Tiếp tục có nhiều giải pháp phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em

Đăng ngày: 04/01/2024
  ​   Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận cụ thể như sau:​


Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng chống xâm phạm trẻ em nói riêng luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và của Đảng ủy, chính quyền các cấp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em như: Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 20/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm hiếp dâm trẻ em; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 01/8/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 29/11/2019 của UBND tỉnh về tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 06/7/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Về phía ngành Công an, trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của tội phạm, Công an tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 506/KH-BCA-C02 15/12/2020 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm thống nhất chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trong từng thời kỳ. Trưởng ban là đồng chí Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh; mời đại diện lãnh đạo phòng nghiệp vụ thuộc các cơ quan, đơn vị sau tham gia thành viên Ban Chỉ đạo: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh; Sở Ngoại vụ tỉnh; Sở Thông tin và truyền thông; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Tài chính; Ủy Ban mặt trận tổ quốc tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Tỉnh đoàn.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm hại trẻ em đã được các cấp, các Ngành quan tâm, phối hợp, chỉ đạo, triển khai lồng ghép vào các chương trình công tác khác như: Công tác tuyên truyền vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, Quy chế dân chủ cơ sở xây dựng khu phố, ấp văn hoá ở địa bàn dân cư… nên đã từng bước nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng. Lực lượng Công an đã phối hợp các ban, ngành tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp về nội dung phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, cụ thể như: chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh băng hình, vũ trường, nhà hàng, dịch vụ Karaoke…; lồng ghép xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và các đoàn thể tổ chức xã hội trong việc giáo dục học sinh, và giáo dục cá biệt trẻ em có biểu hiện vi phạm; các địa phương đã củng cố tổ chức nâng cao hiệu quả phong trào hoạt động của Đoàn, hội, đội thanh niên ở tận cơ sở. Bên cạnh đó, địa phương đã phối hợp với các ban ngành thực hiện chính sách phù hợp với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phòng ngừa tình trạng trẻ em bị xâm hại. Tổ chức các hoạt động tập huấn, tư vấn cộng đồng về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội để gắn vào hoạt động của các tổ chức này việc động viên nhân dân thi đua thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em, không có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, lực lượng Công an đã tiến hành điều tra, khám phá nhanh các vụ án xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đưa ra xét xử lưu động những vụ án điểm ngay tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc xét xử kín để giữ bí mật đời tư của bị hại nhưng phải tuyên án công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục để nhân dân biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án để người dân cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm.

Tuy các cấp, các ngành đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống xâm phạm trẻ em nhưng tình hình vẫn còn diễn biến phức do một số nguyên nhân sau:

(1) Đồng Nai là địa bàn phát triển về kinh tế với nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đến tạm trú sinh sống và làm việc... các tội phạm cũng lợi dụng đến Đồng Nai ẩn náu và hoạt động phạm tội, do đó công tác quản lý con người, quản lý đối tượng còn gặp nhiều khó khăn.

(2) Các vụ xâm hại trẻ em phần lớn là xâm hại tình dục như: Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, Dâm ô trẻ em, Hiếp dâm trẻ em, Cưỡng dâm trẻ em. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường tập trung vào số nạn nhân là các em nữ, có lứa tuổi từ 13 đến 16 tuổi, đây là lứa tuổi đang phát triển về cả thể chất và tâm sinh lý, nhận thức về pháp luật cũng như ý thức tự bảo vệ bản thân còn hạn chế; thiếu sự quan tâm, quản lý của cha mẹ, nhà trường; các đối tượng phạm tội lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của cha mẹ trong việc cho con cái sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để vào kết bạn với mục đích tiếp cận tặng quà, làm quen, lấy lòng tin của các em và sau đó sẽ thực hiện hành vi quan hệ tình dục.

Trong khi đó, nạn nhân của các vụ bạo hành trẻ em lại chủ yếu là các em trai, lứa tuổi từ 6 đến 13 tuổi, chủ yếu là hành vi cố ý gây thương tích. Nạn nhân bị bạo hành thường sinh sống trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, có lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái… Ngoài ra, các vụ bạo hành được phát hiện do người thân tố cáo hoặc qua tin báo tố giác của quần chúng nhân dân.

(3) Xã hội hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em như: tác động từ môi trường internet, sự xuất hiện tràn lan của các ấn phẩm, sản phẩm độc hại, không phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, thiếu sự quản lý của người thân đối với trẻ em…

(4) Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp có lúc, có nơi chưa thật sự đồng bộ, nhận thức một số ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tội phạm và cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm xâm hại trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật là trách nhiệm của lực lượng Công an, dẫn đến kết quả thực hiện còn hạn chế.

* Giải pháp trong thời gian tới:

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới, Công an tỉnh và các sở, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung công tác sau:

(1) Thực hiện tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội nâng cao hiệu quả công tác truyên truyền về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh, an toàn để các em vui chơi, học tập và rèn luyện nhân cách.

(2) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là trên không gian mạng, nhằm kiềm chế và kéo giảm tội phạm xâm hại trẻ em, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi để nâng cao hiệu quả răn đe, giáo dục; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, pháo; phòng cháy chữa cháy nhằm hạn chế nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em.

Các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Kiểm sát, Tòa án) tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác điều tra truy tố, xét xử tội phạm này, qua đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm nguyên nhân phát sinh tội phạm.

(3) Tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ văn hóa, nhất là việc quản lý mạng internet, kịp thời ngăn chặn các phim ảnh có nội dung bạo lực, đồi trụy, các trò chơi trực tuyến có nội dung xấu, tạo môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

(4) Đổi mới phương pháp, biện pháp tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho gia đình, nhà trường, tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội, tạo niềm tin để nhân dân tham gia, phối hợp với cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

(5) Nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ làm công tác xã hội để xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em tại cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ em, người dưới 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, giảm thiểu nguyên nhân phát sinh hành vi xâm hại trẻ em, tái hòa nhập cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại./. 

Ngọc Diệp