp thông tin từ ý kiến kết luận của Tỉnh ủy đối với tình hình kinh tế- xã hội, an ninh - quốc phòng; thông tin từ các quy định pháp luật mới ban hành,…Theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chương trình giám sát hàng năm của HĐND được quyết định tại kỳ họp giữa năm trước của HĐND. Tuy nhiên, ngoài các nội dung giám sát theo chương trình, các tổ chức HĐND cần dành một thời lượng nhất định để thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề đột xuất phát sinh theo yêu cầu thực tế.

2. Ban hành kế hoạch, quyết định giám sát

Việc chuẩn bị tài liệu phục vụ giám sát có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giám sát. Căn cứ vào nội dung, mục đích giám sát để chuẩn bị các tài liệu, quy định pháp luật có liên quan để xây dựng đề cương giám sát cho phù hợp. Đề cương giám sát phải đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của đơn vị chịu sự giám sát; đề cương cần phải xây dựng chi tiết, rõ ý, yêu cầu có số liệu minh chứng kèm theo. Ngoài việc xây dựng đề cương giám sát, trước khi ban hành quyết định giám sát cần tính toán lựa chọn địa điểm, thời gian đến giám sát trực tiếp tại cơ sở phù hợp, tránh thời gian địa phương đang tập trung cao điểm cho công tác chuyên môn nhưng cũng cần đảm bảo tính thời sự của vấn đề.

Quyết định giám sát nên gửi đến các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các thành phần tham gia giám sát trước khi tiến hành giám sát khoảng từ 20-25 ngày để các đơn vị có thời gian chuẩn bị tốt báo cáo; đồng thời gửi báo cáo về Đoàn giám sát trước thời điểm giám sát ít nhất 03 ngày để đoàn giám sát nghiên cứu trước, nếu báo cáo chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu, đoàn giám sát phải thông báo trước cho đơn vị chịu sự giám sát, đề nghị báo cáo bổ sung tại buổi giám sát.

3. Tổ chức đoàn giám sát

Trong Đoàn giám sát phải bố trí thành viên tham gia phù hợp với nội dung giám sát, các thành viên được mời tham gia là những người am hiểu sâu về vấn đề giám sát. Đối với nội dung giám sát liên quan đến nhiều lĩnh vực, mời thêm Thường trực và các Ban HĐND khác cùng tham gia đoàn giám sát.

Trước khi giám sát, đoàn giám sát có thể tiến hành khảo sát một số địa điểm để nắm bắt rõ hơn các nội dung cần giám sát, bố trí thời gian thỏa đáng để làm việc trực tiếp và đối thoại với người dân, các đối tượng được thụ hưởng các chính sách. Những thông tin, số liệu thu thập được trong quá trình khảo sát là những thông tin phản ánh trung thực hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát; những bất cập, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực được giám sát, làm căn cứ đề xuất giải pháp phù hợp. Quá trình tiến hành giám sát, từng thành viên đoàn chuẩn bị kỹ nội dung cần hỏi (mỗi thành viên chỉ trình bày từ 5-10 phút). Trong quá trình giám sát, cần làm rõ các hạn chế, nguyên nhân của hạn chế (khách quan, chủ quan, trách nhiệm), làm rõ các kiến nghị của đơn vị chịu sự giám sát (thẩm quyền của cấp nào). Nhận định, đánh giá đúng những gì cơ quan, đơn vị chịu giám sát làm tốt, chỉ ra được những hạn chế và nhận xét đúng mức những hạn chế, tồn tại; chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc với tinh thần đồng hành cùng đơn vị chịu sự giám sát.

4. Thông báo kết luận giám sát

Đề việc giám sát hiệu quả, kịp thời giải quyết những vướng mắc, kết luận giám sát phải ban hành trong vòng 15 ngày sau khi kết thúc giám sát. Kết quả của toàn bộ quá trình khảo sát, giám sát phải được thể hiện đầy đủ trong báo cáo kết quả giám sát. Để các kết luận, kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc thì vấn đề quan trọng là các kết luận, kiến nghị giám sát phải đảm bảo đúng pháp luật, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của đối tượng chịu giám sát hoặc những bất cập trong chính sách; nội dung kiến nghị cụ thể, đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát; cần đưa ra những kiến nghị có thể định lượng, đánh giá, so sánh được hiệu quả thực hiện trước và sau giám sát. Bên cạnh đó cũng cần ghi rõ thời gian yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện kiến nghị và báo cáo kết quả cho đoàn giám sát. 

5. Giải quyết các kiến nghị sau giám sát

Để nâng cao chất lượng thực hiện kiến nghị sau giám sát, những kiến nghị sau giám sát phải được tổng hợp, cập nhật và theo dõi thường xuyên. Tích cực thực hiện đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị bằng nhiều hình thức: Gửi công văn đôn đốc, yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện; tái giám sát các kiến nghị quan trọng nhưng chậm được thực hiện. Đặc biệt, đối với những kiến nghị về các vấn đề quan trọng, bức thiết chưa được giải quyết đúng thời gian quy định hoặc giải quyết chưa dứt điểm, các Ban HĐND nên đưa vào báo cáo thẩm tra hoặc đưa ra chất vấn tại các kỳ họp HĐND, đảm bảo các kiến nghị sau giám sát phải được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Lê Lài