Trả lời chất
vấn tại kỳ họp, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hồng Phong cho biết: Thời gian
qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng
đã được các cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm, tuy nhiên tình hình tội phạm
và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trên cả nước nói chung và
trên địa bản tỉnh Đồng Nai nói riêng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính
từ năm 2019 đến nay, Cơ quan điều tra các cấp thuộc Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi
tố 04 vụ án, 12 bị can liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng, gây thiệt hại trên
1.330 tỷ đồng. Công an tỉnh tiếp nhận
và xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều tra làm rõ 40 vụ, 46 đối tượng.
Trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy
ra 76 vụ (chiếm 60,8% tổng số vụ lừa đảo), tổng số tiền bị chiếm đoạt là trên
325,4 tỷ đồng; đã điều tra, làm rõ 04 vụ, 14 đối tượng (đạt tỷ lệ 5,06%).
Đại biểu Nguyễn Thị Nga nêu câu hỏi chất vấn
Về nguyên nhân, theo Giám đốc
Công an tỉnh, các đối tượng
tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng thường có trình độ, hiểu biết về quy trình và
hệ thống tại ngân hàng lợi dụng kẽ hở của pháp luật và quy trình, hệ thống ngân
hàng để thực hiện hành vi phạm tội; trình
độ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực Ngân hàng của cán bộ còn hạn chế, chưa được
tập huấn chuyên sâu, cán bộ thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm
kinh tế trong lĩnh vực Ngân hàng còn ít. Các đối tượng phạm tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được thực hiện bởi các tổ chức tội
phạm đặt trụ sở ở nước ngoài, có móc nối giữa nhiều nhóm tội phạm, đối tượng trong và ngoài nước; các đối
tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn cũ nhưng thay đổi cách tiếp cận. Việc tuyên truyền đến người dân vẫn chưa theo kịp xu hướng, chưa cập nhật kịp thời những thủ đoạn mới; người dân
chưa thực hiện bảo vệ tốt dữ liệu cá nhân
của mình, có tình trạng cung cấp thông tin một cách dễ dàng khi đối tượng phạm tội lừa đảo yêu cầu. Công tác quản lý,
phối hợp của các cơ quan, tổ chức có
liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, quản trị mạng còn nhiều bất cập, thiếu
đồng bộ; công tác phối hợp giám
định còn nhiều hạn chế; công tác ngăn chặn giao dịch của ngân hàng chưa kịp thời,
hiệu quả dẫn đến việc ngăn chặn, thu
hồi tài sản từ các vụ lừa đảo hiệu quả thấp...
Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hồng Quang trả lời chất vấn
Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với các loại tội phạm liên
quan đến hoạt động ngân hàng và tội phạm công nghệ cao trong thời gian tới, Hội
đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân
dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo Công
an tỉnh, các ngành, địa phương thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường công tác nắm tình hình nhằm nhận diện sớm, phát hiện các
hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Ngân hàng. Rà soát, xác định các
băng, nhóm tội phạm trên địa
bàn, lên danh sách đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động tội phạm lừa đảo
chuyên nghiệp hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài để có phương án đấu tranh, phòng ngừa một
cách có hiệu quả, kịp thời.
- Thường xuyên rà soát, xác định những sơ hở, thiếu
sót, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, các văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan để tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn
thiện các quy định của pháp luật về quy trình, hoạt động của ngân hàng, nâng cao tính bảo mật
trong các hoạt động giao dịch trực tuyến trên mạng, về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt
tài sản và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những
trường hợp vi phạm.
- Thường
xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt
động mới của các loại tội phạm về hoạt động ngân hàng, tội phạm trên không gian
mạng, tội phạm đánh bạc bằng công nghệ cao (đánh bạc online)
cũng như những hệ lụy của vấn đề này giúp
người dân dễ tiếp cận, phòng tránh có hiệu quả hơn, từ đó nâng cao ý thức chấp
hành pháp luật của người dân. Hướng dẫn cụ thể về quy trình tố giác tội phạm đến
nhân dân, giúp quá trình tiếp nhận, xác minh thông tin tội phạm được đẩy nhanh
tiến độ.
- Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an
để tăng tỷ lệ điều tra, làm rõ các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao và thu hồi tối đa tài sản cho người
dân.
- Nâng cao
nhận thức của người dân về chuyển đổi số (đẩy mạnh việc cài đặt ứng dụng VNeID
mức độ 2), trang bị “Vắc xin số” cho công dân số tỉnh Đồng Nai giúp người dân
tiếp cận, tương tác, thụ hưởng các dịch vụ số an toàn; thực hiện khẩu hiệu “4 Không, 2 Phải”
để phòng ngừa từ xa các thủ đoạn, cách thức lừa đảo của các loại tội phạm trong
thời gian tới.
- Nâng cao hiệu quả
công tác quản lý Nhà nước về an
ninh, trật tự nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành,
nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua
môi trường số.
- Tăng cường siết chặt quản lý, thi hành pháp luật đối với
các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, bất động sản,
môi giới việc làm, các trang tin
quảng cáo, … để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn
thông, internet trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các nhà mạng chủ động theo dõi, kịp
thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới
và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng không gian mạng
của các loại tội phạm.
Thu Hương