​Hiệu quả công tác cải cách hành chính chưa cao

Đăng ngày: 25/11/2023
​   Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã được tập trung thực hiện trên nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa cao.​


        Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác cải cách hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp được quan tâm; kết quả giải quyết hồ sơ cơ bản đáp ứng được thời gian quy định; trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ được nâng cao.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; Quyết định số 468/QĐ-TTg về đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một của liên thông đã góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan nhà nước; kiện toàn nhân sự và hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp đảm bảo hiệu quả, hợp lý; đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ - trả kết quả. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện toàn diện, đồng bộ; tập trung hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin, tập trung vào công tác quản lý hồ sơ thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính cơ bản đã bám sát kế hoạch thực hiện trong năm, các sở ngành thường xuyên rà soát việc công bố thủ tục hành chính của Bộ ngành trung ương, kịp thời tham mưu trình ban hành công bố bộ thủ tục hành chính theo quy định (100% công bố và cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đúng hạn); xử lý kịp thời phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Tổng đài 1022 tỉnh, không để phản ánh kiến nghị nhiều lần; phê duyệt danh mục kết quả rà soát, đánh giá tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tỉnh Đồng Nai năm 2023, cụ thể: có 217 thủ tục hành chính đủ điều kiện đề xuất triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh và một phần thực hiện tích hợp trên cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và đề xuất Bộ ngành trung ương 40 thủ tục hành chính (ngành Lao động Thương binh Xã hội) chưa đáp ứng yêu cầu triển khai tái cấu trúc để sửa đổi, bổ sung quy định trước khi thực hiện tái cấu trúc quy trình.

TTHC CONG.jpg

Người dân đang thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp huyện còn chưa hiệu quả; công tác cải cách hành chính chủ yếu dựa vào đề xuất của Phòng Nội vụ và Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, các thành viên khác của Ban Chỉ đạo tại cấp huyện chưa phát huy trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính tại địa phương; Công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị, địa phương chưa hiệu quả, nhất là theo dõi nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến tỷ lệ hồ sơ trễ hạn còn cao, kéo dài, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính chung của tỉnh; Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện, các cơ quan ngành dọc thuế, bảo hiểm xã hội trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai; Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn chưa đạt trên 96% (gồm có: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Long Thành, UBND huyện Thống Nhất, xã Quang trung, huyện Thống Nhất, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh cửu, thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, phường An Hòa, thành phố Biên Hòa); tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với Sở Giao thông Vận tải; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tư pháp; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế chưa đạt trên 70% và UBND các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch, Thống Nhất và thành phố Long Khánh chưa đạt trên 30%; một số CBCC chưa chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, giờ giấc làm việc; Việc sử dụng chữ ký số chưa đảm bảo yêu cầu…

Từ kết quả kiểm tra, đánh giá trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Các Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị sau khi giải thể, sáp nhập trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

Ngọc Diệp