1- Lập tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quân quản và Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Đồng Nai
Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản và điều hành tỉnh Biên Hòa sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, ngày 24/4/1975, tại Gia kiệm, Thường vụ Khu ủy miền Đông công bố Nghị quyết của Khu ủy Miền Đông về chủ trương tổ chức Ủy ban Quân quản các tỉnh và thành phố.
Ngày 03/5/1975, hội nghị Ban Thường vụ và cán bộ chủ chốt Khu ủy miền Đông do đồng chí Lê Quang Chữ, Bí thư Khu ủy chủ trì công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quân quản các tỉnh và thành phố Biên Hòa, như sau:
Ủy ban Quân quản tỉnh Biên Hòa do đồng chí Võ Văn Lượng làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản tỉnh Bà Rịa – Long Khánh do đồng chí Phạm Lạc làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản tỉnh Tân Phú do đồng chí Võ Tấn Vịnh làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản thành phố thành phố Vũng Tàu do đồng chí Phạm Văn Hy làm Chủ tịch.
Ủy ban Quân quản thành phố Biên Hòa do đồng chí Lê Đình Nhơn, Phó Bí thư Khu ủy làm Chủ tịch. Các đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư Thành ủy và đồng chí Nguyễn Việt Hoa, Phó Tư lệnh Quân khu, làm Phó Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Quý Nam, Ủy viên Ban an ninh Khu và đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Bí thư Thành ủy, làm Ủy viên.
Những ngày đầu giải phóng, vùng đất đất Đồng Nai ngày nay thuộc địa giới của các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa-Long Khánh, Tân Phú, thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu. Mỗi tỉnh đều do Ủy ban Quân quản điều hành. Đến cuối năm 1975, tình hình kinh tế xã hội ổn định, chính quyền cách mạng ở xã ngày càng được củng cố; Ủy ban Quân quản tỉnh , huyện hoàn thành nhiệm vụ giữ vững ổn định tình hình ở vùng mới giải phóng và chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo điều hành xã hội cho Ủy ban nhân dân cách mạng các tỉnh.
Ngày 29/9/1975, Hội nghị Ban chấp hành Trung Đảng ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về “nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó Nghị quýết chỉ rõ:…”hợp nhhất các tỉnh thành đơn vị hành chính-kinh tế với quy mô cần thiết”. Về công tác cán bộ, Nghị quyết Trung ương chỉ đạo:”…điều động và phân bố lại cán bộ theo tình hình mới, nhằm đảm bảo lợi ích chung của cách mạng cả nước; nâng cao kiến thức kinh tế cho cán bộ quân đọi, chuyển một số ra làm kinh tế. ..”
Căn cứ Nghị quyết 24 của Trung ương, ngày 20/9/1975, Trung ương cục miền Nam ra Nghị quyết số 16/QĐ.75 về việc giải thể khu, sát nhập tỉnh. Đến tháng 01/1976, Trung ương có quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh Biên Hòa, Tân Phú, Bà Rịa - Long Khánh, gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là thành phố Biên Hòa, Thị xã Vũng Tàu và các huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Duyên Hải. Diện tích tự nhiên tỉnh Đồng Nai lúc thành lập là 8360 km2 , dân số trên 1.223.683 người. Toàn tỉnh có 154 đơn vị hành chính cấp xã (bao gôm xã, phường, thị trấn).
Khi thành lập tỉnh Đồng Nai, ông Lê Quang Chữ được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 24/3/1976, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Quyết định số 21/QĐ-76 về việc công nhận Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đồng Nai theo đề nghị của Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Đồng Nai, gồm các vị sau đây:
- Chủ tịch: Ông Nguyễn Văn Lá, tức Nguyễn Văn Trung (Sáu Trung)
- Các Phó Chủ tịch: Ông Nguyễn Văn Có, tức Nguyễn Văn Hòa (Năm Hòa)
Ông Lê Thành Ba (Ba Bùi)
Ông Hoàng Vĩnh Phú (Bảy Phú)
Ông Lê Đình Nghiệp (Năm Nghiệp)
- Ủy viên thư ký: Ông Nguyễn Văn Dinh (Năm Dân)
- Các Ủy viên khác: Ông Nguyễn Hoàng Vân (Mười Vân)
Ông Lê Văn Ngọc (Sáu Ngọc)
Ông Lê Ngọc Bạch (Chín Hồng)
Ông Hồ Sĩ Hành (Hai Huỳnh)
Bà Lê Thị Hoa (Năm Thường)
Để giúp việc cho Ủy ban nhân dân cách mạng lãnh đạo điều hành, tỉnh đã hình thành ngay bộ máy giúp việc ban đầu với 34 đơn vị quản lý Nhà nước và 5 đơn vị đoàn thể cấp tỉnh. Đến cuối năm 1976, bộ quản lý chuyên ngành của tỉnh có 39 Ty, ban ngành và tương đương, gồm: Văn phòng Uỷ banhành chính tỉnh; Ty Công nghiệp, Ty Giao thông vận tải, Ty Giáo dục, Ty Lâm nghiệp, Ty Nông nghiệp, Ty Thủy lợi, Ty Lao động, Ty Thương binh- xã hội, Ty Tài chính, Ty Thương nghiệp, Ty Văn hóa - thông tin, Ty Xây dựng, Ty Bưu điện, Ty Lương thực, Ty Thủy sản, Ủy ban Vật giá, Ủy ban Xây dựng cơ bản, ty Công an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Liên hiệp công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Ủy Ban kế hoạch, Ủy Ban vật giá, Chi cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ban Cải tạo nông nghiệp, Ban Liên hiệp xã, Ban Ngoại vụ-chuyên gia, Ban pháp chế, Ban Thanh tra, Ban Thi đua, Ban Tổ chức chính quyền.
2- Hoạt động của Ủy ban quân quản và Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh
- Ổn định chính trị, trật tự xã hội, đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, bài trừ tệ nận xã hội.
Đúng 10 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, Bộ chỉ huy tiền phương gồm các đồng chí Phan Văn Trang, Nguyễn Việt Hoa, Hoàng Việt Thắng, Nguyễn Quý Nam và Trung đoàn 5 tiến vào tiếp quản tòa hành chính tỉnh Biên Hòa. Khu ủy miền Đông về đóng cơ quan tại dinh tên trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 (nay là Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh) để lãnh đạo.
Nhiệm vụ chủ yếu cấp bách trong thời gian đầu là tiếp quản vùng giải phóng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên từng khu vực, nhằm từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ an toàn các nhà máy, xí nghiệp. Trong ngày đầu tiên tiếp quản, Ủy ban Quân quản thành phố Biên Hòa chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Ban an ninh triển khai kế hoạch ổn định trật tự trong thành phố; các lực lượng vũ trang (bộ đội, an ninh) được triển khai chốt chặn các đầu mối giao thông và các tuyến đường trọng yếu như ngã 3 Tam Hiệp, ngã 3 đi Vung Tàu, cầu Đông Nai, cầu Gành, cầu Rạch Cát; các đội thông tin của Ủy ban Quân quản tăng cường tuyên truyền chính sách 10 điểm của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam, chính sách hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền giao nộp vũ khí, đăng ký trình diện; lực lượng công binh Quân khu tập trung tháo gỡ bom, mìn; thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của địch còn gài lại; lực lượng an ninh Khu miền Đông phối hợp với bộ đội chủ lực và dân quân tự vệ tích cực truy lùng, truy bắt và triệt phá các tổ chức phản động, tình báo của Mỹ cài lại; triệt phá các băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp; các ổ chứa mại dâm, các đối tượng xì ke, ma túy...do chế độ cũ để lại; kêu gọi các công chức, viên chức chế độ cũ, nhất là ngành kinh tế, y tế, giáo dục và các cơ sở hạ tầng như điện, nước.. ra đăng ký làm việc trở lại sau một đợt học chính trị từ 2 đến 3 ngày ...Chỉ 3 ngày sau giải phóng, các cơ sở sản xuất điện, nước ở Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa-Vũng Tàu đi vào hoạt động, tình hình xã hội ổn định, mọi hoạt động của nhân dân trở lại bình thường.
- Khắc phục nạn đói, khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh.
Trong thời kỳ đầu mới giải phóng, do hậu quả của chiến tranh để lại, hàng trăm ngàn đồng bào từ nông thôn bỏ quê hương chạy về thành thị sống bằng con đường buôn bán, thêm vào đó hàng trăm ngàn ngụy quân, ngụy quyền của bộ máy chiến tranh và gia đình họ trước đây sống dựa chủ yếu vào viện trợ Mỹ, nay nguồn đó không còn, vì vậy tỷ lệ người thất nghiệp quá lớn, trong khi đó diện tích canh tác ở nông thôn phần lớn bị bỏ hoang, toàn tỉnh chỉ có gần 40.000 ha đất canh tác, bình quân lương thực đầu người đầu năm 1976 (bao gồm cả màu quy thóc) chỉ đạt 89 kg/ đầu người, thấp nhất cả nước…, cho nên tình trạng thiếu lương thực trở nên gay gắt, nạn đói xảy ra.
Trước tình hình nạn đói đe dọa, đầu năm 1976, một mặt tỉnh phải xin Trung ương chi viện 35.000 tấn lương thực để cứu đói cho nhân dân, mặt khác phát động đợt tuyên truyền, vận động nhân dân ở đô thị chưa có việc làm trở về quê cũ sản xuất nông nghiệp, đi xây dựng vùng kinh tế mới. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương mở rộng khai hoang, phục hóa trồng các cây lương thực để khắc phục nạn đói. Đồng thời vận động nhân dân tham gia phong trào làm thủy lợi, đào vét kênh mương, xây dựng hồ chứa nước để thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất lao động. Kết quả chỉ trong vòng 2 năm 1976 đến 1977, Đồng Nai đã phục hóa hơn 44.456 ha đất sản xuát nông nghiệp. Nhờ đó, từng bước cân đối được lương thực trên địa bàn, khắc phục nạn đói, ổn định đời sống các tầng lớp đân cư.
Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp: ngay từ ngày đầu mới giải phóng, Ủy ban Quân quản đã ra lời kêu gọi công nhân bảo vệ nhà máy, xí nghiệp. Tiếp theo đó tỉnh thành lập Ban khôi phục sản xuất công nghiệp Biên Hòa để phục vụ tiếp quản trọn vẹn khu kỹ nghệ Biên Hòa; tổ chức điều hành, thực hiện các biện pháp cần thiết để nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp. Vì vậy, ngay sau ngày 30/4/1975 đã có 38/94 nhà máy trong khu kỹ nghệ Biên Hòa đi vào hoạt động; nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngành nghề truyền thống trở lại sản xuất bình thường…, giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động.
- Xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế xã hội chủ nghĩa
Cùng với nhiệm vụ ổn định chính trị, trật tự xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm sâu sắc đến xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, y tế nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Ty văn hóa thông tin các tỉnh được thành lập, các đội thông tin cổ động lưu động đi xuống các huyện xã để tuyên truyền chính sách mới của cách mạng, phát động phong trào thu gom các loại văn hóa phẩm phản động, đồi trụy do chế độ cũ để lại. Thành lập Đài phát thanh giải phóng Biên Hòa, Báo Đồng Nai để thông tin đến quần chúng nhân dân, hướng dẫn dư luận quần chúng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới xã hội chủ nghĩa…Sở Giáo dục miền Đông, Ban Giáo dục các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa- Long Khánh, thị xã Vũng Tàu, Tân Phú mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho 3.747 giáo viên, tập huấn nghiệp vụ, định hướng chương trình, nội dung giảng dạy cho 3.292 giáo viên; khôi phục 480 trường học các cấp, với 189.614 học sinh trở lại học đường. Ngày 21/9/1975, tỉnh đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đầu tiên 1974-1975 dưới chính quyền cách mạng cho 3.199 học sinh đăng ký dự thi. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa mù chữ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục.
- Tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết số 24 của Trung ương và chỉ đạo của Khu ủy miền Đông, Ủy ban Quân quản các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa-Long Khánh, Tân Phú, thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu tiến hành thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách với tên gọi là X1, X2 (cải tạo tư sản mại bản). Thực hiện tuyên bố của Chính phủ Cách mạnh cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc “thục hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, bài trừ bọn tư sản mại bản lũng đoạn, đầu cơ , tích trữ, phá rối thị trường”. Đêm 10/9/1975, rạng sáng 11/9/1975, các tỉnh tiến hành đồng loạt chiến dịch xóa bỏ tư sản mại bản: kiểm kê hàng hóa của 175 hộ tư sản mại bản và tư sản thương nghiệp; chuyển 132 hộ tư sản tư doanh thương nghiệp sang hoạt động sản xuất. Song song, tỉnh tiến hành cải tạo XHCN: từ năm 1976 đến 1978, tỉnh thành lập 5 công ty thương nghiệp cấp tỉnh, 11 công ty thương nghiệp cấp huyện, 103 của hàng và trạm thu mua nông sản thực phẩm; xây dựng được 3 HTX mua bán. Đến 1984 đã có 120 HTX mua bán và HTX tiêu thụ. Thương nghiệp XHCN (bao gồm công ty quốc doanh và HTX) thời kỳ này chủ yếu thu mua hàng hóa theo kế hoạch nhà nước và trao đổi sản phẩm 2 chiều. Cơ chế mua bán của thương nghiệp XHCN thời kỳ này người ta ví “mua như cướp, bán như cho”. bước vào thời kỳ đổi mới, các HTX mua bán và HTX tiêu thụ khi đều rơi vào tình trạng thua lỗ, dẫn đến giải thể hàng loạt, một só ít còn hoạt động cầm chừng hoặc chỉ tồn tại dưới cái tên HTX, nhưng thực chất là tư nhân hóa.
Tiếp theo, ngày 22/9/1975 Ủy ban Quân quản các tỉnh Biên Hòa, Bà rịa-Long Khánh, Tân Phú, thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu đồng loạt tiến hành chiến dịch X3: thu đổi tiền của chế độ cũ sang tiền ngân hàng Việt Nam (nhân dân thường gọi tắt là tiền giải phóng). Đến 08/11/1975, các tỉnh ở miền Nam thực hiện Chỉ thị số 353/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất quy đổi tiền giải phóng và tiền miền Bắc.
Song song với công tác cải công thương nghiệp tư bản, tư doanh, tỉnh tiến hành công cuộc cải tạo XHCN trong nông nghiệp. Bắt đầu từ năm 1976, thực hiện chính sách về ruộng đát theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã thực hiện quốc hữu hóa, tịch thu, trưng thu, trưng mua và vận động hiến 22.088 ha ruộng đất của 1609 đối tượng và chia cấp 15.000 ha cho 16.771 hộ nông dân nghèo; 13.000 ha đưa vào lập các nông trường quốc doanh. Đồng thời tỉnh tiến hành vận động thực hiện công cuộc cải tạo XHCN trong nông nghiệp (thành lập các nông trường quốc doanh, trạm trại, HTX, tổ hợp tác, tổ vần đổi công).
Trên lĩnh vực tín dụng: từ năm 1976, tỉnh tiến hành tuyên truyền, vận động thành lập HTX tín dụng, đến năm 1982 bắt đầu “cao trào” thành lập HTX tín dụng, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt HTX tín dụng ra đời. Đến năm 1986, toàn tỉnh xây dựng được 69 HTX tín dụng. Đến năm 1989 hàng loạt HTX tín dụng đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, nhiều HTX tín dụng không còn khả năng chi trả cho khách hàng đến hạn. Tại Biên Hòa hàng ngày có đến hàng trăm người tụ tập trước trụ sở HTX tín dụng Quang Vinh để đòi nợ, gây xáo trộn xã hội rất lớn. Nguyên nhân của sự đổ vỡ trước hết là do lãi suất huy động và cho vay quá cao, người vay không có khả năng trả vốn và lãi; ngoài ra việc thành lập HTX tín dụng theo kiểu phong trào, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, không tuân thủ các nguyên tắc tín dụng; các định chế tài chính chưa hoàn chỉnh, trong lúc đó vai trò quản lý nhà nước bị buông lỏng, cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn không được đầo tạo về chuyên ngành…
Theo Kỷ yếu Chính quyền nhân dân tỉnh Đồng Nai 1945-2004