Kết quả hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2024

Đăng ngày: 15/07/2024
  ​Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh, vừa qua, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức họp thẩm tra tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.  
 

​    Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh; Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phục vụ Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị, đổi mới nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm xây dựng con người Đồng Nai hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.

15.4.2024.the.vh.JPG
Phó Ban VHXH HĐND tỉnh Đỗ Thị Hòa Bình phát biểu tại buổi thẩm tra​

​Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa đã được các huyện, thành phố quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để duy trì hoạt động của Trung tâm Văn hoá thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố; khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng các Khu, điểm dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được phát huy rộng khắp từ tỉnh tới cơ sở, phong trào dần đi vào đời sống và mang lại hiệu quả thiết thực với phương châm mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao, một hình thức luyện tập phù hợp để rèn luyện và nâng cao sức khỏe.

Bên cạnh việc phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao được lãnh đạo chính quyền Đồng Nai quan tâm đầu tư phát triển, hàng năm được đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện của các đội tuyển thể thao tỉnh và tổ chức thi đấu giải tỉnh, giải quốc gia.

The.1.7.2024.JPG
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, logistic trên địa bàn tỉnh

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.763.000 lượt khách tham quan và lưu trú (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023), doanh thu đạt 1.144 tỷ đồng (tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2023).

Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, chưa phát huy đúng mức lợi thế nguồn lực văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa vào việc phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp văn hóa và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội còn hạn chế. Một số bản sắc dân tộc (nếp sống sinh hoạt, trang phục, ngôn ngữ, v.v...) có nguy cơ bị mai một, lai căng; vai trò của văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chưa được đề cao; xuất hiện một số đạo lạ hoạt động trái phép, tác động vào đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí ở cơ sở và trong các khu công nghiệp còn thiếu, yếu, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh còn chậm. Hoạt động giao lưu văn hóa chưa được quan tâm đầu tư, chưa quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nét đặc sắc văn hóa của tỉnh trong quá trình hội nhập. Việc thực hiện tiệc cưới văn minh, tiết kiệm thực hiện chưa sâu rộng; tình trạng rãi vàng mã chưa khắc phục triệt để.

Phát triển văn học, nghệ thuật tuy đã được đẩy mạnh có đa dạng hóa các hình thức nhưng vẫn chưa nhiều, chưa thật sự đi vào chiều sâu. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa đáp ứng với các vấn đề thực tiễn của đời sống; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tác giả tiêu biểu ở lĩnh vực chuyên ngành còn ít. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật ở cơ sở còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ; việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số còn ít.

Phần lớn các dự án phát triển du lịch đang trong giai đoạn quy hoạch; đa số các dự án có quyết định chủ trương đầu tư đều chậm tiến độ so với kế hoạch; chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương. 

Đức Thể