Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc
hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp
cơ bản tán thành với đánh giá nêu trên của Chính phủ. Đồng thời Ủy ban Tư pháp
nhận thấy, trong năm 2023, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác
đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết
quả tích cực; qua đó đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các
ngành đối với công tác này, đồng thời tạo sự răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chung
cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước chấn chỉnh công tác quản lý
nhà nước.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu
cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng
thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh
nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra
nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất
đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa
tiền...
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa
tham nhũng, năm 2023, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính
phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: thực hiện công khai,
minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức,
tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để
phòng ngừa tham nhũng; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức
vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không
trung thực. Đồng thời, thực hiện cải cách thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng
khoa học trong quản lý; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường
thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xử lý
trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Công tác phòng, chống
tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được
quan tâm.
Kim Chung