Kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát về việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2020 - 2022

Đăng ngày: 25/06/2024
​Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2020-2022, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính - Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các Thành viên Ban Chỉ đạo tập trung triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao chủ trì, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo Nghị quyết số 19/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; chủ động rà soát tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện theo lĩnh vực quản lý.​

​Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 04 Chỉ thị để quán triệt, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương hành chính. Đồng thời, để khắc phục các hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 19/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều mô hình, giải pháp mới trên các lĩnh vực như: Mô hình “không phụ thuộc địa giới hành chính” trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; sử dụng Bưu điện “là cánh tay nối dài” trong tiếp nhận, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính; giảm mức thu phí, lệ phí đối với các thủ tục sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của HĐND tỉnh; giải quyết thủ tục hành chính không hẹn giờ; hỗ trợ chức năng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên cổng dịch vụ công của tỉnh.

hcc-1.jpg
Cán bộ trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai đang phục vụ người dân​

Nhìn chung, công tác cải cách hành chính trong thời gian qua đã được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 đã có sự cải thiện so với năm 2022, đạt 87,04 điểm, xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 4,12 điểm, tăng 19 hạng so với năm 2022), trong đó, 06 lĩnh vực có cải thiện đáng kể về chỉ số và thứ hạng. Chỉ số hài lòng người dân SIPAS năm 2023 đạt 80,44%, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố; tăng 3,13%, tăng 06 hạng so với năm 2022 nhưng kết quả vẫn chưa cải thiện đáng kể (xếp vị trí thứ 44/63 tỉnh, thành phố). Công tác ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp từng bước được tinh gọn, kiện toàn; so với năm 2015, tỉnh đã giảm 37 phòng và tương đương thuộc sở; giảm 05 phòng thuộc tổ chức hành chính khác; giảm 50 phòng thuộc chi cục thuộc cơ quan chuyên môn; giảm 05 phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giảm 114 đơn vị sự nghiệp công lập; 10/10 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức lại bộ máy; 13/13 sở, ngành có đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn được duy trì ở mức cao với tỷ lệ trên 97%. Hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh phục vụ công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp từng bước được nâng cấp, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được cải thiện đáng kể, trung bình toàn tỉnh đạt 71,4%, một số Sở ngành, địa phương đạt trên 90%. Trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện việc phân quyền khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên Hệ thống thông tin giải quyết của tỉnh cho công chức giải quyết thủ tục hành chính của 16/17 sở, ngành và 11/11 huyện, thành phố; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên thông 100% cơ quan hành chính 03 cấp tỉnh - huyện - xã, tỷ lệ văn bản gửi nhận điện tử theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ qua Trục liên thông đạt 100%...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành, việc thực hiện trách nhiệm công vụ, kỷ luật kỷ cương hành chính tại một số địa phương chưa tốt, chưa đúng quy định; chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền còn thấp, chỉ số cải cách hành chính tuy có cải thiện trong thời gian gần đây nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng, xứng tầm với tiềm năng của tỉnh.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức gắn với kết quả thực hiện Đề án nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua; tiếp tục quán triệt về trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Thực hiện linh hoạt, hiệu quả nhiều mô hình, giải pháp mới trên các lĩnh vực như: Mô hình “không phụ thuộc địa giới hành chính” trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; xác định Bưu điện “là cánh tay nối dài” trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính; giảm mức thu phí, lệ phí đối với các thủ tục sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo Nghị quyết của HĐND tỉnh; giải quyết thủ tục hành chính không hẹn giờ; hỗ trợ chức năng thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên cổng dịch vụ công của tỉnh…

Lê Lài