​Nhiều giải pháp trong việc giải quyết lao động và việc làm

Đăng ngày: 01/11/2023
   ​Lĩnh vực lao động, việc làm được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm thảo luận tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, các ý kiến của các đại biểu đã được UBND tỉnh ghi nhận, chỉ đạo các ngành liên quan báo cáo trả lời cụ thể như sau:
 


1.Đối với ý kiến Đại biểu cho rằng khi doanh nghiệp cắt giảm lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn lao động cần phối hợp đảm bảo giải quyết chế độ cho người lao động, không để xảy ra tình trạng đình công, lãn công.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 06 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... Tình trạng việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, giảm giờ làm, giảm thu nhập và mất việc. Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, trong 05 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động tham gia BHXH giảm 39.203 người so với tổng số lao động tham gia BHXH tại thời điểm 31/12/2022, trong đó có nhiều doanh nghiệp cắt giảm số lượng lao động lớn như: Công ty Tae Kwang Vina, Công ty San Lim Furniture, Công ty Mộc Chien, Công ty Pou Sung vina…

Để kịp thời giải quyết chế độ chính sách và hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn, bị chấm dứt hợp đồng trong 06 tháng đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các sở, ban ngành triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ như sau: Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tiếp nhận và ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 33.304 lao động với tổng số tiền trên: 1.050,975 tỷ đồng; Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 3/2023 nhưng không đủ điều hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh. Kết quả, UBND các huyện, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ đối với 9.764 lao động với tổng số tiền hỗ trợ 14,646 tỷ đồng.

Ngoài ra Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16/01/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Kết quả, đã thực hiện hỗ trợ cho 18.745 người lao động, đoàn viên công đoàn với tổng số tiền trên 22,376 tỷ đồng. Trung tâm DVVL đã kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp giảm lao động và doanh nghiệp cần tuyển lao động cho 3.050 lao động; Giới thiệu việc làm qua sàn giao dịch cho 2.800 lao động có việc làm mới.

* Giải pháp thực hiện

- Thông qua việc nắm bắt thông tin về tình hình lao động, việc làm trong tháng 6 thị trường lao động có dấu hiệu chuyển biến tích cực, đã có 3.544 lao động được tuyển dụng mới và quay trở lại làm việc. Như vậy, tính đến ngày 30/6/2023, tổng số lao động tham gia BHXH là 772.334 người (tăng 3.544 người sop với tháng 5).

- Trong thời gian tới, trường hợp tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng làm tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ mới cho người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời sẽ triển khai, thực hiện một số giải pháp nhằm ổn định quan hệ lao động ngăn ngừa đình công xảy ra trên địa bàn, cụ thể:

+  Thường xuyên rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để thực hiện tốt chức năng làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải giảm lao động với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng để chuyển giao lao động; Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến nhằm hỗ trợ tối đa cho người lao động tham gia, tìm kiếm việc làm.

+ Phối hợp Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động tối ưu nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động.

+ Tăng cường các biện pháp ổn định quan hệ lao động; hỗ trợ các bên đối thoại, giải quyết các vấn đề quan hệ lao động phát sinh; triển khai các biện pháp thích hợp để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động và bỏ việc làm; giải quyết thỏa đáng, có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, các yêu cầu phát sinh, không để tranh chấp kéo dài, giải quyết không dứt điểm gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

+ Khi Chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ mới từ nguồn kinh phí kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (23.000 tỷ đồng) để hỗ trợ cho người lao động và các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp các sở, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời và đạt hiệu quả.

2 Về khuyến khích người lao động học nghề để tìm được việc làm phù hợp và có thu nhập:

Kết quả đào tạo nghề nghiệp trong những năm qua có những chuyển biến tích cực, số lượng người học nghề và tốt nghiệp nghề tăng theo từng năm; tuy nhiên kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động hiện nay, nhất là nhu cầu về lao động có tay nghề cao. Hiện nay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan, rà soát, cập nhật số lao động mất việc; giao cho Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh thực hiện kịp thời các chế độ cho người lao động, đồng thời tư vấn kết nối việc làm hoặc đào tạo lại để tăng khả năng giải quyết việc làm cho người lao động.

* Giải pháp thực hiện

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp và định hướng việc làm cho người lao động, nhằm khuyến khích người lao động có động lực học nghề theo chính sách Bảo hiểm thất nghiệp để nâng cao tay nghề và thu nhập.

- Kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thường xuyên mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia việc đánh giá chất lượng dạy nghề, bổ sung và điều chỉnh chương trình dạy nghề để phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để thu hút người học nghề, nâng cao tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề.

- Duy trì việc tổ chức Sàn giao dịch việc làm định kỳ, các buổi gặp gỡ kết nối cung - cầu nhằm tạo điều kiện trao đổi giữa người lao động với người sử dụng lao động để tạo cơ hội học nghề - lập nghiệp; phổ biến thông tin về tình hình thị trường lao động và thông tin thị trường xuất khẩu lao động trên trang thông tin điện tử của Sở và của Trung tâm Dịch vụ việc làm tạo điều kiện để người lao động, doanh nghiệp tiếp cận thông tin.


 Ngọc Diệp