Trong
những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn
còn diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý là tình hình các đối tượng liên quan đến
ma túy ngày càng trẻ hoá, nhiều thành phần, xảy ra trên tất cả các địa bàn từ
thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và tỷ lệ sử dụng các loại
ma túy tổng hợp (Methamphetamine, MDMA,
Ketamine) với tính độc hại cao, rất khó điều trị tăng cao và chiếm đa số. Tình trạng các đối tượng lợi dụng các cơ sở
kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm như quán bar,
karaoke, khách sạn, nhà nghỉ… để tổ chức sử dụng, chứa chấp việc sử dụng trái
phép chất ma túy tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê số liệu của
Công an tỉnh, tính đến 15/10/2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 704 người sử dụng
trái phép chất ma tuý và 3.369 người nghiện ma túy. Trung bình hàng năm có khoảng
từ 580 đến 600 người được phân công trực tiếp giúp đỡ người sử dụng trái phép
chất ma túy đang trong thời hạn quản lý trên địa bàn tỉnh.
Thượng tá
Trần Văn Hùng – Phó Trưởng phòng PC04 Công an tỉnh phát biểu tại cuộc họp thẩm tra
ngày 24/11/2023
Thực tế cho thấy việc quản lý người sử dụng
trái phép chất ma tuý là công việc rất khó khăn, người trực tiếp quản lý phải
thực hiện nhiều nội dung như: tư vấn về tâm lý, thay đổi thái độ của người sử dụng
trái phép chất ma tuý để họ có thái độ tích cực, chủ động tránh xa ma túy; giáo
dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy; động viên, giúp đỡ để
người sử dụng trái phép chất ma tuý tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động
tự quản, hoạt động thể dục, thể thao, các phong trào giúp ích cho xã hội để nâng
cao sức khỏe, kỹ năng sống; đồng thời có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối
hợp với lực lượng Công an ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của
họ. Trong quá trình quản lý, nếu phát hiện người sử dụng trái phép chất ma tuý
có nhiều hoạt động nghi vấn (bất minh về thời gian, thường xuyên tụ tập với số
người sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện trên địa bàn…) thì người được
phân công trực tiếp quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý có trách nhiệm
viết báo cáo, đề xuất họp Tổ quản lý để đề ra biện pháp quản lý phù hợp và chặt
chẽ hơn. Tuy nhiên, hiện nay người được phân công
trực tiếp quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn tỉnh chưa được
hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại điểm b
khoản 3 Điều 39 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04
tháng 12 năm 2021 của Chính phủ nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công
tác này.
Vì vậy, nhằm động viên người được phân công trực tiếp
giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý hoàn
thành tốt nhiệm vụ, UBND tỉnh đề xuất về mức hỗ trợ bằng 0,4 lần mức
lương cơ sở/người/tháng, cụ thể số tiền là 720.000 đồng (bằng với mức hỗ trợ đối
với thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã) là cần thiết, đúng quy định
và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của địa phương.
Nghị quyết quy định về mức
hỗ trợ cho người không thuộc trường hợp hưởng lương từ ngân sách được phân công
trực tiếp giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản
lý trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024./.
Thanh Tân