Chính quyền nhân dân tỉnh khóa I(1977-1981)

Đăng ngày: 12/08/2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

KHÓA I - NHIỆM KỲ 1977 - 1981

     Cuối năm 1976, diện tích tự nhiên của tỉnh Ðồng Nai là 7.845,5 km2, dân số trung bình 1.247.942 người, với 11 đơn vị hành chính cấp huyện.

     Ngày 29/12/1978, Kỳ họp thứ  - 4 Quốc hội khóa VI ra Nghị quyết chuyển huyện Duyên Hải về thành phố Hồ Chí Minh.

     Ngày 30/5/1979, Kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa VI ra Nghị quyết thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, theo đó thị xã Vũng Tàu và xã Long Sơn thuộc huyện Long Đất , tỉnh Đồng Nai được chuyển về đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

     Như vậy, đến cuối nhiệm kỳ  I (1981) tỉnh Đồng Nai có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 144 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: thành phố Biên Hòa và 8 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành, Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất; với141 đợn vị hành chính cấp xã. Diện tích tự nhiên 7.667,8 km2, dân số trung bình  1.362.967 người.

 

A- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NHIỆM KỲ I (1977-1981):

     Hội đồng nhân dân  và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ I được tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính được Quốc hội khóa II kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 27/10/1962 và Nghị quyết của Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 02/07/1976, kèm theo Thông tư số 249/CP ngày 28/12/1976 của Hội đồng Chính phủ hướng dẫn về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân các cấp.

     Kể từ đây Ủy ban hành chính các cấp ở miền Bắc và Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp ở miền Nam kết thúc nhiệm vụ, tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp thống nhất trong cả nước.

 

I- Tổ chức bầu cử và cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh khóa I, nhiệm kỳ 1977-1981

1- Ngày bầu cử: 15/05/1977

2- Số đơn vị bầu cử: 15 đơn vị

3- Số đại biểu trúng cử: 115 (cho rút 01) còn 114.

4- Cơ cấu đại biểu:

    - Đại biểu nữ: 29 người (25,21%)

    - Đại biểu là đảng viên: 76 người (66,08%)

    - Đại biểu người dân tộc thiểu số: 03 người (2,60%)

    - Đại biểu công tác tại cơ quan Đảng, đoàn thể: 29 người (25,21%)

    - Đại biểu công tác tại cơ quan nhà nước: 60 người (52,63%)

    - Đại biểu trực tiếp sản xuất: 25 người (21,73%)

    - Đại biểu tôn giáo: 08 người (7,01%)

5- Trình độ học vấn:

    - Trình độ phổ thông cấp 3: 30 người (26,08%)

    - Trình độ chuyên môn đại học: 23 người (20,00%)

6- Ngày tổ chức kỳ họp đầu tiên: Từ 29/06/1977 đến 01/07/1977

 

II- Danh sách và tóm tắt tiểu sử từng đại biểu HĐND tỉnh khóa I (xếp theo đơn vị bầu cử)

* Đơn vị bầu cử số 1 - huyện Xuyên Mộc:

1. Triệu Bá Khê: sinh năm 1931, bác sĩ, Phó Ty Y tế tỉnh

2. Hoàng Vĩnh Phú: sinh năm 1928, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

3. Huỳnh Văn Rê: sinh năm 1915, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc

4. Trần Thị Hồng Xinh: sinh năm 1956, sản xuất nông nghiệp

 

* Đơn vị bầu cử số 2 - huyện Long Đất:

5. Lê Sơn: sinh năm 1932, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Đất

6. Nguyễn Thuận: sinh năm 1922, Chánh Văn phòng UBND tỉnh

7. Trần Văn Y: sinh năm 1925, sản xuất muối

8. Nguyễn Văn Nở: sinh năm 1921, Ban Chấp hành Nông hội xã

9. Lê Thị Thường: sinh năm 1925, Trưởng Ty Thương binh xã hội tỉnh

10.Đặng Văn Nhơn: sinh năm 1922, làm nghề chài lưới

11.Hồ Thị Hai: sinh năm 1925, Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ xã

 

* Đơn vị bầu cử số 3 - huyện Châu Thành:

12.Nguyễn Văn Nghiệp: sinh năm 1920, Trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh

13.Nguyễn Thành Võ: sinh năm 1920, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành

14.Nguyễn Văn Bảo: sinh năm 1940, Đại úy, cán bộ Tỉnh đội

15.Vũ Tâm: sinh năm 1925, Trưởng Ty Giao thông vận tải tỉnh

16.Nguyễn Văn Rụ: sinh năm 1928, Cửa hàng trưởng công nghệ phẩm huyện Châu Thành

17.Phạm Hải: sinh năm 1936, bác sĩ, Trưởng Phòng y tế huyện Châu Thành

18.Nguyễn Cầu: sinh năm 1910, Linh mục nhà thờ Phước Lễ

19.Ngô Thị Hằng: sinh năm 1947, quyền Trưởng Phòng thanh tra Ty Thương nghiệp

20.Phạm Thị Kính: sinh năm 1925, Ủy viên BCH phụ nữ xã Phước Lễ

21.Dương Thị Vinh: sinh năm 1953, Công nhân chăn nuôi quốc doanh huyện Châu Thành

22.Điểu Thị Châu: sinh năm 1955, Công nhân chăn nuôi quốc doanh huyện Châu Thành

 

* Đơn vị bầu cử số 4 - huyện Duyên Hải:

23.Lê Văn Hương: sinh năm 1928, làm nghề chài lưới

24.Nguyễn Văn Đại: sinh năm 1922, Ban chấp hành nông hội xã Bình Khánh

25.Lê Văn Trí: sinh năm 1919, Ban chấp hành nông hội xã Bình Khánh

 

* Đơn vị bầu cử số 5 - thị xã Vũng Tàu:

26.Lê Tấn: sinh năm 1926, Chủ tịch UBND thị xã Vũng Tàu

27.Nguyễn Lan: sinh năm 1930, Bí thư Thị ủy Vũng Tàu

28.Nguyễn Văn Đường: sinh năm 1916, Chủ tịch UBMTTQ thị xã Vũng Tàu

29.Lê Hồng Giang: sinh năm 1926, Phó Ty Thủy sản tỉnh

30.Nguyễn Trọng Vỹ: sinh năm 1920, Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh

31.Nguyễn Thị Bạch Tuyết: sinh năm 1925, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

32.Nguyễn Văn Chức: sinh năm 1912, Đại đức trụ trì Phật Bửu Tự (thị xã Vũng Tàu)

33.Nguyễn Tấn Được: sinh năm 1954, công nhân XN bột cá quốc doanh Vũng Tàu

34.Nguyễn Thanh Khiết: sinh năm 1953, sửa chữa máy tàu đánh cá

 

* Đơn vị bầu cử số 6 - huyện Long Thành:

35.Nguyễn Văn Xuân: sinh năm 1941, Chủ tịch UBND huyện Long Thành

36.Hoàng Thanh Ngọc: sinh năm 1934, Ủy viên Thường vụ Tỉnh Đoàn

37.Nguyễn Văn Hòa: sinh năm 1920, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

38.Lê Thị Thanh: sinh năm 1930, bác sĩ, Phó Ty Y tế tỉnh

39.Nguyễn Quyết Chiến: sinh năm 1942, Huyện đội phó huyện Long Thành

40.Phan Thị Chi: sinh năm 1926, Ủy viên Thường vụ BCH Hội phụ nữ tỉnh

41.Trần Thị Nguyệt: sinh năm 1926, cán bộ thương nghiệp huyện Long Thành

42.Nguyễn Thị Tám: sinh năm 1951, Bí thư Chi đoàn xã Phước Tân 

 

* Đơn vị bầu cử số 7 - huyện Long Thành:

43.Huỳnh Thị Phượng: sinh năm 1935, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Cao su Đồng Nai

44.Lê Tư Huyền: sinh năm 1931, Tổng biên tập Báo Đồng Nai

45.Nguyễn Thanh Minh: sinh năm 1935, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành

46.Phạm Văn Gắt: sinh năm 1956, cán bộ ngân hàng xã Phú Hữu

47.Phan Thị Lan: sinh năm 1937, Phó Hội trưởng BCH Hội phụ nữ huyện Long Thành

48.Từ Ngọc Chiếu: sinh năm 1953, Hiệu phó Trường cấp 2 Tân Hiệp, xã Phước Kiểng, Long Thành

 

* Đơn vị bầu cử số 8 - thành phố Biên Hòa:

49.Lê Quang Thành: sinh năm 1924, Thuờng vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn

50.Võ Văn Lượng: sinh năm 1929, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa

51.Lâm Đình Phát: sinh năm 1939, Công nhân XN Cơ khí Nam Hà, thành phố Biên Hòa

52.Trần Duy Huyên: sinh năm 1948, Phó ban điều hành XN ép dầu thành phố Biên Hòa

53.Phạm Thi Minh Châu: sinh năm 1949, Cán bộ Phòng Nông nghiệp thành phố Biên Hòa

54.Phạm Thị Hồng Cúc: sinh năm 1951, giáo viên Trường cấp II Trần Hưng Đạo, tp. Biên Hòa

55.Võ Tá Truyền: sinh năm 1950, Quản đốc phân xưởng XN tinh bột Đồng Nai

56.Khúc Cương: sinh năm 1921, Phó Ty Thủy lợi tỉnh

57.Đinh Thị Năm: sinh năm 1949, công nhân XN đá Minh Yến, Biên Hòa

 

* Đơn vị bầu cử số 9 - thành phố Biên Hòa:

58.Nguyễn Văn Trung: sinh năm 1930, Chủ tịch UBND tỉnh

59.Nguyễn Văn Thảo: sinh năm 1943, Trưởng Phòng Giáo dục thành phố Biên Hòa

60.Phan Văn Mười: sinh năm 1928, cán bộ Nhà máy gỗ Tân Mai, thành phố Biên Hòa

61.Nguyễn Văn Lan: sinh năm 1925, Phó Thư ký công đoàn Nhà máy Vikino

62.Nguyễn Hảo Đức: sinh năm 1931, Giám đốc NM cơ khí Biên Hòa

63.Võ Văn Ấn: sinh năm 1926, Phó Bí thư Thành ủy Biên Hòa

64.Lê Tấn Chiến: sinh năm 1947, Kỹ sư Công ty Khoan cấp nước Đồng Nai

65.Phan Thập: sinh năm 1932, Trưởng Phòng Giao thông vận tải Biên Hòa

66.Trần Thị Lưu: sinh năm 1952, Phó Thư ký công đoàn XN Dona

67.Nguyễn Thị Cẩm Y: sinh năm 1935, Phó Phòng Thương nghiệp tp. Biên Hòa

 

* Đơn vị bầu cử số 10 - huyện Thống Nhất:

68.Hà Đình Bảo: sinh năm 1930, Phó Bí thư Đảng ủy Dân - chính - Đảng

69.Nguyễn Thị Chính: sinh năm 1955, Tổ trưởng sản xuất XN Dệt quốc doanh Thống Nhất

70.Hồ Văn Được: sinh năm 1930, Trưởng Phòng Ty Lao động Đồng Nai

71.Vũ Khánh: sinh năm 1924, Trưởng Ty Thông tin văn hóa Đồng Nai

72.Phạm Văn Lệ: sinh năm 1955, công nhân chăn nuôi trại heo Phú Sơn

73.Nguyễn Thị Sương: sinh năm 1945, Ủy viên Thường vụ BCH Hội Nông dân tỉnh

74.Phạm Văn Tái: sinh năm 1932, Phó Ty Xây dựng, Giám đốc Công ty Khoan cấp nước Đồng Nai

75.Nguyễn Thị Thược: sinh năm 1935, làm nghề đan lát xã Hố Nai, Thống Nhất

76.Phan Cao Tường: sinh năm 1930, Trưởng Ty Tài chính tỉnh

 

* Đơn vị bầu cử số 11 - huyện Thống Nhất:

77.Nguyễn Văn Cược: sinh năm 1929, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp công đoàn tỉnh

78.Huỳnh Ngọc Đấu: sinh năm 1923, Thượng tá Tỉnh đội trưởng

79.Nguyễn Minh Đức: sinh năm 1933, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất

80.Hồ Sĩ Hành: sinh năm 1924, Ủy viên UBND tỉnh

81.Lê Thị Minh Nguyệt: sinh năm 1928, Phó hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

82.Phan Văn Quế: sinh năm 1932, Phó Ty Lương thực tỉnh

83.Giường Phú Sinh: sinh năm 1928, sản xuất nông nghiệp 

* Đơn vị bầu cử số 12 - huyện Xuân Lộc:

84.Huỳnh Văn Bình: sinh năm 1935, Phó Ty Nông nghiệp

85.Lâm Văn Giác: sinh năm 1935, Trưởng Phòng Lâm nghiệp huyện Xuân Lộc

86.Hồ Văn Giang: sinh năm 1946, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc

87.Hồ Văn Hậu: sinh năm 1925, Phó Giám đốc Nông trường Thọ Vực - Xuân Lộc

88.Võ Văn Hoành: sinh năm 1933, Thiếu tá, Tham mưu phó Tỉnh đội

89.Bùi Văn Khánh: sinh năm 1935, cán bộ đội thi công huyện Xuân Lộc

90.Sang Văn Mão: sinh năm 1939, cán bộ Ban Dân vận, Ủy viên UBMTTQ tỉnh

91.Nguyễn Hoàng Vân: sinh năm 1925, Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng Ty Công an tỉnh

92.Nguyễn Long Vân: sinh năm 1931, bác sĩ phụ trách Phòng Y tế huyện Xuân Lộc

93.Đoàn Văn Yên: sinh năm 1918, cán bộ điều hành đồn điền cao su Xuân Tân, Xuân Lộc

 

* Đơn vị bầu cử số 13 - huyện Xuân Lộc:

94.Lâm Văn Hùng: sinh năm 1934, Chủ tịch UBMTTQ huyện Xuân Lộc

95.Lê Sắc Nghi: sinh năm 1924, Giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai

96.Lê Đình Nghiệp: sinh năm 1932, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

97.Hà Thị Nhân: sinh năm 1953, Tổ trưởng cạo mủ đồn điền cao su Xuân Lộc

98.Võ Thị Kim Thanh: sinh năm 1936, sản xuất nông nghiệp

99.Nguyễn Thị Thiên: sinh năm 1956, công nhân NM cao su An Lộc, huyện Xuân Lộc

100.Nguyễn Việt Trân: sinh năm 1932, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp công đoàn tỉnh Đồng Nai

101.Lê Mỹ Tư: sinh năm 1935, sản xuất nông nghiệp

 

* Đơn vị bầu cử số 14 - huyện Vĩnh Cửu:

102.Lê Dân: sinh năm 1916, Ủy viên UBND tỉnh

103.Nguyễn Văn Phô: sinh năm 1907, sản xuất nông nghiệp

104.Võ Thị Sáu: sinh năm 1954, Bí thư Chi đoàn xã Đại An

 

* Đơn vị bầu cử số 15 - huyện Tân Phú:

105.Ngô Văn Ba: sinh năm 1930, Tổ trưởng khai thác lâm nghiệp Lâm trường La Ngà, Tân Phú

106.Phạm Văn Canh: sinh năm 1939, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm HTX xã Phú Điền, Tân Phú

107.Trương Đình Cầm: sinh năm 1941, giáo viên Trường Bổ túc văn hóa Tân Phú

108.Huỳnh Tấn Chiến: sinh năm 1928, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú

109.Võ Tấn Điệu: sinh năm 1934, Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Phú Lộc, Tân Phú

110.Trương Văn Kỷ: sinh năm 1918, Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh

111.Đinh Văn Lăng: sinh năm 1928, Ủy viên BCH Nông hội huyện Tân Phú

112.Nguyễn Thị Nhàn: sinh năm 1929, Phó Giám đốc Nông trường Cao su Túc Trưng, Tân Phú

113.Võ Văn Vân: sinh năm 1922, Thư ký BCH Nông hội tỉnh Đồng Nai

114.Võ Tấn Vịnh: sinh năm 1935, Bí thư Huyện ủy Tân Phú

 

III- Một số biến động đại biểu.

     Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 ngày 29/12/1978 Quyết định chuyển huyện Duyên Hải tỉnh Đồng Nai về thành phố Hồ Chí Minh; kỳ họp thứ 5 ngày 30/05/1979 Quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Như vậy, đến cuối năm 1979 đã có 12 đại biểu HĐND tỉnh chuyển về đơn vị hành chính mới:

     - Các đại biểu: Lê Tấn Trí, Nguyễn Văn Đại, Lê Văn Hương (đơn vị bầu cử số 4) chuyển về thành phố Hồ Chí Minh.

     - Các đại biểu: Nguyễn Thị Lan, Lê Tấn, Nguyễn Văn Đường, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Tấn Được, Nguyễn Thanh Khiết, Lê Hồng Giang, Nguyễn Trọng Vỹ (đơn vị bầu cử số 5) và Lê Quang Thành (đơn vị bầu cử số 8) chuyển về Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

 

IV- Về các chức vụ trong Hội đồng nhân dân:

     Điều 28 Luật quy định: "Tùy theo nhu cầu công tác Hội đồng nhân dân có thể thành lập các Ban của Hội đồng nhân dân".

Như vậy, HĐND thời kỳ này chỉ có các ban chuyên môn giúp HĐND làm nhiệm vụ nắm bắt ý kiến nguyện vọng của nhân dân, góp ý với HĐND trong việc xây dựng và thực hiện những chủ trương công tác ở địa phương. Hội nghị HĐND do UBND cùng cấp triệu tập; việc điều hành các kỳ họp HĐND là do Đoàn Chủ tịch kỳ họp chịu trách nhiệm. 

     Căn cứ điều 28 của luật nói trên, Hội đồng nhân dân  tỉnh khóa I đã cử ra các Ban của Hội đồng nhân dân.

     - Ban Văn hóa xã hội và đời sống

     - Ban Kế hoạch và và ngân sách

     - Ban Kinh tế, cải tạo

     - Ban Nội chính và Thường trực của Hội đồng nhân dân

 

B. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

     Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân  và Ủy ban hành chính các cấp ban hành năm 1962 quy định:

     - Điều 51: "Trong kỳ họp đầu tiên, Hội đồng nhân dân  bầu ta Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký và các Ủy viên khác của Ủy ban hành chính. Thành viên Ủy ban hành chính phải là đại biểu Hội đồng nhân dân ".

     - Điều 53: "Ủy viên thư ký lãnh đạo Văn phòng của Ủy ban hành chính, giải quyết công việc hàng ngày của Ủy ban hành chính dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký hợp thành bộ phận Thường trực của Ủy ban hành chính."

     Căn cứ các quy định đã trích dẫn, tại kỳ họp đầu tiên, Hội đồng nhân dân  tỉnh khóa I đã bầu ra Ủy ban hành chính tỉnh khóa I gồm các vị:

 

I- Các chức danh UBND tỉnh do HĐND khóa I bầu ra.

1- Thường trực Ủy ban nhân dân

     - Chủ tịch:               Ông Nguyễn Văn Trung

     - Các Phó Chủ tịch:  Ông Nguyễn Văn Hòa

                                   Ông Hoàng Vĩnh Phú

                                   Ông Hồ Sĩ Hành

                                   Ông Lê Đình Nghiệp

     - Ủy viên thư ký:      Ông Nguyễn Thuận

2- Các Ủy viên khác:     

                                   Bà Lê Thị Thường

                                   Ông Lê Tấn

                                   Ông Võ Văn Ấn

                                   Ông Phan Cao Tường

                                   Ông Huỳnh Ngọc Đấu

                                   Ông Nguyễn Hoàng Vân

                                   Ông Nguyễn Việt Trân

                                   Ông Trương Văn Kỷ

                                   Ông Võ Tấn Vịnh

                                   Bà Lê Thị Thường

     Đến kỳ họp thứ 7 ngày 06/08/1980 bầu bổ sung ông Phạm Văn Nà và ông Phan Cao Tường làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Trần Văn Quyến làm Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

II/- Bộ máy chuyên môn giúp việc của HĐND và UBND tỉnh khóa I

     Bộ máy chuyên môn giúp việc của HĐND và UBND tỉnh  khoá I có một số thay đổi so với những năm đầu mới thành lập tỉnh,. Ngoài 36 Ty , ban , ngành được thành lập cuối năm 1976, Nhà nước tiếp tục thành lập một số tổ chức khác, gồm: ngành Thống kê, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trường Trung học văn hóa nghệ thuật, Nhà máy không quân A42, Công ty Cao su Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh Đồng nai;  sát nhập các huyện Xuân Lộc, Công ty Cao su Đồng Nai, Thống Nhất và thị xã Long Khánh thành huyện Xuân Lộc mới.

 

C-  TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH

     Điều 14 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính quy định: "Hội đồng nhân dân  các cấp bầu ra Ủy ban hành chính và Tòa án nhân dân cấp mình và có quyền bãi miễn những thành viên của các cơ quan ấy".

     Theo quy định ấy, kỳ họp đầu tiên Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I đã bầu ra Tòa án nhân dân tỉnh gồm 7 vị:

     - Chánh án:                Ông Nguyễn Hoàng Sâm

     - Các Phó Chánh án:   Ông Trịnh Đình Thể

                                      Ông Đỗ Quyết Thắng

     - Các UV Thẩm phán:  Ông Nguyễn Thanh Trứ

                                      Ông Bùi Tố Khang

     - Các Thẩm phán:       Ông Nguyễn Văn Chín

                                      Bà Huỳnh Thị Liên

D- HOẠT ĐỘNG TRONG NHIỆM KỲ I:

1- Hội đồng nhân dân tỉnh Quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.

     Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I tổ chức được 8 kỳ họp, ban hành được 12 Nghị quyết:

* Kỳ họp thứ nhất (từ ngày 29/06 đến ngày 01/07/1977):

     - Xác nhận tư cách đại biểu của 114 vị đại biểu HĐND tỉnh và cho ông Huỳnh Minh Lý rút khỏi danh sách đại biểu.

     - Thông qua báo cáo công tác năm 1976, phương hướng nhiệm vụ năm 1977-1978 và chỉ tiêu kế hoạch năm 1977.

     - Thông qua nội qui hoạt động của HĐND và của đai biểu HĐND trong nhiệm kỳ.

 

* Kỳ họp thứ hai (ngày 31/03/1978):

     - Thông qua nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1978

     - Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 1977

     - Phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1978 

* Kỳ họp thứ ba (ngày 27/07/1978):

     - Quyết định bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm 1978.

     - Quyết định tiếp tục thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 159/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

* Kỳ họp thứ tư (ngày 03/02/1979):

     - Xét duyệt dự toán ngân sách tỉnh năm 1979

 

     Các kỳ họp thứ năm, thứ sáu không ban hành Nghị quyết.

* Kỳ họp thứ bảy (từ ngày 05-06/08/1980):

     - Thông qua báo cáo công tác 6 tháng cuối năm 1980

 

* Kỳ họp thứ tám (từ ngày 19-21/02/1981):

     - Thông qua nhiệm vụ kế hoạch nhà nước năm 1981

     - Xét duyệt dự toán ngân sách tỉnh năm 1981

 

2-  Kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND và thành quả đạt được trong nhiệm kỳ:

     - Tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh như: thực hiện chính sách hậu phương quân đội; xác nhận và giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ; sưu tầm và qui tụ hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang liêt sĩ; thực hiện cứu tế xã hội, nhất là hiện tượng thiếu, đói ở một số nơi; ổn định cuộc sống cho vùng kinh tế mới; tiếp tục và đẩy mạnh công cuộc cải tạo XHCN trên các lĩnh vực; tổng kết thi đua khen thưởng cho lực lượng vũ trang và các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tổ chức đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho một số đơn vị dân quân du kích các xã.

     - Tập trung khôi phục và phát trển kinh tế, ổn dịnh đời sống nhân dân: phát triển  sản xuất nông nghiêp, trong đó sản xuất lương thực được coi là nhiệm vụ hàng đầu để cân đối lương thực và ổn định đời sống. Bằng các biện pháp: mở rộng diện tích, khai hoang, phục hóa, tăng vụ, thâm canh, đầu tư cho thủy lợi, nhân rộng giống mới, phát triển trồng màu cùng với lương thực... đã làm cho diện tích và sản lượng hàng năm tăng lên, từng bước giải quyết được căng thẳng về lương thực. Sau khi có Nghị quyết 6 của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Chính phủ về giá cả, quan hệ hợp đồng ... đã kích thích nông dân tích cực sản xuất và đem lại hiệu quả; sau 4 năm diện tích tăng thêm 60.000ha; hệ số sử dụng đất từ 1,4 lần lên 1,7 lần; năng suất bình quân đạt 23tạ/ha, sản lượng qui thóc năm 1980 đạt 340.000 tấn (vượt 70% so với năm 1976), lương thực bình quân đầu người đạt 250kg (năm 1976 đạt 175kg); ngoài sản xuất lương thực, cây cao su, cây công nghiệp ngắn ngày cũng được mở rộng và phát triển về diện tích và sản lượng. Đã hình thành 7 lâm trường quốc doanh, quản lý gần 360.000ha rừng; vừa khai thác, vừa trồng mới được 12.000ha. Xây dựng lực lượng quốc doanh đánh bắt hải sản, cùng với lực lượng tư nhân đẩy mạnh đánh bắt phục vụ đời sống trong tỉnh và làm nghĩa vụ một phần do cấp trên giao. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, ngành công nghiệp địa phuơng đã từng bước phân bổ lại trên địa bàn huyện, để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề cá, nghề rừng, giao thông vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng; công nghiệp của tỉnh chú trọng phát triển về cơ điện, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, chế biến cao su, chế biến thực phẩm; khuyến khích tiểu thủ công nghiệp, nhất là sản xuất gốm dân dụng, gốm mỹ nghệ, đan lát xuất khẩu. Tốc độ phát triển công nghiệp địa phương tăng trung bình hàng năm 48,8%. Sau khi có các Quyết định 25/C, 26/CP, 64/CP của Hội đồng Chính phủ, các xí nghiệp đã có phương hướng hoạt động mới, số xí nghiệp hoàn thành kế hoạch hàng năm đều cao hơn năm trước. Xây dựng cơ bản được ưu tiên đầu tư để phục vụ sản xuất, đời sống và phúc lợi công cộng; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 4 năm đạt 103 triệu đồng là số tiền lớn so với ngân sách tỉnh thời điểm đó. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng lên và mở rộng dần đến các ngành kinh tế và các huyện; cung ứng vật tư kỹ thuật và tiêu dùng được chú ý đưa xuống địa bàn huyện để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, cung cấp các mặt hàng định lượng theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công nhân viên chức và bộ đội được đảm bảo và ổn định. Thu ngân sách hàng năm có tăng, nhưng chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế, nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu chi, thu chi tiền mặt hàng năm đều mất cân đối. Quĩ tín dụng trong 5 năm huy động khoảng 1,4 tỷ đồng, đủ đáp ứng nhu cầu vay của các ngành kinh tế then chốt.

     - Thành tựu nỗi bật về giáo dục trong 4 năm là đã mở trường và đón nhận 300.000 học sinh các cấp đi học, bình quân cứ 4 người dân có 1 người đi học; đã có 7.000 học sinh tốt nghiệp lớp 12, 47.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9; đào tạo, bồi dưỡng gần 3.000 giáo viên các cấp; xây dựng mới 1.000 phòng học (trong đó dân đóng góp xây dựng 671 phòng) ; cả tỉnh có 125 trường mẫu giáo, 202 trường phổ thông cơ sở, 16 trường phổ thông trung học, 3 trường sư phạm, 8 trường bổ túc văn hóa tập trung, 100 trường bổ túc văn hóa ở phường, xã. Mạng lưới y tế được xây dựng từ tỉnh  xuống cơ sở; tăng số giường bệnh điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh và khu vực; đẩy mạnh công tác phòng bệnh và sản xuất dược liệu. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao bước đầu phát triển.

     - Tổ chức lực lượng chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc: từ năm 1978, Đồng Nai trở thành hậu phương trực tiếp của cuộc chiến đấu chống chiến tranh xâm lược ở biên giới  Tây Nam Tổ quốc do quân Khơme đỏ phát động. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 23/05/1978, Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Đồng Nai và Sông Bé đã họp liên tịch để thống nhất nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới giữa tỉnh Sông Bé và tỉnh Krachiê (Campuchia). Tỉnh Đồng Nai đã lập Bộ Chỉ huy quân sự thống nhất ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đầu tháng 06/1978 thành lập Tiểu đoàn Đồng Nai 1 và xuất quân, được phối thuộc vào Trung đoàn 4 bảo vệ hướng Tây Bắc huyện Bù Đốp. Đến tháng 08/1978 thành lập tiếp các tiểu đoàn Đồng Nai 2, 3, 4 để bổ sung lực lượng chiến đấu ở Sông Bé. Tháng 10/1978, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập “Công trường 15” gồm 4 đại đội thanh niên xung phong xây dựng thành công tuyến phòng thủ biên giới dài 15km ở Sông Bé (hoàn thành đầu năm 1979), giữ vững biên cương của Tổ quốc.

     Hoạt động của HĐND và UBND tỉnh khóa I diễn ra trong lúc vừa khôi phục để phát triển kinh tế xã hội sau chiến tranh, vừa tổ chức tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nhiệm vụ tuy rất nặng nề, nhưng đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quân dân trong tỉnh, hoàn thành kế hoạch đã đề ra; tạo được cơ sở bước đầu quan trọng và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cần thiết để khắc phục thiếu sót, tạo bước tiến cho những năm tiếp theo.

 Theo Kỷ yếu Chính quyền nhân dân tỉnh Đồng Nai 1945-2004

CQND 03.JPG