Còn 03 chỉ tiêu văn hóa – xã hội chưa đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh

Đăng ngày: 11/12/2023
  ​Theo kết quả thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, năm 2023, còn 03 chỉ tiêu văn hóa – xã hội thực hiện chưa đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và một số khó khăn, hạn chế trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cần được quan tâm tập trung chỉ đạo, thực hiện trong thời gian tới  
 

Còn 03/14 chỉ tiêu văn hóa - xã hội thực hiện chưa đạt theo mục tiêu Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh gồm: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 88,9% (chỉ tiêu 93%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt 50,8% (chỉ tiêu 54%); tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ đạt 46,7% (chỉ tiêu 49,5%).

Chưa có các giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng một số Trung tâm Văn hóa thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố hoạt động chưa hiệu quả; số lượng di tích được xếp hạng so với số lượng di tích đã kiểm kê phổ thông còn ít, tham gia phát triển du lịch chưa nhiều; kinh phí thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích chưa đáp ứng yêu cầu.

IMG_0723.JPG
Phó trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh Đỗ Thị Hòa Bình phát biểu tại buổi thẩm tra

Mặc dù các địa phương đã quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình đổi mới giáo dục còn nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục còn thiếu so với biên chế được giao và một số giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định; việc phân công nhiệm vụ, bố trí, sắp xếp giáo viên tại các địa phương còn gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Trung tâm VHTT-HTCĐ cấp xã (đã sáp nhập) chưa chú trọng tổ chức các hoạt động lĩnh vực học tập cộng đồng; các Trung tâm học tập cộng đồng cấp xã (chưa sáp nhập) chậm đổi mới công tác quản lý và tổ chức các hoạt động học tập cộng đồng; công tác kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động các trung tâm và hoạt động “Cộng đồng học tập” còn hình thức, không thực chất.

Công tác dự báo thị trường lao động còn hạn chế; hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên chưa hiệu quả; số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích và đuối nước vẫn còn cao (19 em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 13 em tử vong do đuối nước, giảm 07 em so với cùng kỳ năm 2022); tính đến ngày 10/11/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 98 em bị xâm hại, trong đó có 77 em bị xâm hại tình dục (tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm 2022), 18 em bị bạo lực, 03 em bị giết.

Vẫn còn tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cơ sở y tế cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định; còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (tính đến ngày 30/10/2023, tổng số chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 733 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng số phải thu, mục tiêu phấn đấu giảm dưới 1,8%).

Một số dịch bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 861 ổ dịch với 9.639 ca mắc tay chân miệng (tăng 71,51% về số ổ và tăng 45,3% về số ca mắc), uốn ván 05 ca (tăng 05 ca), 01 ca đậu mùa khỉ (tăng 01 ca); 2.535 ca mắc covid với 02 ca tử vong; công tác tiêm chủng còn nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra, toàn tỉnh chỉ có 62,8% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 08 loại vacxin, 73,6% phụ nữ có thai được tiêm chủng VAT. Cơ sở vật chất, hạ tầng y tế, nhất là tuyến cơ sở còn thiếu, xuống cấp nhưng chưa kịp thời sửa chữa, trang bị theo chủ trương của tỉnh; một số dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa cải tạo đang triển khai tiến độ còn rất chậm, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và tỷ lệ cơ sở đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, địa phương, còn hạn chế. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế.

IMG_0753.JPG
Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hồ Sĩ Tiến phát biểu tại buổi thẩm tra​

Việc theo dõi thông tin trên trang thông tin điện tử còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trang mạng xã hội; một số hành vi vi phạm pháp luật tại các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử diễn ra phổ biến, lặp đi lặp lại nhiều lần không được khắc phục. Nội dung thông tin cơ sở chưa hấp dẫn, do nhân sự vừa thiếu và thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến chuyên môn nghiệp vụ. Nhân lực chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước của tỉnh còn thiếu về số lượng và kỹ năng chuyên sâu; tiến độ đầu tư thực hiện các dự án về chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin còn chậm.

Việc triển khai thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh còn hạn chế, như: Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 08/07/2022 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 về phát triển thanh niên tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.

Đức Thể