Tổng kết 10 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 08/06/2024
  ​Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra tại Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành, hoạt động tín dụng chính sách xã hội  trong giai đoạn 2014 - 2024 đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.
 

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả, thành quả quan trọng. Với việc triển khai phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW tới 100% các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đã mang lại hiệu quả rất tích cực, các cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, coi đây là hoạt động thường xuyên, liên tục trong chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị; tín dụng chính sách được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như đảm bảo thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

1.the.08.6.2024.jpg

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Cửu


Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn do Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh quản lý cho vay đạt 5.350.284 triệu đồng, tăng 2.816.243 triệu đồng (+111,1%) so với 31/12/2019 và tăng 3.619.811 triệu đồng (+209,1%) so vởi 31/12/2014 (thời điểm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW), tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 12,1%, trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.897.367 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 72,8% tổng nguồn vốn, tăng 1.806.111 triệu đồng (+86,4%) so với 31/12/2019 và tăng 2.270.361 triệu đồng (+139,5%) so với 31/12/2014; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 1.452.917 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 27,2% tổng nguồn vốn, tăng 1.010.133 triệu đồng (+228,1%) so với 31/12/2019 và tăng 1.349.450 triệu đồng (+1.304%) so với 31/12/2014.

2.the.08.6.2024.jpg
Điểm giao dịch tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất​

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn 2014 - 2024 đã giúp 366.850 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 11.739 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần tích cực cùng các giải pháp của các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong gần 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần duy trì, tạo việc làm mới cho gần 116.481 người lao động; hơn 18 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 603 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để mua, xây mới, cải tạo 603 căn nhà; xây dựng hơn 353.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 20.848 hộ nghèo và 34.884 hộ cận nghèo vượt ngưỡng nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh giảm từ 4,01% cuối năm 2014 xuống còn 1,36% đầu năm 2024 (tỷ lệ hộ nghèo còn 0,68% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,68% so tổng số hộ dân). Bên cạnh có, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc tỉnh Đồng Nai thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đến ngày 30/4/2024 toàn tỉnh có 11/11 đơn vị cấp huyện và 120/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 huyện và 105 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tuy nhiên, việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi, có lúc còn chưa được thường xuyên, chưa kịp thời. Một vài tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, Tổ Tiết kiệm và vay vốn có những thời điếm còn thực hiện chưa đầy đủ công việc ủy thác, ủy nhiệm. Việc lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các đề án, phương án phát triển kinh tế - xã hội còn ít, hiệu quả chưa cao. Chưa tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH theo tinh thần của Chỉ thị số 40- CT/TW. 

3.the.08.6.2024.jpg
Một hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất.

Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chủ trương chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triến kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, những vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội đó là: Duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tập trung, thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH; nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Theo đó, cần nghiên cứu tập trung nguồn lực, mở rộng đối tượng thụ thưởng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách xã hội khác nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân trong quá trình phát triển đất nước.

Đức Thể