Giám sát công tác nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 01/10/2024
  ​Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa qua đã tổ chức đoàn giám sát kết quả thực hiện công tác nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát do bà Huỳnh Ngọc Kim Mai - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
 

​     Hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Đồng Nai gồm 11 trung tâm y tế cấp huyện; 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống y tế ấp, khu phố. Tất cả 170 xã, phường, thị trấn đều có Trạm Y tế, có giường bệnh ngoại trú, tổng cộng có 850 giường bệnh ngoại trú. Đến tháng 6/2024: Dự kiến đạt 52% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 9/03/2023 của Bộ Y tế về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030.

     Về nhân lực, toàn tỉnh hiện có 3.456 viên chức, người lao động tại y tế cơ sở; trong đó: tại Trung tâm Y tế là 2.033 lao động, tại các Trạm y tế là  1.423 lao động. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 924 nhân viên y tế khu phố, ấp đang hoạt động. Công tác luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế được quan tâm thực hiện để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.

1102024.the.ytcssyt.1.jpg
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng phát biểu tại buổi giám sát đối với Sở Y tế

     Công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế được quan tâm triển khai thực hiện. Hóa chất, vật tư xét nghiệm, vật tư y tế cơ bản đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

     Sở Y tế đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở đến 11 huyện/thành phố, 170 phường, xã, thị trấn đáp ứng mỗi trạm y tế có ít nhất 01 máy vi tính kết nối internet và khám chữa bệnh cho người dân thông qua phần mềm khám bệnh. Tính đến thời điểm tháng 8/2024, tỉ lệ trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở để khám chữa bệnh và liên thông BHYT đạt 95% (160 trạm/170 trạm).

     Một số khó khăn, tồn tại

     Nhân lực y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ về số lượng, trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, nhất là bác sĩ; tuyến huyện thiếu 84 bác sĩ so với nhu cầu, tuyến Trạm Y tế thiếu 45 bác sĩ so với nhu cầu; còn 24/170 Trạm Y tế chưa có bác sĩ cơ hữu. Trong giai đoạn đến năm 2030 cần phải tuyển dụng và đào tạo thêm khoảng 1.175 cán bộ cho y tế cơ sở; trong đó, khoảng 200 bác sĩ và 975 cán bộ y, dược khác. Bên cạnh đó, công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ hiện gặp một số khó khăn, nhiều đơn vị chưa thể bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ do chưa đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về: Trung cấp lý luận chính trị, kết luận tiêu chuẩn chính trị.

1102024.the.ytcssyt.4.jpg
Đoàn khảo sát thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu

     Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số đơn vị, địa phương đã xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa, xây mới, mua sắm. Hiện nay, toàn tỉnh có 60 trạm y tế cần xây dựng mới, 46 trạm y tế cần sửa chữa, cải tạo và 20 trạm y tế cần mua sắm bổ sung trang thiết bị nhưng chưa được thực hiện đầu tư kịp thời, đúng mức. Một số dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng đã có chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai thực hiện hoặc đã triển khai xây dựng nhưng tiến độ chậm, nhất là dự án xây dựng mới Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch, Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh và một số dự án xây dựng Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

     Trang thiết bị và danh mục thuốc theo Thông tư 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 18/10/2017 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ người bệnh tại tuyến xã.

     Công tác ứng dụng công nghệ thông tin chưa có sự đồng bộ về số liệu giữa các phần mềm, còn hạn chế trong việc trích xuất dữ liệu; chưa triển khai đầy đủ hệ thống công tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ Y tế. Công tác giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT qua việc gửi dữ liệu điện tử định dạng XML theo quy định của Bộ Y tế còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Cổng tiếp nhận dữ liệu BHXH thường xuyên quá tải, tiếp nhận và xử lý dữ liệu rất chậm, làm ảnh hưởng tới công tác quản lý thông tuyến dữ liệu khám chữa bệnh tại các cơ sở. Mặc dù ngành quan tâm và chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của ngành, tuy nhiên việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử còn chậm.

     Một số kiến nghị

     Nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh tăng cường theo dõi, kiểm tra, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới để kịp thời có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát lại việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng y tế cơ sở, trên cơ sở đó có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Đồng thời kiến nghị Sở Y tế tích cực triển khai thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với bác sĩ, nhân viên y tế tại các tuyến nhằm hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến huyện, xã để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, phòng bệnh; tăng cường sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế; góp phần giảm quá tải cho tuyến trên và giải quyết khó khăn về thiếu nhân lực y tế cơ sở hiện nay; triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa…

Đức Thể