Một số kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”

Đăng ngày: 26/07/2024
  Tỉnh Đồng Nai hiện có một nhà xuất bản là Nhà Xuất bản Đồng Nai trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh và hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% kinh phí hoạt động thường xuyên. Có 86 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in; trong đó, 23 cơ sở in xuất bản phẩm, 63 cơ sở đăng ký hoạt động in; 397 cơ sở photocopy; có 07 doanh nghiệp phát hành.
 
     Trong những năm qua, hoạt động xuất bản của tỉnh Đồng Nai đã có bước phát triển, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế. Các cơ sở in, phát hành đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Xuất bản và các quy định pháp luật hiện hành, chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng phải xử lý. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm. Hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại tỉnh có nhu cầu nhập khẩu các xuất bản phẩm như: catalogue, các loại lịch, sổ tay ghi chép của công ty chủ quản (công ty mẹ, tập đoàn)... để phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.

    Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, bất cập, như: Luật Xuất bản và các văn bản dưới Luật có quy định về điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; tuy nhiên chưa quy định cụ thể về phương thức phát hành, quản lý đối với xuất bản phẩm điện tử trong trường hợp phát hành trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội...

    Theo quy định tại khoản 5 Điều 41 Luật Xuất bản, việc cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh dựa trên cơ sở hồ sơ của cơ quan, tố chức, cá nhân gồm: Đơn đề nghị, danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc cấp phép chỉ dựa vào “Danh mục”, hầu như không thể phát hiện hay nhận biết được đấu hiệu vi phạm pháp luật.

    Để nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò công tác xuất bản, in và phát hành; phát huy truyền thống văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho hoạt động xuất bản, in, phát hành nhằm nâng cao hiệu quả nhiệm vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ dân trí và đời sống văn hóa cộng đồng. Đấy mạnh việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực để phát triển sự nghiệp xuất bản, in và phát hành. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiến hành hợp tác, liên doanh, liên kết để tăng cường nguồn lực cho xuất bản, in và phát hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về hoạt động xuất bản, in và phát hành. Kiên quyết thu hồi giây phép, đình chỉ các ấn phẩm vi phạm pháp luật, sai tôn chỉ, mục đích. Tăng cường năng lực quản lý xuất nhập khẩu sách báo, ấn phẩm văn hoá, ngăn chặn nạn xuất bản, in và phát hành trái phép. Thực hiện nghiêm quy định về chế độ lưu chiểu, về bản quyền tác giả. Thường xuyên theo dõi, tô chức kiểm tra lưu chiểu báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động xuất bản.

    Đức Thể