Những nội dung cơ bản cần có tại Nghị quyết liên tịch của UBTVQH và UBMTTQVN về TXCT

Đăng ngày: 10/11/2023
​Nghị quyết liên tịch về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp thực hiện góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri đáp ứng với nguyện vọng của cử tri.

​    Do đó, Nghị quyết cần quy định rõ việc, tại buổi tiếp xúc, các đại biểu trình bày tóm tắt, ngắn gọn các nội dung báo cáo để dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó phải xác định trách nhiệm của các bên trong công tác phối hợp là phải đặt sự thuận lợi của cử tri lên trên thuận lợi của đại biểu nhằm thu hút được nhiều nhất cử tri đến tham dự tiếp xúc.
    Điểm b, Khoản 2, Điều 22 Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của UBTVQH về tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội có quy định: “Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc báo cáo với cử tri thông qua phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương”. Thực tế, từ khi kỳ họp kết thúc đến khi khai mạc kỳ họp HĐND có khoảng cách thời gian dài (hơn 1 tháng); trong khi các nội dung họp Quốc hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin, do đó đề xuất bỏ quy định bảo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp HĐND.
    Quy định hiện nay thì UBMTTQVN và Thường trực HĐND cùng tổng hợp và cùng báo cáo tại kỳ họp về kết quả, tình hình phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân (Khoản 3 Điều 15 Luật Mặt trận Tổ quốc quy định: “Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để thông báo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương”) bên cạnh đó cũng quy định báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Thường trực HĐND trước khi trình ra kỳ họp phải có sự thống nhất với UBMTTQ, do đó, quy định như vậy là trùng lắp. Thực tế để chủ động, Thường trực HĐND các cấp đều tập hợp, tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến UBND cùng cấp để kịp việc trả lời, thông tin đến đại biểu và phục vụ TXCT, vì vậy, Nghị quyết liên tịch nếu quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo kết quả, tình hình phản ánh, kiến nghị của cử tri thì UBMTTQVN chỉ thực hiện việc giám sát đại biểu TXCT để tránh tình trạng cùng một công việc nhưng hai chủ thể thực hiện. Hoặc ngược lại, nếu UBMTTQVN báo cáo tại kỳ họp để khách quan thì Thường trực HĐND các cấp chỉ tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển UBND cùng cấp để để nghị trả lời.
    Quy định chi tiết về trách nhiệm, quyền của cán bộ UBMTTQVN khi thực hiện công tác tổ chức, điều hành Hội nghị TXCT để có thể xử lý những tình huống khi cử tri cố tình có những hành động quá khích, gây rối, không tuân thủ quy chế của Hội nghị tiếp xúc.

Nguyễn Thị Oanh