Giám sát công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Quán

Đăng ngày: 09/09/2024
  ​Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Định Quán vừa qua đã tổ chức đoàn giám sát công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Quán năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Đoàn giám sát do ông Trần Hữu Hạnh - Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Định Quán, Phó Bí thư Huyện ủy Định Quán làm trưởng đoàn.
 

Theo thống kê, tổng diện tích sản xuất cây hàng năm 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện là 12.506,95 ha; diện tích sản xuất cây lâu năm: 34.905,6 ha. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong trồng trọt 6 tháng đầu năm tăng 8,91% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 trong đó chủ yếu là tăng năng suất, sản lượng nhóm cây rau các loại và cây có múi.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, UBND huyện đã quan tâm bố trí cơ bản đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng cho công tác thi hành pháp luật về quản lý đất nông nghiệp. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp được được UBND huyện quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức như: họp giao ban, họp dân, qua hệ thống loa đài phát thanh huyện, xã, thị trấn, qua lồng ghép trong các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiêp, hội thảo chuyên đề. Theo thống kê, đã triển khai 79 lớp tập huấn với 2.765 lượt người tham dự.

992024.dnn.the.1.JPG
Tổ trưởng Tổ đại biểu Trần Hữu Hạnh phát biểu tại buổi giám sát

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận 666 hồ sơ xin phép chuyển mục đích (trong đó có 43 hồ sơ từ tháng 12/2022 chuyển sang). Cụ thể: Đủ điều kiện giải quyết là 533 hồ sơ: Hiện đã ban hành Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 532 hồ sơ; 01 hồ sơ đã kiểm tra thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và đang xem xét ban hành Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đã giải quyết đúng hạn 488 hồ sơ, đạt 91,56%; 45 hồ sơ trễ hạn chiếm 8,44%.

Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2024 đã chuyển đổi 7 ha trên trên đất lúa 1 vụ sang cây hàng năm; 273 ha đất lúa 3 vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây hàng năm trong vụ Đông Xuân. Trong thời gian năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện thu hồi 12 dự án có đất nông nghiệp/12 dự án được thực hiện trên địa bàn huyện. Trong đó diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 24,1ha/24,8ha. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã cấp được 419 giấy/419 thửa/88,8 ha đất nông nghiệp; thu hồi giấy CNQSDĐ đất nông nghiệp: Đã ban hành quyết định thu hồi 35 giấy/61 thửa/18,9 ha.

Một số khó khăn, hạn chế

Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều diện tích cây trồng như cây điều, cà phê, … được người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác làm cho cơ cấu một số cây trồng trên địa bàn huyện thay đổi không theo quy hoạch. Một số hộ dân trên địa bàn huyện khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng chưa xin phép nhất là đối với những địa phương có diện tích đất lúa nhỏ lẻ, da beo. Thời gian qua, trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng một số cá nhân tích tụ đất, đầu cơ đất nhưng không có nhu cầu sử dụng dẫn đến tình trạng đất đai bỏ hoang không đưa vào sử dụng.

992024.dnn.the.2.JPG
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên phát biểu tại buổi giám sát

Công tác giải quyết thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn một số hồ sơ trễ hạn theo quy định; năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 còn 45/533 hồ sơ trễ hạn chiếm 8,44%. Nguyên nhân trễ hạn là do thời điểm gần cuối năm, do e ngại Nhà nước điều chỉnh giá đất nên các hộ gia đình, cá nhân trên toàn huyện ồ ạt nộp hồ sơ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất với số lượng tương đối nhiều, trong khi đó thời gian giải quyết theo quy trình thủ tục chỉ có 15 ngày làm việc nên không có đủ thời gian kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến, thẩm định nhu cầu, kiểm tra hiện trạng...

Qua kết quả giám sát, đoàn giám sát đã kiến nghị UBND huyện Định Quán cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tăng cường triển khai các biện pháp bố trí sắp xếp cán bộ, thời gian làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin…nhằm nâng cao hiệu quả, tiến độ việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng; thường xuyên rà soát, thống kê đầy đủ số liệu về tình trạng sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích, không theo quy hoạch, tình trạng đầu cơ đất, để hoang hóa không sử dụng,...để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích. 

Đức Thể