Giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023

Đăng ngày: 03/11/2023
  ​Trong tháng 10 năm 2023, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 đối với Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất, Ủy ban nhân dân huyện Long Thành, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đoàn giám sát do bà Huỳnh Ngọc Kim Mai - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.  
 

​      Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 72.250 cơ sở kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm, trong đó: Ngành y tế quản lý 11.785 cơ sở, tỉ lệ 16,31% (cấp tỉnh 1.056 cơ sở; cấp huyện 2.630 cơ sở; cấp xã 8.099 cơ sở); ngành nông nghiệp quản lý 53.818 cơ sở, tỉ lệ 74,49% (cấp tỉnh 343 cơ sở; cấp huyện 501 cơ sở; cấp xã 52.974 cơ sở); ngành công thương quản lý 6.647 cơ sở, tỉ lệ 9,2% (cấp tỉnh 88 cơ sở; cấp huyện 3.374 cơ sở; cấp xã 3.185 cơ sở).

Công tác tuyên truyền, tập huấn về an toàn thực phẩm cho người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và đội ngũ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như: nói chuyện/hội thảo; tập huấn; phát thanh trên hệ thống truyền thanh; băng rôn, khẩu hiệu; tờ gấp/tờ rơi; xe tuyên truyền lưu động; bài tuyên truyền...

IMG_0331.JPG
Đoàn khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, bình huyện Thống Nhất

Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được các đơn vị, địa phương thực hiện thông qua việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại bộ phận một cửa, dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng một số phần mềm trong quản lý, lưu trữ dữ liệu.

Nguồn thực phẩm an toàn bước đầu đã được hình thành từ các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Huyện Thống Nhất có các vùng trồng cây ăn trái, cây hàng năm, các trang trại chăn nuôi; huyện Long Thành xây dựng và triển khai thực hiện được 05 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn, vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, các sản phẩm OCOP; toàn tỉnh có khoảng trên 300 cơ sở cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Hàng năm, các địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai thực hiện các Kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn đối với cấp dưới, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.

Một số khó khăn, hạn chế

Ban Chỉ đạo Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chưa được thường xuyên rà soát, kịp thời kiện toàn, chưa có sự phối hợp chặt chẽ của từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy chế đề ra. Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” (Chương trình 10) của các địa phương chưa phát huy hiệu quả, chưa thường xuyên họp theo quy chế đề ra nên chưa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động.

IMG_0466.JPG
Trưởng Ban VHXH Huỳnh Ngọc Kim Mai phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Long Thành

Một số quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, thống nhất, gây không ít khó khăn cho các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra còn ít so với tổng số cơ sở đang quản lý; đa số tập trung vào các đợt cao điểm, chưa chú trọng kiểm tra đột xuất; tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý còn thấp; cấp xã chủ yếu là nhắc nhở.

Cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm phường, xã đa phần là kiêm nhiệm, tuy đã được tập huấn nhưng kiến thức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn yếu nên chưa hoàn thành được việc tham mưu xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Một số kiến nghị

Ủy ban nhân dân tỉnh: rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, thực hiện hiệu quả việc liên thông cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

IMG_0505.JPG

Phó Trưởng Ban VHXH Đỗ Thị Hòa Bình phát biểu tại buổi giám sát đối với Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đẩy mạnh công tác thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận để quản lý theo thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm, đầy đủ các quy định đối với trường hợp vi phạm, đặc biệt trường hợp tái phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, từng bước mở rộng các vùng chuyên canh, nguồn thực phẩm an toàn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thuốc, hóa chất trong sản xuất, chế biến nông sản, đảm bảo dư lượng hóa chất trong nông sản, tình trạng giết mổ không phép, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên rà soát, lập danh sách các cơ sở đến hạn, quá hạn cấp lại giấy chứng nhận và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới để hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện thủ tục cấp mới, cấp lại, ký bản cam kết, đảm bảo 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thức ăn đều được cấp giấy chứng nhận hoặc ký bản cam kết theo quy định.

Đức Thể