Tăng cường xúc tiến thương mại và quy hoạch chợ truyền thống

Đăng ngày: 04/01/2024
​   Thực hiện Báo cáo số 849/BC-HĐND ngày 06/12/2023 về việc tổng hợp kết quả thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X; Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận như sau:​
 

​       UBND tỉnh ban hành Chương trình Xúc tiến Thương mại năm 2023 tại Quyết định số 497/QĐ-UBND ngày 24/3/2023 nhằm hỗ trợ  doanh nghiệp, HTX, trang trại, cơ sở sản xuất, hộ nông dân sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giới thiệu, quảng bá, trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Nai thông qua các chương trình hội chợ triển lãm, Hội nghị, hội thảo kết nối giao thương và chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... đăng tải trên trang website https://xttmdn.dongnai.gov.vn. của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và website của Sở Công Thương. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương thực hiện 65 chương trình xúc tiến thương mại vượt 3% so với kế hoạch được giao đầu năm 2023.

Vừa qua HĐND tỉnh đã thông qua chương trình phát triển thương mại điện tử, trong năm 2024 sẽ triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử do tỉnh đầu tư, tuy nhiên hiện nay chỉ có 02 nhân sự phụ trách, do đó rất khó khăn trong vận hành và phát triển, trong khi sàn Giao dịch thương mại điện tử tư nhân vận hành chuyên nghiệp với quy mô lớn trên toàn thế giới. Mục tiêu của chương trình mong muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ làm quen với sàn GDTM để giới thiệu sản phẩm của đơn vị ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới, nhằm giúp doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển. Trong thời gian qua ngành công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn cho doanh nghiệp làm quen với hình thức giao dịch trên sàn TMĐT nhưng còn nhiều DN trong tỉnh chưa mặn mà và chưa tiếp cận được và nếu muốn phát triển hơn thì DN có thể tham gia các sàn TMĐT của tư nhân, tuy nhiên phải đóng phí rất cao. Do đó, việc tỉnh đầu tư sàn GDTM tỉnh là cần thiết nhằm hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn. Thời gian tới sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị chuyên nghiệp thực hiện vận hành, quản lý duy trì, cập nhật thông tin, giải pháp bảo mật và an toàn thông tin cho sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai. Việc kêu gọi tham gia sàn TMĐT chỉ có các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện đăng ký (DN TP.Biên Hòa rất ít tham gia), đây cũng là khó khăn khi vận hành sàn TM của tỉnh. Bên cạnh đó một số chính sách có nhưng việc tiếp cận rất khó khăn và ràng buộc nên DN ko tham gia.

Ngày 29/9/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ban hành quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Sở Công Thương hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể một số nội dung hỗ trợ Sở Công Thương sẽ triển khai thực hiện sớm trong năm 2024 như sau: (1) Hỗ trợ DN tham gia kinh doanh miễn phí trên sàn thương mại điện tử; (2) Hỗ trợ DN  tham gia tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về thương mại điện tử, giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt tổ chức trong, ngoài nước; (3) Hỗ trợ gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên nghiệp, uy tín; (4) Hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử, hỗ trợ duy trì tên miền, thuê bao hosting đối với website thương mại điện tử sau khi đi vào hoạt động; (5) Hỗ trợ hợp tác về thương mại điện tử. Ngoài việc đấu thầu thuê đơn vị chuyên nghiệp thực hiện vận hành, quản lý duy trì, cập nhật thông tin, giải pháp bảo mật và an toàn thông tin cho sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai, cần trao đổi đối lưu các thương nhân tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai với các sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố nhằm tăng số lượng thương nhân kinh doanh trên các sàn, tăng tính hiệu quả, sôi nổi của các sàn.

Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử đã ảnh hưởng đến hoạt động chợ truyền thống. Do đó cần có giải pháp rà soát, sắp xếp, quy hoạch chợ truyền thống cho phù hợp.

Về quy hoạch: Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 137 chợ. Quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 160 chợ hoạt động với quy mô 1 chợ đầu mối, 11 chợ hạng I, 38 chợ hạng II và 103 chợ hạng III, 07 chợ chưa phân hạng.

Chợ truyền thống từ lâu được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu của người dân tăng lên, cùng sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử đã khiến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp chịu sức ép cạnh tranh.

Việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại là chủ trương đúng đắn, nhằm xóa bỏ hình ảnh các chợ hạ tầng đã xuống cấp, nhếch nhác, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Vừa qua, khi lập phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Công Thương đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện/thành phố thực hiện rà soát và thận trọng trong việc phát triển hạ tầng chợ đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời bám sát Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Chương trình phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai; trong thời gian tới, Sở Công thương đưa ra một số giải pháp trọng tâm như sau:

- Tập trung quy hoạch các chợ truyền thống, chỉ xây dựng các chợ khi có nhu cầu thực sự của Nhân dân.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý chợ đang hoạt động; Vận động, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận quản lý, đầu tư xây dựng các chợ huyện, chợ xã phù hợp với quy hoạch.

- Sắp xếp lại khu vực kinh doanh các ngành nghề để phát huy tối đa công suất của chợ; tăng cường xử lý đối với các điểm bán hàng tự phát khu vực xung quanh các chợ; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, HTX chợ văn minh thương mại, chợ 4.0 giúp nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các chợ tại các vùng còn nhiều khó khăn./.

Ngọc Diệp