Kết quả giám sát cho thấy năm 2011, lượng án thụ lý các loại và giải quyết của toàn ngành Tòa án tăng cao so với cùng kỳ năm 2010; ngành Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thụ lý 13.316 vụ án các loại; đã giải quyết 12.592 vụ, đạt tỷ lệ 94,56% (cấp tỉnh đạt tỷ lệ 88,96%; cấp huyện đạt tỷ lệ 95,33%). So với cùng kỳ năm 2010, thụ lý tăng 1.928 vụ và giải quyết tăng 2.274 vụ (năm 2010 thụ lý 11.388 vụ, giải quyết 10.318 vụ). Số án tồn quá hạn luật định của toàn ngành là 52 vụ, so với cùng kỳ năm 2010 giảm 96 vụ.
Trong 5 loại án có 04 loại tăng (án Hình sự, Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Lao động và Kinh doanh thương mại), riêng án hành chính giảm. Án có số lượng lớn nhất là hôn nhân và gia đình với 5.683 vụ, việc đã thụ lý; tiếp đó là án dân sự với 3.762 vụ, việc; án hình sự với 2.886 vụ/5237 bị cáo; Án kinh doanh thương mại với 564 vụ; án lao động với 339 vụ và sau cùng là án hành chính với 82 vụ. Án có tỷ lệ giải quyết đạt cao nhất là án lao động với tỷ lệ 99,1%, tiếp theo là án hôn nhân và gia đình đạt tỷ lệ 97,4%, án hình sự đạt tỷ lệ 97%, án kinh doanh thương mại đạt 93%, án hành chính đạt 91% và án giải quyết đạt tỷ lệ thấp nhất án dân sự đạt 88,41%.
Trong năm 2011, toàn ngành đã ra quyết định thi hành án hình sự đối với 3.541 trường hợp, đạt 100% (gồm 2849 trường hợp thi hành án phạt tù và 614 trường hợp không phải là hình phạt tù); xét giảm án cho 2.063 trường hợp, việc xét giảm án bảo đảm đúng điều kiện và quy định của pháp luật; nhận 353 đơn khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 344 đơn, không có đơn để quá hạn luật định và thực hiện đúng theo nội quy tiếp công dân. Ban lãnh đạo Toà án hai cấp tỉnh và huyện đã phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc các cấp, tham mưu cho HĐND bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 theo đúng tiêu chuẩn, cơ cấu và số lượng. Đoàn Hội thẩm tòa án nhân dân tỉnh và huyện đã thực hiện tốt quy chế về tổ chức và hoạt động, thường xuyên phối hợp với Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân, nhất là trong việc kiểm điểm các vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.
Qua những kết quả hoạt động của ngành TAND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thống nhất đánh giá: Mặc dù số lượng án năm 2011 tăng cao nhưng tập thể cán bộ, công chức ngành Tòa án có nhiều nỗ lực, phấn đấu. Trung bình lượng án mỗi Thẩm phán phải đảm nhiệm cao so với quy định của ngành (10 vụ so với quy định từ 4 đến 6 vụ/Thẩm phán/tháng) nhưng ngành Tòa án đã có sự chủ động ngay từ đầu năm; tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 để tập trung giải quyết án do đó các loại án cơ bản đều được giải quyết theo đúng trình tự thủ tục tố tụng, xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, giải quyết được một lượng lớn các loại án; lượng án tồn đọng và quá hạn giảm; việc xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có án xử oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm. Tổ chức tốt các phiên tòa về hình thức và nội dung đúng theo tinh thần của Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, đạt hiệu quả và chất lượng.
Công tác thi hành án hình sự đã được các Tòa án quan tâm thực hiện đúng quy định. Tình trạng ban hành quyết định thi hành án chậm đã được khắc phục; 100% bản án, quyết định có hiệu lực được đưa ra để thi hành đúng luật định. Việc cấp sổ và thực hiện công tác theo dõi đối với người bị kết án tù cho hưởng án treo và người bị phạt cải tạo không giam giữ được chú trọng. Tòa án nhân dân tỉnh có sự quan tâm, phối hợp đảm bảo hoạt động của TAND cấp huyện thông qua việc tổ chức các đợt kiểm tra về công tác chuyên môn; sau kiểm tra có văn bản kết luận cụ thể từng nội dung đã kiểm tra để TAND cấp huyện tổ chức triển khai kết luận của Chánh án tỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong công tác chuyên môn của ngành. Chú trọng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chất lượng hoạt động của Hội thẩm nhân dân trong nhiệm kỳ.
Công tác phối hợp với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát được quan tâm thông qua việc xây dựng Quy chế phối hợp và triển khai thực hiện từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, góp phần vào việc ổn định tình hình đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Về những hạn chế trong hoạt động của ngành TAND, Ban Pháp chế đánh giá, kết quả giải quyết một số loại án ở một số đơn vị không đạt chỉ tiêu của ngành; số án quá hạn luật định vẫn chưa được khắc phục; công tác gửi thông báo thụ lý vụ án sơ thẩm, gửi các bản án, quyết định đến VKSND tỉnh để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án còn vi phạm quy định. Trong năm 2011, VKSND tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị nhưng vẫn chưa được khắc phục. Một số Thẩm phán năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, khi gặp những vụ án phức tạp không lường hết các tình huống, việc thu thập chứng cứ không đầy đủ, chặt chẽ, vì vậy dẫn đến những sai sót mà cấp phúc thẩm, giám đốc phải huỷ hoặc sửa án.
Từ những kết quả làm rõ sau giám sát, Ban Pháp chế đã có những kiến nghị đối với UBND tỉnh trong việc hỗ trợ đối với hoạt động của các cơ quan Tư pháp; chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp có sự phối hợp chặt chẽ với TAND cùng cấp trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đặc biệt trong việc tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Đối với TAND tỉnh, Ban Pháp chế kiến nghị TAND tổng hợp những thông tin trong quá trình xét xử và giải quyết các vụ, việc tại TAND đặc biệt trong việc giải quyết các tranh chấp đất đai, để có kiến nghị với UBND tỉnh khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước nhằm góp phần hạn chế tình trạng án tăng đột biến như trong thời gian vừa qua; rút kinh nghiệm và chấn chỉnh tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm; phân công nhiệm vụ Thẩm phán theo hướng đảm bảo chuyên sâu theo lĩnh vực; đảm bảo sự tham gia phiên tòa của tất cả các Hội thẩm; tránh tình trạng tập trung nhiệm vụ vào một số Hội thẩm TAND và xem xét, quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại đối với người đang chấp hành hình phạt tù, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.