Việc gắn phân cấp với việc rà soát các thủ tục hành chính làm giảm đầu mối, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, điển hình là lĩnh vực: Thẩm định dự án, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng, quy hoạch xây dựng, hộ tịch, chứng thực... góp phần thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện đã giảm áp lực công việc tại UBND tỉnh, giảm được các bước luân chuyển hồ sơ từ trong quy trình giải quyết, giúp giải quyết hồ sơ được nhanh chóng, thuận lợi; đồng thời tiết kiệm được chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Phân cấp quản lý nhân sự tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác quản lý công chức, viên chức ở các đơn vị trực thuộc.
Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý nhà nước cũng còn những hạn chế nhất định như: Việc phân công, phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa gắn với việc phân cấp đồng bộ nguồn lực về tài chính và con người để thực hiện nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị các cấp trong phân cấp chưa chặt chẽ trong việc giải quyết công việc đã phần nào làm ảnh hưởng đến tiên độ giải quyết công việc và hiệu quả, chất lượng trong phân cấp chưa cao. Có sự chồng chéo giữa thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp ở một số lĩnh vực như quản lý đất đai, đầu tư, ngân sách, phát triển mạng lưới sự nghiệp, dịch vụ công, về thành lập đơn vị sự nghiệp (nhất là giữa sự nghiệp giáo dục và các ngành, lĩnh vực khác), dịch vụ công thuộc UBND tỉnh... còn hạn chế. Một số dự án đầu tư công đã phân cấp giao cho UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, tuy nhiên, tiến độ dự án còn chậm với nhiều nguyên nhân như thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch.
Bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phân cấp quản lý nhà nước là cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ với quyết tâm cao nỗ lực lớn và hành động quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Trong đó, phải có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý theo ngành, lĩnh vực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, mặt trận và các tổ chức đoàn thể và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Phân cấp, ủy quyền phải đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, quản lý chặt chẽ, đảm bảo hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan phân cấp, ủy quyền đối với cơ quan nhận phân cấp, ủy quyền; đầu tư nguồn lực, điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra của các sở chuyên ngành sau khi được phân cấp, ủy quyền nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp. Đưa tiêu chí đề xuất phân cấp, ủy quyền thành tiêu chí đánh giá, xếp loại đối với các cơ quan, đơn vị và đánh giá thủ trưởng đơn vị để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trong bộ máy nhà nước.
Lê Lài