Đại biểu quan tâm chất vấn việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ

Đăng ngày: 26/12/2023
​Liên quan đến nội dung này, qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh cho thấy đến nay Sở Công thương chưa triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, đại biểu Võ Thị Xuân Đào đã đề nghị Giám đốc Sở Công thương cho biết nguyên nhân và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh.
 

​Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2019 đến nay, UBND cấp huyện đã xác nhận được 75 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các chuỗi này chủ yếu cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng tiện lợi, còn lại là các tiểu thương kinh doanh tại một số chợ trên địa bàn thành phố Long Khánh. Lũy kế đến thời điểm hiện nay, số điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại chợ trên địa bàn tỉnh là 110 điểm, chưa đạt mục tiêu theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Về nội dung xây dựng lộ trình, kế hoạch để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 về phê duyệt Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Kết quả, trong giai đoạn 2021-2023, số lượng các đơn vị đã đăng ký tham gia dự án còn hạn chế.

GDSoCongthg.jpg
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường trả lời chất vấn​ 

Những hạn chế nêu trên, theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường cho biết: Mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ là hình thức tự nguyện; công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế nên các tiểu thương chưa hiểu rõ về quyền lợi khi xây dựng điểm bán thực phẩm an toàn; việc vận động tiểu thương tự nguyện tham gia chuỗi còn hạn chế do liên quan đến chi phí và thủ tục trong quá trình thực hiện, thực tế việc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận VietGap yêu cầu phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tuy nhiên nguồn cung cấp hàng hóa chủ yếu từ chợ đầu mối, qua nhiều trung gian. Về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ, nguyên nhân do các đơn vị phân phối hiện đại và truyền thống trên địa bàn tỉnh chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia dự án; một số đơn vị phân phối, tổ chức và cá nhân đăng ký thực hiện dự án chưa thấy được lợi ích mà dự án mang lại. Hiện nay chưa có chế tài hay quy định xử phạt, Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương chủ yếu thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên các đơn vị tham gia. 

DBVOXuanDaoKh.jpg
Đại biểu Võ Xuân Đào nêu câu hỏi c​hất vấn

Qua chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh thống nhất đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo sâu sát, giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện việc xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu tại các chợ; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện quy trình xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi quy định tại Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn. Xây dựng Đề án truy xuất nguồn gốc; số hóa dữ liệu đảm bảo minh bạch, công khai các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch để tiêu thụ hàng ngày trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền sâu rộng đến người dân để có ý thức tiêu thụ các sản phẩm an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; tiếp tục tuyên truyền, vận động tiểu thương tham gia kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi tại các chợ; các đơn vị phân phối hiện đại và chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu; lựa chọn các xã có chợ trong quy hoạch đăng ký xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 để tham gia Dự án. Tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành các cấp về an toàn thực phẩm; trong quá trình kiểm tra, khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ trong hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ sở (tem truy xuất nguồn gốc thay cho hồ sơ giấy, thiết bị test nhanh, quét mã QR...); thực hiện kiểm tra và hỗ trợ việc dán tem truy xuất của các tiểu thương tham gia dự án. Thiết lập đường dây nóng thu thập ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng sản phẩm; kịp thời động viên, khen thưởng cá nhân, đơn vị thực hiện tốt, đồng thời với việc xử phạt hành chính, xét xử công khai, lưu động các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, hạn chế hành vi vi phạm.

Thu Hương