​Tăng cường công tác kiểm soát, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

Đăng ngày: 01/11/2023
​  Theo đại biểu phản ánh tại đợt thảo luận Tổ tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, cử tri rất quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm. tình trạng giết mổ lậu vẫn còn nhưng chế tài rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đề nghị các sở, ngành tham mưu chế tài phù hợp.​
 


 Nội dung trên đã được UBND tỉnh trả lời tại Báo cáo số 316/BC-UBND ngày 27/10/2023 như sau:

1. Về giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

a) Thực trạng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 44 cơ sở giết mổ có phép đang hoạt động (40 cơ sở thuộc mạng lưới và 04 cơ sở tạm thời), có kiểm soát của cơ quan thú y, với công suất bình quân một ngày từ 40 - 50 con trâu bò, 1.900 - 2.100 con heo, 36.000 - 38.000 con gà.

- Ngoài các cơ sở giết mổ động vật có phép hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, vẫn còn tồn tại hàng trăm cơ sở giết mổ không phép. Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương trên địa bàn các huyện, thành phố còn tồn tại khá nhiều điểm giết mổ không phép gồm 42 cơ sở TP. Biên Hòa, 27 cơ sở Trảng Bom, 22 cơ sở huyện Nhơn Trạch, 11 cơ sở huyện Định Quán, 10 cơ sở huyện Vĩnh Cửu, 17 cơ sở huyện Tân Phú, 03 cơ sở huyện Cẩm Mỹ, 04 cơ sở huyện Thống Nhất và các địa phương khác chưa phát hiện giết mổ không phép. Trong số các cơ sở giết mổ không phép đang hoạt động, có một số cơ sở trước đây được phép hoạt động tạm thời, khi các cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động, các cơ sở này đã bị rút giấy phép và buộc phải di dời vào các cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở này vẫn tiếp tục giết mổ hoàn toàn trái phép hoặc chỉ đưa một phần vào lò mổ tập trung.

- Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được phân công đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn. Kết quả đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng, đồng thời xử lý theo quy định đối với sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

- Việc giết mổ động vật trái phép có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người và động vật.

b) Các giải pháp xử lý các cơ sở giết mổ không phép

Để xử lý triệt để tình trạng giết mổ động vật không phép, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai một số nhiệm vụ giải pháp sau:

- Sở Nông nghiệp và PTNT:

+ Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 20, Nghị Định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 theo hướng: tăng mức tiền phạt lên gấp 5 lần, bổ sung hình thức tịch thu tang vật, buộc tiêu hủy sản phẩm động vật đối với hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (hiện tại mức phạt là 6 triệu - 8 triệu).

+ Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý tình trạng giết mổ động vật không phép trên địa bàn tỉnh gồm thành viên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai. Nếu Đoàn phát hiện giết mổ trái phép, ngoài việc xử lý theo quy định Đoàn sẽ thực hiện ghi hình, đồng thời phỏng vấn người đứng đầu địa phương.

+ Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý tình trạng buôn bán sản phẩm động vật không kiểm soát tại chợ Tam Hòa và khu vực Chợ Sặt gồm thành viên của UBND Tp. Biên Hòa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai.

- Công an tỉnh:

+ Chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thành phố; công an các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.

+ Cử lực lượng tham gia Đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì; bảo đảm đủ số lượng chiến sỹ, nghiệp vụ chuyên môn tốt để hỗ trợ Đoàn kiểm tra khi thực thi công vụ đạt hiệu quả.

- Cục Quản lý thị trường: tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý, đặc biệt tại các chợ; cử lực lượng tham gia Đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì; bảo đảm đủ số lượng, nghiệp vụ chuyên môn tốt để hỗ trợ Đoàn kiểm tra khi thực thi công vụ đạt hiệu quả.

- UBND các huyện, thành phố:

+ Thành lập Đoàn kiểm tra để xử lý tình trạng giết mổ động vật không phép; vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý định kỳ hàng quý và đột xuất về Sở Nông nghiệp và PTNT.

+ Tuyên truyền vận động các hộ giết mổ đưa gia súc, gia cầm vào các cơ sở giết mổ tập trung. Triển khai các biện pháp xóa bỏ các điểm giết mổ tạm thời; xử lý kiên quyết theo quy định những trường hợp giết mổ trái phép.

+ Chỉ đạo các phòng ban, UBND các xã/phường/thị trấn tăng cường kiểm tra xử lý đối với các hộ giết mổ trái phép trên địa bàn. Giao trách nhiệm cụ thể cho cho từng cá nhân, đơn vị, theo đó Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố nếu để tình trạng giết mổ động vật trái phép trên địa bàn quản lý.

2. Đồng thời đại biểu còn đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành tăng cường kiểm tra, quản lý tình trạng thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng, trôi nổi trên thị trường, Cần làm rõ các vụ được vận chuyển từ nơi khác đến hay từ huyện này sang huyện khác trong tỉnh để xem xét trách nhiệm; rà soát lại đội ngũ cộng tác viên thú y cấp xã.

a. Về tình trạng thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng, trôi nổi trên thị trường có chiều hướng gia tăng

Các căn cứ pháp lý, trách nhiệm liên quan: tại khoản 4, Điều 8, Luật Thú y năm 2015 quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y lưu thông trên thị trường và điểm e, khoản 1, Điều 9, Luật Thú y năm 2015 quy định trách nhiệm của UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động thú y, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thú y theo thẩm quyền.

b.Về nguyên nhân:

- Đối với đối tượng thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng: vì lợi nhuận đã bất chấp các hành vi, thủ đoạn, vi phạm các điều cấm; hoạt động kín đáo, tinh vi, sơ chế, chế biến chủ yếu vào ban đêm nên khó phát hiện. Khi bị phát hiện thì bỏ chạy, không hợp tác.

- Đối với một số các cơ sở chăn nuôi bán gia súc, gia cầm chết: vì lợi nhuận đã không thực hiện đúng quy định về xử lý xác động vật chết, động vật bị bệnh.

- Đối với công tác quản lý Nhà nước khi để xảy ra tình trạng thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng: công tác quản lý về an toàn thực phẩm vẫn chưa chặt chẽ, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được lưu thông, buôn bán, sử dụng; năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 653/2020/ QĐ-UBND về quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung và hiện nay các cơ sở về cơ bản đã đi vào hoạt động có sự kiểm soát của cơ quan Thú y, nhưng hiện nay tình trạng giết mổ trái phép còn nhiều, chưa kiểm soát được; tại một số chợ tự phát (Chợ Tam Hòa, tuyến Quốc lộ 1A trước chợ Sặt) tình trạng buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm còn tràn lan; việc dừng đột xuất để kiểm tra các phương tiện chuyên chở gia súc, gia cầm, sản phẩm thịt động vật khi có dấu hiệu vi phạm gặp nhiều khó khăn.

c. Các chế tài quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật

+ Xử lý vi phạm hành chính: chế tài chưa đủ sức răn đe; tạm giữ tang vật, phương tiện chờ xử lý khó khăn do chưa có kho bảo quản tang vật; xử lý khắc phục hậu quả còn khó khăn do các sản phẩm này phải đốt hoặc chôn lấp đòi hỏi phải các địa phương phải có quy hoạch nơi chôn lấp, xử lý;

+ Xử lý hình sự: khi phát hiện hành vi thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng thì cơ quan chức năng phải xác định được các yếu tố cấu thành tôi phạm theo quy định tại Bộ Luật hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự nên thời gian qua, mặc dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng do nhiếu lý do khách quan, việc khởi tố hình sự để răn đe ít được áp dụng. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho tình hình thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng có chiều hướng gia tăng;

+ Quy định của pháp luật hiện hành không cho phép ngành Nông nghiệp (trừ kiểm lâm, kiểm ngư) sử dụng công cụ hỗ trợ nên gặp nguy hiểm khi truy bắt các đối tượng thu mua gia súc, gia cầm chết, sản phẩm thịt động vật hư hỏng.

d. Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới

- Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ động vật; sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh (Dự thảo kế hoạch đang lấy ý kiến các sở, ngành).

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quyết định phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tại địa phương, bảo đảm có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo đảm môi trường và an toàn thực phẩm.

- Xây dựng lộ trình các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan thú y và có giải pháp quyết liệt để quản lý, kiểm tra việc thực hiện; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở, dây truyền giết mổ động vật theo hướng hiện đại.

- Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ động vật; sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn tỉnh. Tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định tại các Chợ. Đặc biệt tại chợ Tam Hòa, khu vực chợ Sặt trên địa bàn Tp. Biên Hòa.

* Về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cộng tác viên thú y cấp xã

- Nhiệm vụ chủ yếu của nhân viên thú y cấp xã (NVTY): tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về chăn nuôi, thú y; báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh động vật; đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và chữa bệnh cho động vật theo kế hoạch, hướng dẫn của trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện; Hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng bệnh bắt buộc cho động vật, cách ly động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh, khử trùng tiêu độc và thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn cấp xã .

- Theo đó NVTY chỉ giúp UBND xã thực hiện các công tác liên quan đến chăn nuôi và Thú y. NVTY có nghĩa vụ báo cáo kịp thời các vi phạm khi tự phát hiện với UBND  cấp xã và trạm CN&TY cấp huyện….. Lực lượng nhân viên Thú y là thành phần trong tổ kiểm tra liên ngành của xã, thị trấn, NVTY xã nếu nhận thông tin từ người dân về các vụ giết mổ lậu, buôn bán heo chết… sẽ báo cáo kịp thời với UBND xã, trạm Chăn nuôi và Thú y. Nhận thông tin từ cơ sở, đội Kiểm tra liên ngành cấp huyện sẽ lập tức phối hợp với tổ liên ngành xã, thị trấn liên quan để kịp thời kiểm tra xử lý. Các vụ vi phạm tại đia phương, NVTY cấp xã thời gian qua đã nhiệt tình phối hợp khi tiếp nhận, báo cáo và xử lý, các trường hợp vi phạm đều tuân thủ, chưa có trường hợp tái phạm./.

 

Ngọc Diệp