Kết quả thực hiện cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy 6 tháng đầu năm 2024

Đăng ngày: 18/06/2024
  ​Trên cơ sở Luật Phòng, chống ma túy, các nghị định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh; trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện để các đơn vị, địa phương căn cứ tổ chức triển khai thực hiện  
 

​       Về tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy

Tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy hiện đang quản lý tính đến ngày 14/5/2024: 774 người, tăng 52 người so với cùng kỳ năm 2023 (722 người). Tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 14/5/2024 có hồ sơ quản lý là 3.448 người, tăng 01 người so với cùng kỳ năm 2023 (3.448/3.447), bao gồm: Số đang ở ngoài xã hội là 1.693 người (trong đó có 1.098 người đang điều trị Methadone, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 583, chưa thực hiện biện pháp cai nghiện 12); số đang trong cơ sở cai nghiện là 1.221 người; trong trại tạm giam, nhà tạm giữ là 542 người;

Công tác cai nghiện, quản lý và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện ma túy

Tính đến 14/5/2024, đã tổ chức cai nghiện cho 597 người đạt 69,26% kế hoạch (597/862 người), tăng 10 người so với cùng kỳ năm 2023 (597/587), đạt 17,3% theo Nghị quyết Tỉnh ủy giao (17,3%/25%). Các Cơ sở điều trị methadone đang tổ chức điều trị cho 1.106 người, đạt 78,8% kế hoạch (1.106/1.404), Lũy tích số người từng tham gia điều trị Methadone là 5.244 người. Trong đó: Số người điều trị duy trì liều là 1.003 (chiếm 90,7%); Số người đang trong giai đoạn dò liều là 103 (chiếm 9,3%).

Về quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Tổ chức quản lý sau cai nghiện mới cho 136 người, nâng tổng số người sau cai nghiện hiện đang được quản lý lên 573 người. Tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 198 học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Tổ chức dạy nghề cho 210 học viên tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai. Sau khi học viên hoàn thành chương trình cai nghiện tại Cơ sở trở về cộng đồng đã được chính quyền, đoàn thể xã, phường, thị trấn quản lý, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện (chứng thực hồ sơ xin việc, hồ sơ vay vốn… ), giới thiệu việc làm giúp họ ổn định cuộc sống hoàn nhập đồng đồng. kết quả: 53 người có việc làm ổn định (trong đó: 33 người làm công nhân, tài xế, nông nghiệp, 20 người tự kinh doanh/phụ giúp gia đình), ngoài ra có 95 người có việc làm nhưng không ổn định; Hỗ trợ vay vốn cho 01 người (thành phố Biên Hòa), với số tiền 30.000.000 đồng.

Một số khó khăn, hạn chế

Các Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng tập trung cấp huyện mới chỉ dừng ở việc tiếp nhận, quản lý, cắt cơn nghiện ma túy, chưa tổ chức được việc giáo dục sửa đổi hành vi, dạy văn hóa, dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện tại các cơ sở, đặc biệt là công tác kết nối với cộng đồng khi giải quyết cho người cai nghiện khi trở về địa phương.

Các Cơ sở cai nghiện ma tuý dân lập tự nguyện dừng hoạt động do chưa được cấp phép hoạt động vì chưa đủ thủ tục theo quy định của Nghị định 116/2021/NĐ-CP nên ảnh hưởng rất lớn tới việc tự nguyện đăng ký các hình thức cai nghiện tự nguyện, nhất là hiện nay Cơ sở Điều trị nghiện ma tuý tỉnh đã vượt quá công suất tiếp nhận người nghiện vào cai nghiện.  

Các điểm sử dụng trái phép chất ma túy mới vẫn tiếp tục phát sinh. Người sử dụng, nghiện ma túy có xu hướng tăng, số đối tượng tái nghiện còn nhiều, vẫn phát sinh nhiều đối tượng nghiện mới, nhất là tình hình đối tượng sử dụng nhiều loại ma tuý ma túy tổng hợp cùng thới điểm. Công tác thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng ma túy ở cấp cơ sở còn nhiều thiếu sót, hạn chế, chưa phản ánh đúng thực trạng người nghiện ma túy trên địa bàn (người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định), do đó chưa đề ra các biện pháp cụ thể, sát thực, hiệu quả trong công tác quản lý, xử lý người nghiện, người sử dụng ma túy.

Công tác quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tuy có làm nhưng chưa nhiều, kết quả chưa bền vững. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp không muốn nhận người sau cai nghiện ma túy vào làm việc càng làm cho người nghiện thất nghiệp dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao.

Trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện ma túy. Chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện dựa vào cộng đồng; phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các chương trình cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống; hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; thực hiện đa dạng, hình thức huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; xây dựng, nâng cấp, mở rộng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai nhằm đáp ứng yêu cầu cai nghiện bắt buộc, tự nguyện hiện nay…

Đức Thể