Xây dựng chính sách hỗ trợ đối với giáo viên trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 23/05/2024
  ​Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay đang tham mưu UBND tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
 

Trong thời gian qua, công tác về đội ngũ giáo viên đã được quan tâm sâu sát; trong đó, UBND tỉnh đã phân cấp công tác tuyển dụng về cho các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện; Sở Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp đầu mối các trường đại học đào tạo giáo viên đến các địa phương, các cơ sở giáo dục để liên hệ, tiếp cận cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng đến các trường đại học và giúp giáo sinh biết, tham gia các đợt tuyển dụng. Qua đó, các địa phương, các nhà trường từ thụ động ngồi chờ giáo viên đến liên hệ tuyển dụng đã chuyển sang chủ động tìm nguồn giáo viên, nguồn nhân lực tại các trường đại học, các cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, thông tin về các đợt tuyển dụng cũng đã được các địa phương, các cơ sở giáo dục công khai bằng nhiều hình thức theo đúng quy định nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giáo sinh nắm được công tác tuyển dụng cũng như nhu cầu giáo viên ở mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục.

z5466317854746_213217992c6508d4e3540f26f4991830.jpg
Ban VHXH HĐND tỉnh khảo sát công tác tuyển dụng giáo viên tại huyện Thống Nhất

Mặc dù đã tích cực trong công tác tuyển dụng, tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang tiếp diễn. Cụ thể, so với biên chế được giao, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập còn thiếu 1.773 giáo viên (mầm non thiếu 507 người, tiểu học thiếu 675 người, trung học cơ sở thiếu 390 người và trung học phổ thông thiếu 201 người). Trong giai đọan 2020-2023, tổng số giáo viên nghỉ việc ở các cấp học trên địa bàn tỉnh là 1.178 người (mầm non: 494 người, tiểu học: 322 người, trung học cơ sở: 278 người, trung học phổ thông: 84 người).

z5466317854859_fe486bbb6ecfecdca82b2260d4e53d6d.jpg
Ban VHXH HĐND tỉnh khảo sát công tác tuyển dụng giáo viên tại huyện Định Quán

Hiện nay, tỉnh chưa có chế độ chính sách hỗ trợ riêng cho giáo viên các cơ sở giáo dục công lập. Trong khi Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, nhu cầu nguồn nhân lực lớn, dễ có tình trạng chuyển dịch nguồn lao động từ nơi lương thấp sang khu vực có lương cao hơn, đảm bảo cuộc sống tốt hơn, trong đó có đội ngũ giáo viên ở các cấp học. Thêm vào đó, tình hình tuyển dụng giáo viên khó khăn thể hiện qua tình trạng biên chế giáo viên còn nhưng tuyển dụng lại khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh kéo dài trong thời gian qua ở một số bộ môn ở ngành học phổ thông và giáo viên ở ngành học mầm non.

Mặt khác, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phổ cập giáo dục mẫu giáo 3-4 tuổi, đẩy mạnh thực hiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó nhu cầu đảm bảo đội ngũ giáo viên càng cần phải giải quyết triệt để, kịp thời.

z5466317796164_a2ea53149f8a68b788c4eda1e781d724.jpg
Theo kết luận của Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, dự kiến dự thảo Nghị quyết sẽ được trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024

Vì vậy, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến là cần thiết, giúp hỗ trợ nhằm giữ chân giáo viên để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng như tạo chuyển biến trong việc tuyển dụng giáo viên tốt hơn, hiệu quả hơn.  

Theo đề xuất của cơ quan dự thảo, dự kiến các đối tượng giáo viên sau sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.0000 đồng, gồm: Giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập; Giáo viên công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật; Giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng; Giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng. Thời gian hỗ trợ là 09 tháng/năm.

Dự thảo Nghị quyết sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 HĐND tỉnh.