Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 03
vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Long Khánh và huyện Trảng
Bom, làm 657 người ngộ độc, 01 ca tử vong; trong đó vụ việc có số người bị ngộ
độc lớn liên quan đến tiệm bánh mì Cô Băng xảy ra trên địa bàn thành phố Long
Khánh khiến 547 người nhập viện và 01 trường hợp tử vong. Tình trạng
buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan chưa được kiểm soát chặt
chẽ; quá trình sản xuất, chế biến biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; tình trạng
giết mổ gia súc, gia cầm lậu còn xảy ra nhiều nơi; việc cấp phép an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh chưa được
thống kê đầy đủ. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
(ATTP) trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu do các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến
tỉnh thực hiện; tại cấp huyện và cấp xã còn hạn chế, chưa triệt để (UBND cấp xã hầu như không xử phạt, chủ yếu là nhắc nhở, qua kiểm tra tỉ lệ nhắc nhở
chiếm đến 71,35%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trả lời chất vấn
Về nguyên nhân, theo Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, có thể
nêu ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:
Tỉnh
Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp với các bếp ăn tập thể,
là địa phương phát triển về chăn nuôi nên việc kiểm soát ATTP ngay từ khâu cung
cấp nguyên liệu đầu vào còn khó khăn, tình trạng giết mổ không phép chưa được
kiểm soát triệt để; tại địa phương nhóm cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn
đường phố chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó ý thức tuân thủ quy định về an toàn thực
phẩm của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp chế biến thực phẩm chưa cao. Thời
tiết năm nay diễn biến phức tạp là môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát
triển, trong khi đó tại một số cơ sở việc bảo quản thực phẩm chưa đảm bảo là yếu
tố làm tăng nguy cơ về ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật. Một số quy định của Luật
ATTP và các quy định hiện nay không giao chức năng thanh tra chuyên ngành, nên
khi tiến hành kiểm tra ATTP nếu phát hiện vi phạm phải đề xuất Chánh Thanh tra
Sở để ban hành xử phạt vi phạm hành chính; biên chế, tổ chức cơ quan quản lý về
ATTP cấp huyện còn phân tán, chưa thống nhất (y tế, nông nghiệp, công thương),
cấp xã gần như chỉ có 01 cán bộ Trạm Y tế kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ chưa cao nên hiệu quả hoạt động chưa đạt theo yêu cầu. Theo Chỉ thị
20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; việc kiểm tra ATTP thông báo
trước cho doanh nghiệp nên sẽ có việc doanh nghiệp đối phó khi có đoàn kiểm
tra.
Việc kiểm
soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào tại một số các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp
suất ăn công nghiệp vẫn chưa được thực hiện tốt. Vấn đề truy xuất nguồn gốc thực
phẩm khi có ngộ độc xảy ra gặp nhiều khó khăn do vấn đề này thuộc ba ngành quản
lý và có những quy định có đôi khi khác nhau. Một số đơn vị, địa phương chưa thực
sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường
xuyên, chỉ tập trung vào các đợt cao điểm về ATTP, một số địa phương xử lý chưa
nghiêm các vi phạm về ATTP (cấp xã hầu như không xử phạt) chủ yếu là nhắc nhở
nên thiếu tính răn đe, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP còn mang nặng tính hình thức
(chủ yếu tập trung vào Tháng hành động vì ATTP và Tết Nguyên đán), hình thức
tuyên truyền chưa phong phú nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Đai biểu Võ Thị Xuân Đào đặt câu hỏi chất vấn
ATTP là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng, là vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người, do đó cần nâng cao công tác quản lý nhà nước về ATTP trong thời
gian tới. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức
thực hiện tốt các giải pháp đã đề ratại
kỳ họp, đồng thời tổ chức Hội nghị chuyên đề
đánh giá đúng thực trạng về vấn đề vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay; xác
định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới. Trên cơ sở
đó, xây dựng Kế hoạch tổng thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước
về vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP. Qua đó, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể;
thời gian, lộ trình, giải pháp trong từng vấn đề cụ thể đến năm 2030; xác định
rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; thời gian hoàn thành các mục tiêu, chỉ
tiêu đề ra; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để có giải
pháp chỉ đạo thực hiện, hạn chế thấp nhất số
vụ ngộ độc xảy ra, ảnh hưởng ít nhất
đến sức khỏe người dân
trong thời gian tới.
Thu Hương