Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt thấp

Đăng ngày: 18/07/2024
​Tại buổi thảo luận tại các cụm tổ, Đại biểu cho rằng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp, chưa được 1/10 dân số sử dụng nước sạch từ công trình tập trung. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh gia nguyên nhân và giải pháp.​

​  Giải trình vấn đề này tại kỳ họp, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo mục tiêu Nghị quyết năm 2024 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 84,5% (công trình cấp nước tập trung 51%, thiết bị lọc nước hộ gia đình là 33,5%). Tính đến tháng 6/2024 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 84,08% (công trình cấp nước tập trung khoảng 40,72%, (191.229 hộ/469.672 hộ; công trình cấp nước nhỏ lẻ, lọc nước 43,37% (tương ứng với 203.677/ 469.672 hộ dân). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước công trình cấp nước tập trung tăng 4,49% so với năm 2023 (tăng 21.087 hộ so với năm 2023). Tỷ lệ hộ dân sử dụng từ công trình cấp nước nhỏ lẻ, lọc nước giảm 4,13% so với năm 2023 (giảm 19.390 hộ so với năm 2023) do các hộ dân sử dụng nước từ các Công trình cấp nước tập trung trong khu vực.

DB THu nga thao luan tai HT.jpg Đạ​i biểu Giang Thị Thu Nga phát biểu thảo luận tại hội trường
 

     Về đầu tư xây dựng công trình cấp nước: Từ năm 2023 đến tháng 6/2024, tỉnh đã hoàn thành đầu tư xây dựng mới đưa vào sử dụng 05 công trình cấp nước tập trung nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 645 tỷ đồng, công suất 105.720 m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 151.244 người (khoảng 37.811 hộ); hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 05 công trình, với kinh phí 52,9 tỷ đồng,  công suất 1.390 m3/ngày đêm, cấp nước cho 11.016 người (khoảng 2.754 hộ). Về đầu tư mở rộng, đấu nối đường ống: UBND các huyện Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và 06 doanh nghiệp đã đầu tư 598km tuyến ống cấp nước đô thị phục vụ người dân nông thôn, với kinh phí 583tỷ đồng, phục vụ cấp nước cho khoảng 34.429 hộ dân khu vực nông thôn. Về đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung: Đang lập chủ trương đầu tư, thiết kế cơ sở của 08 dự án, với công suất thiết kế 38.450 m3/ngày đêm, cấp nước cho khoảng 294.567 người, tổng kinh phí khoảng 473 tỷ đồng. Về đầu tư đường ống mở rộng, đấu nối: UBND các huyện và 06 doanh nghiệp cấp nước đã lập kế hoạch lắp đặt khoảng 961km đường ống đấu nối từ tuyến ống cấp nước đô thị, với tổng kinh phí khoảng 745 tỷ đồng trong năm 2024. Về lắp đặt thiết bị lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình: Các huyện/thành phố đã vận động các hộ gia đình trên địa bàn lắp đặt khoảng 1607 thiết bị lọc nước, kinh phí khoảng 8,43 tỷ đồng trong năm 2024.

Chu toa dieu hanh KH.jpg Chủ tọa đi​ều hành kỳ họp
 

      Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, là do nhiều hộ dân khu vực nông thôn còn có thói quen sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào để không phải trả thêm chi phí tiền nước, dẫn đến hiệu quả phục vụ của công trình cấp nước tập trung còn chưa cao. Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn đã có tuyến đường ống chính của công trình cấp nước đô thị đi qua, tuy nhiên việc đầu tư đường ống nhánh chưa đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư  do tỷ lệ hộ dân đấu nối thấp nên việc mở rộng các tuyến chậm hơn so dự kiến. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa: Vướng mắc về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; thủ tục giao đất, cho thuê đất nên tiến độ thực hiện dự án chậm. Về đấu nối thay thế việc cấp nước của các công trình cấp nươc tập trung được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách: Các doanh nghiệp cấp nước cân nhắc đầu ư do tỷ lệ đấu nối thấp; việc các doanh nghiệp từ chối tiếp nhận (hoặc mua lại) các công trình của ngân sach đầu tư trước đây do hệ thống đường sẽ không chịu được áp lực nước, tỷ lệ thất thoát nước lớn dẫn đến kết quả đấu nối còn chậm so với yêu cầu.

     Để thực hiện đạt mục tiêu cấp nước sạch nông thôn năm 2024 đạt 84,5%, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng đường ống cấp nước tại một số công trình cấp nước tập trung nông thôn như: Công trình cấp nước xã Phú Điền, huyện Tân Phú; Công trình cấp nước liên xã Phú Tân – Phú Lợi, huyện Định Quán; Công trình cấp nước xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Đầu tư đấu nối các đường ống cấp nước của các doanh nghiệp (gồm: Công ty CP đầu tư và thương mại 407; Công ty CP cấp nước: Đồng Nai; Nhơn Trạch; Long Khánh; Hồ Cầu Mới; Gia Tân). Tiếp tục vận động các hộ gia đình trên địa bàn các huyện và thành phố Long Khánh để lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình cho người dân tại những khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch; đồng thời đẩy nhanh tốc độ lắp đặt tuyến ống phân phối, ống nhánh và lắp đặt đồng hồ nước đối với các hệ thống cấp nước mới đầu tư, phát huy tối đa công suất nhà máy, tăng nhanh số lượng hộ được sử dụng nước sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.

      Lê Lài