Theo giải trình của Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội, một trong những nguyên nhân giảm là do tình hình kinh tế
gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, ngừng hoạt động, khiến
nhiều lao động bị giảm giờ làm, mất việc, do đó, người lao động không thể tiếp
tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Thực trạng cầu lao động rất ít trong khi người
cần việc cao nên không thể tham gia BHXH, BHYT được và lao động tự do không mua
BHXH. Ngoài ra, tỷ lệ người tham gia BHXH được dựa trên số liệu dân số của Cục
Thống kê, tuy nhiên số liệu dân cư theo Đề án 06 của ngành Công an không khớp
nhau; lưu lượng người lưu trú nhà trọ trên địa bàn tỉnh không ổn định nên cũng
ảnh hưởng đến tỷ lệ người tham gia BHXH của tỉnh. Tình hình nợ đọng BHXH tăng
so với các năm trước; có doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền phạt, không có tiền trả
nợ BHXH cũng là một trong những nguyên nhân khó đạt chỉ tiêu về BHYT.
Đại biểu đơn vị Biên Hòa phát biểu thảo luận
Đại biểu đề nghị các ngành phối hợp với
chính quyền địa phương có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; các
cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, vận động, xử lý các doanh
nghiệp; đảm bảo chấp hành đúng quy định của pháp luật về lao động khi có phát
sinh quan hệ lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện đóng BHXH,
BHYT, BHTN cho người lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu lên vấn
đề thực tế, hiện nay BHXH chỉ thống kê số liệu do BHXH thống kế, còn
người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ không thống kê được. Đối với thành phố
Biên Hòa đã rà soát cho thấy tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ chiếm từ 3-5%,
tuy nhiên BHXH không công nhận. Nếu theo xu hướng này thì BHXH sẽ giảm vì người
dân sẽ càng ngày tiếp cận bảo hiểm chất lượng cao, cần xem xét lại phương pháp
thống kê. Vì đánh giá này là đánh giá chất lượng sống của người dân.
Về chỉ tiêu BHYT toàn dân có sự bất cập
trong cơ chế, cụ thể : Trạm y tế xã được trang bị cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ khám chữa bệnh nhưng thực tế người dân không được hưởng thụ
(siêu âm, đo điện tim…). Khám chữa bệnh trái tuyến thì không được thanh toán,
không được hưởng chế độ, không khuyến khích người dân tham gia BHYT tự nguyện
do không đảm bảo quyền lợi.
Số liệu về
tỷ lệ người tham gia BHYT có sự chênh lệch, cụ thể: tỷ lệ người tham gia BHYT
trong năm 2021 và 2022 đều đạt kế hoạch đề ra (đạt 92%) nhưng tỷ lệ người tham
gia BHYT năm 2023 lại giảm (88,9%). Đề nghị rà soát và đánh giá nguyên nhân có
sự chênh lệch về thời điểm tham gia BHYT của người dân; khó khăn vướng mắc
trong quá trình thực hiện và giải pháp trong thời gian tới.
Qua theo dõi, tình hình tham gia BHYT
tự nguyện, có trường hợp chỉ tham gia 03 tháng (để đảm bảo chỉ tiêu đề ra của
từng địa phương). Do đó, để người dân tham gia BHYT tự nguyện được duy trì và
đạt tỷ lệ cao, UBND tỉnh quan tâm, tiếp tục đầu tư nâng cấp các Trạm y tế ở
tuyến cơ sở, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, nguồn lực
và có cơ chế chính sách thu hút lực lượng nhân viên y tế về tuyến cơ sở; tiếp
tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của
người dân tự nguyện tham gia BHYT tự nguyện.
Đại biểu đề
nghị tỉnh cần quan tâm hơn đến đời
sống công nhân công nghiệp, nhất là công nhân thất nghiệp (do Doanh nghiệp phá
sản, giải thể), là những người yếu thế trong xã hội; cần báo cáo rõ những khó
khăn để có giải pháp hỗ trợ.
Nguyễn Thị Oanh