Chính quyền Cách mạng tỉnh Thủ Biên giai đoạn từ 05/1951 đến 04/1955

Đăng ngày: 12/08/2011

1- Thành lập tỉnh Thủ Biên.

     Theo Quyết định của Trung ương cục, tỉnh Thủ Biên được thành lập vào tháng 5/1951. Hội nghị hợp nhất hai tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một thành lập tỉnh Thủ Biên được tổ chức tại Suối Sâu (chiến khu Đ) vào tháng 05/1951. Ông Lê Duẩn - đại diện Xứ ủy tham dự và chỉ đạo hội nghị.

     Tỉnh Thủ Biên gồm 9 huyện: Hớn Quản, Bến Cát, Lái Thiêu, Thủ Đức, Tân Uyên, Châu Thành, Sông Bé,  Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và 2 thị xã: Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Cắt huyện Long Thành của tỉnh Biên Hòa về tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Đến tháng 7/1951 thành lập huyện căn cứ Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập hai huyện Tân Uyên và Hớn Quản.

     Tỉnh ủy Thủ Biên gồm 21 người, trong đó Ban Thường vụ 5 người:

· Bí thư: ông Nguyễn Quang Việt

· Phó Bí thư: ông Vũ Duy Hanh, ông Phạm Văn Thuận

· Ủy viên Thường vụ: ông Huỳnh Văn Nghệ, ông Lê Thái

 

2/. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh có các vị:

· Chủ tịch: ông Nguyễn Minh Chương

· Phó Chủ tịch: ông Lê Minh Thành (Tô Văn Của)

· Ủy viên: ông Lê Thái (Kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện căn cứ Đồng Nai)

· Ủy viên: Ông Trần Khắc Cần

· Ủy viên: Ông Trịnh Trọng Tráng

     Sau khi thành lập tỉnh Thủ Biên, đóng căn cứ của tỉnh ở Chiến khu Đ (huyện Tân Uyên), Văn phòng Ủy ban kháng chiến hành chính của hai tỉnh nhập lại và đóng ở Đất Cuốc. Ông Phan Xuân Ba làm Chánh Văn phòng, ông Lê Ngọc Liệu làm Phó Văn phòng.

Khoảng hai tháng sau, có bước thay đổi về tổ chức bộ máy của tỉnh. Nhiều cơ quan sáp nhập lại thành nhóm. Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng Ủy ban tỉnh nhập làm một gọi là nhóm 1 (hoặc Văn phòng 1). Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Việt và Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nguyễn Minh Chương cùng công tác tại Văn phòng 1. Ông Phan Ân được cử làm Chánh Văn phòng 1 phụ trách khối công tác Đảng, ông Lê Ngọc Liệu làm Phó Văn phòng phụ trách khối công tác chính quyền.

     Các bộ phận chuyên môn được tăng cường để theo dõi các huyện và lĩnh vực công tác. Tổng số cán bộ nhân viên lúc cao nhất lên đến 120 người và được chia thành các bộ phận:

     - Tổ nghiên cứu: có 12 người, được phân công theo dõi bên Đảng, bên chính quyền.

     - Bộ phận tài chính đảm trách công việc của Ty tài chính do ông Nguyễn Văn Bình phụ trách.

     - Tổ văn thư, đánh máy.

     - Tổ điện đài do ông Phan Thanh Long làm trưởng đài.

     - Tổ cấp dưỡng.

     - Đội công tác gồm 12 người chuyên lo xây dựng căn cứ, cất nhà ở, hội trường cho những cuộc họp lớn.

     - Bộ phận nông trường có 40 người do ông Sáu Nghiêm phụ trách, chuyên lo sản xuất, bảo đảm tự túc lượng thực cho Văn phòng.

     Do địch bao vây cấm vận nên vật chất rất thiếu thốn, mỗi người được chia đều nửa lon gạo một ngày, phải mua thêm khoai để ăn độn. Cùng với bộ phận sản xưất chuyên trách, các bộ phận công tác chuyên môn đều phân công người lên nông trường tham gia phá rừng, làm rẫy và đạt được kết quả đáng mừng. Không ngờ, trận bão năm Nhâm Thìn (1952) đã cuốn đi tất cả, đẩy cả khu vực vào nạn đói trầm trọng. Nhân viên Văn phòng 1 mỗi bữa chỉ ăn một ít gạo nấu với rau tàu bay hoặc một chén cháo loãng. Lại thêm nạn sốt rét hoành hành, không đủ thuốc điều trị. Lợi dụng khó khăn của ta, địch tấn công tàn bạo vào căn cứ, Văn phòng phải luôn di chuyển trong thiếu đói, đến chỗ mới lại bắt tay tiếp tục công tác chuyên môn.

     Trước tình hình đó, Văn phòng 1 tiến hành đợt công tác tư tưởng nhằm: “Tinh binh, tinh cán, giảm chính”. Ai yếu về chuyên môn, sức khỏe, nếu tự nguyện về gia đình, hứa làm ăn lương thiện cơ quan sẽ giúp đỡ để ra đi. Cuộc chia tay miễn cưỡng như thế thật đau lòng. Trong số những người về thành, có hai người đào ngũ vì mất tinh thần, song khi trở về không có ai làm việc cho địch. Số còn ở lại giữ vững chí khí chiến đấu, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

     Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, công tác Văn phòng bận rộn hơn nhiều, nhằm phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban trước khi đình chiến.

     Thi hành chủ trương của Tỉnh ủy, Văn phòng 1 chia làm hai bộ phận: bộ phận ít người hơn đi tập kết ra miền Bắc; bộ phận đông hơn ở lại miền Nam để tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

3/. Hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên giai đoạn từ 5/1951- 4/1055.

     Đây là giai đoạn cuối của thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; lực lượng kháng chiến của tỉnh Thủ Biên đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn trước khi giành được thắng lợi quyết định.

     Trong giai đoạn này, chủ trương của Tỉnh ủy Thủ Biên là phải phá thế phong tỏa bao vây kinh tế của địch; đánh mạnh giao thông, đồn bót, buộc chúng phải quay về vùng tạm chiếm; ra sức tăng cường sản xuất lương thực đi đôi với bảo vệ căn cứ, vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở vùng tạm chiếm; giảm chính các cơ quan tỉnh, tăng cường cho lực lượng vũ trang và cơ sở. Tập trung xây dựng căn cứ địa vững mạnh cả về quân sự, chính trị và kinh tế.

     Thực hiện chủ trương này, ngoài các giải pháp về quân sự, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh thành lập huyện căn cứ Đồng Nai vào tháng 7/1951; cử ông Lê Thái xuống làm Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện, ông Nguyễn Văn Tỏ làm Phó Chủ tịch, ông Hà Quang Minh làm Ủy viên, ông Nguyễn Văn Tư làm huyện đội trưởng. Huyện Đồng Nai là huyện căn cứ chiến khu Đ đã được mở rộng, có diện tích 3.700km2 với khoảng 10.000 dân. Trong căn cứ, Ủy ban kháng chiến hành chính đã tạm cấp trên 500ha đất cho nông dân và cán bộ cơ quan để sản xuất; công tác y tế được chú trọng cả phòng bệnh và trị bệnh.

     Từ cuối năm 1950, tình hình chiến trường Biên Hòa ngày càng gay go, lương thực, vũ khí ngày càng thiếu. Đầu năm 1951, tình hình chia cắt ở chiến trường Biên Hòa ngày càng căng thẳng, hầu hết các xã vùng du kích đều bị giặc chiếm đóng, bị gom vào các khu gần đồn bốt giặc, địch tăng cường khủng bố và truy lùng phá hoại các cơ sở. Cuối năm 1951, thực dân Pháp coi tỉnh Thủ Biên là trọng điểm đánh phá, lấn chiếm và bình định. Năm 1952, để phá thế bao vây kinh tế của địch, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh ra lệnh bãi bỏ chủ trương bao vây kinh tế địch; cho phép nhân dân trong vùng căn cứ được trao đổi hàng hóa với vùng bị chiếm; bãi bỏ chính sách thu đảm phụ chuyển sang thực hiện thu thuế nông nghiệp dựa trên hạng đất và sản lượng thu hoạch;  đẩy mạnh phong trào sản xuất tự túc, các đơn vị bộ đội phải tự túc lương thực ít nhất 4 tháng trong năm; các cơ quan, ban, ngành phải cắt phiên từ 1/3 đến 2/3 lượng người để tham gia sản xuất. Công tác thu mua, vận tải lương thực về căn cứ cũng là một cuộc chiến đấu quyết liệt, gay go, gian khổ. Tình hình càng khó khăn hơn khi cơn bão lớn vào ngày 20/10/1952 ập vào miền Đông, gây ra trận lụt lịch sử, trong đó tỉnh Thủ Biên bị thiệt hại nặng nhất (chiếm đến gần 90%), lúa và hoa màu mất hết. Trước tình hình ấy, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh một mặt phải huy động lực lượng cứu dân, vừa phải tìm cách để cứu đói như xin Trung ương cục chi viện và kêu gọi huyện Long Thành ủng hộ vùng căn cứ, thực hiện nước rút đến đâu thu gom cây mì để trồng lại,...

     Lợi dụng tình thế đó, giặc Pháp mở nhiều cuộc càn quét vào căn cứ; đầu năm 1953 chúng mở trận càn liên tục 52 ngày đêm vào chiến khu Đ, thả bom xăng (napal) đốt phá hoa màu ta vừa trồng lại sau lũ lụt. Đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ta vừa chống càn, vừa chuyển sang sản xuất vào ban đêm ngay dưới làn đạn pháo của địch. Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính kiên quyết chỉ đạo khắc phục khó khăn, tập trung cho sản xuất, bảo vệ căn cứ, vừa chuyển hướng hoạt động đánh địch ở vùng xung yếu, phá thế bao vây của chúng, rút người và của bổ sung cho lực lượng ta; khôi phục cơ sở vùng du kích và vùng tạm chiến, tạo điều kiện để phát triển phong trào kháng chiến.

     Vụ mùa năm 1953 thắng lợi, nạn đói trong căn cứ được đẩy lùi; bộ đội được cấp mỗi tháng 25 lít gạo và 9 đồng tiền ăn, việc thu thuế nông nghiệp được nhân dân đóng góp đầy đủ, sự đoàn kết quân - dân - chính - đảng gắn bó một lòng một dạ đã chiến thắng được giặc đói và giặc ngoại xâm.

     Từ cuối năm 1953, cuộc chiến xâm lược của thực dân Pháp ngày càng đi vào bế tắc trên các chiến trường cả nước. Nhiệm vụ của Nam bộ là chuẩn bị đón lấy thời cơ mới, khuyếch trương chiến thắng về quân sự, chính trị phối hợp với chiến trường miền Bắc. Ở tỉnh Thủ Biên quân Pháp rút đi 3 tiểu đoàn, vùng chiếm đóng quanh chiến khu Đ rút bớt và co cụm lại. Chớp thời cơ, lực lượng ta áp sát các thị xã, thị trấn tiến công địch, đẩy mạnh tuyên truyền vào vùng tạm chiếm và công tác địch  vận, khai thông được các tuyến, hành lang chính từ chiến khu Đ với các tỉnh miền Đông, phát huy thắng lợi để phối hợp với chiến trường chung.

     Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 và ký kết hiệp định Giơ - Ne - Vơ (Genève) vào ngày 20/7/1954, ngày 30/7/1954, Tỉnh ủy Thủ Biên tổ chức hội nghị bất thường để bàn biện pháp thực hiện chủ trương của cấp trên về việc chuyển hướng đấu tranh và sắp xếp lực lượng, chuẩn bị chuyển quân tập kết. Ngày 22/09/1954, 16.000 cán bộ chiến sĩ tới Xuyên Mộc để tập kết ra miền Bắc. Lực lượng còn lại theo chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ: Chuyển phương thức đấu tranh từ chủ yếu là hoạt động vũ trang trong kháng chiến, nay chuyển sang đấu tranh chính trị là hình thức duy nhất.

     Kể từ đây, nhiệm vụ của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên đã kết thúc. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta nói chung và của tỉnh Thủ Biên nói riêng bước sang một giai đoạn mới.

Theo Kỷ yếu Chính quyền nhân dân tỉnh Đồng Nai 1945-2004

CQND 002-1.JPG