Xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ

Đăng ngày: 04/01/2024
​Chiều 10/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn của công tác lưu trữ hiện nay;

Theo đó, Nhà nước cần có những chính sách, hành lang pháp lý đặc thù để khuyến khích tối đa hoạt động của lưu trữ tư. Cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Để đảm bảo tính phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tránh chồng chéo, xung đột, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự luật để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Di sản văn hóa, Luật Tiếp cận thông tin và một số dự án luật khác như Luật Kế toán, Luật Công chứng…

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, Luật Lưu trữ là luật chuyên ngành, nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử, khoa học, văn hóa rất rõ. Tài liệu lưu trữ là tài sản quốc gia, không những thế, nó còn là tài nguyên rất phong phú, đa dạng về thông tin để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Đây là lần sửa toàn diện nhất đối với luật này. Chúng tôi cân nhắc suy nghĩ, lựa chọn rất kỹ lưỡng để làm sao đảm bảo được chất lượng tốt nhất. Luật này liên thông với rất nhiều luật, cho nên phải rà soát để làm sao đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông và không bị chồng chéo, không bị xung đột lẫn nhau”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cơ quan soạn thảo quan tâm sửa đổi các quy định để thúc đẩy chuyển đổi số đối với hoạt động lưu trữ, thúc đẩy xã hội hóa với mục tiêu xây dựng “một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ”, thúc đẩy lưu trữ tư.

Trước đây, quan niệm lưu trữ chủ yếu là để bảo quản, nhưng giờ đây, sứ mệnh của tài liệu lưu trữ là phải làm sao phát huy được giá trị tài liệu, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là một vấn đề rất mới, trong thiết kế dự thảo Luật rất chú trọng.

Để đảm bảo được yêu cầu về mặt nguyên tắc này, cần phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm rất rõ, để tất cả hệ thống chính trị đều phải thực hiện công tác lưu trữ và thông qua đó phát huy giá trị tài liệu lưu trữ./.

Kim Chung​