|
Ban VHXH HĐND tỉnh giám sát về dạy nghề và giải quyết việc làm tại trường Cao Đẳng nghề số 8 |
Thực hiện kế hoạch phối hợp giám sát số 619KH/VH-GD-TTN ngày 09/12/2009 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh trong 3 năm 2006, 2007 và 2008. Ban VH-XH HĐND tỉnh Đồng Nai đã thành lập Đoàn giám sát nội dung này trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, hiện có 27 khu công nghiệp đang hoạt động với số lao động khoảng 400.000 người. Do vậy, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm. Đến 1/6/2009, toàn tỉnh có 67 cơ sở dạy nghề (công lập có 25 đơn vị, ngoài công lập có 42 đơn vị; trong 25 cơ sở dạy nghề công lập có 08 trường thuộc trung ương, 17 cơ sở thuộc địa phương). Riêng trong 3 năm 2006 - 2008, có 18 cơ sở dạy nghề thành lập mới. Ngoài ra, mỗi địa phương cấp huyện đều có trung tâm dạy nghề. Với mạng lưới cơ sở dạy nghề này, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi.
Trong 3 năm qua (2006-2008), toàn tỉnh có 166.582 học viên được tuyển mới vào các cơ sở dạy nghề (dài hạn: 32.916 người, ngắn hạn: 133.666 người). Kết quả có 139.746 học viên tốt nghiệp (dài hạn 20.580 người, ngắn hạn 119.116 người). Cơ sở dạy nghề ngoài công lập chủ yếu thành lập tại các khu vực đô thị, các khu công nghiệp, đào tạo khoảng 30% số lao động được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông và tự đào tạo bằng hình thức phổ biến là kèm cặp tại xưởng, số này chiếm khoảng 30%. Vì vậy, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trên địa bàn tăng từ 34% năm 2006 lên 37,68% năm 2008.
Số học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề trên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu thị trường lao động của địa phương. Đến nay, thông qua các chủ trương, chính sách, chế độ của trung ương và địa phương đối với công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, số lượng và chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt. Số sinh viên, học sinh có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khoảng 80%, đặc biệt là đối với các nghề thuộc lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, điện công nghiệp, số sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay rất cao.
Xác định vai trò và vị trí quan trọng của đào tạo nghề đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nhà nước đã thông qua nhiều bộ luật quan trọng như: Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề…Qua đó, cho thấy tâm lý chung của học sinh phổ thông khu vực thành thị vẫn còn chọn hướng đi vào Đại học, nhưng phần lớn lực lượng lao động thanh niên nông thôn mong muốn tham gia học nghề để tìm việc làm ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hoá dạy nghề được đẩy mạnh, thu hút nhiều lực lượng trong xã hội cùng tham gia, vì thế, mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Chính những chủ trương, chính sách cụ thể trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lựa chọn nghề và địa chỉ học nghề, nhất là đối tượng khó khăn về kinh tế, ở vùng xa, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ...
Đồng Nai với chủ trương xã hội hóa các hoạt động dạy nghề được nhân dân tích cực hưởng ứng, có tới 41 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Số cơ sở dạy nghề dân lập, tư thục phát triển về số lượng và từng bước nâng chất lượng đào tạo, đã góp phần cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài các chế độ, chính sách của trung ương, các chế độ hỗ trợ về học nghề của địa phương dành cho thanh niên thuộc đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nông thôn, đối tượng tái định cư…đã giúp cho các đối tượng này có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thực hiện chương trình 1 của đề án Phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 51/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của HĐND tỉnh, đội ngũ CBQL và giáo viên dạy nghề được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật phương pháp sư phạm và từng bước tiếp cận với khoa học, công nghệ của khu vực ASEAN và thế giới. Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở dạy nghề của trung ương như Trường Cao đẳng Nghề miền Đông Nam bộ, Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2…đã góp phần rất lớn vào kết quả dạy nghề cho thanh niên trên địa bàn. Các tổ chức quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS HCM.v.v…cũng đã tích cực tham gia chương trình giải quyết việc làm cho người lao động. Các ngành chức năng, các đơn vị dịch vụ trên địa bàn đã tích cực thực hiện nhiệm vụ giới thiệu, cung ứng lao động cho thị trường lao động (như đã tổ chức Ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm được 16 lần .v.v…). Công tác giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động. Hiện nay lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 50% trong tổng số lao động.
Tuy nhiên, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn có những hạn chế là chương trình khung theo danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề do Bộ LĐ-TB&XH ban hành tại Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/6/2008 chưa đầy đủ so với yêu cầu thực tiễn về ngành nghề, kỹ năng nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (nghề cơ điện tử, vệ sĩ… chưa được phép đào tạo trình độ cao đẳng). Hiện Đồng Nai đã và đang cập nhật, bổ sung, điều chỉnh từ 25%- 30% nội dung chương trình dạy nghề theo chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH để phù hợp với thị trường lao động, nhưng nhìn chung chương trình, giáo trình đang sử dụng giảng dạy vẫn chưa theo kịp với kỹ thuật công nghệ, thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Khó khăn lớn nhất mà các cơ sở dạy nghề công lập gặp phải là thiếu kinh phí đào tạo. Do nguồn kinh phí ngân sách thấp, nguồn thu học phí theo Quyết định số 70/2008/QĐ.TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ đã lạc hậu (học phí không quá 120.000 đồng/tháng/nghề hệ trung cấp và 140.000 đồng/tháng/nghề hệ cao đẳng). Do thu không bù chi, nên một số cơ sở dạy nghề thiếu kinh phí để ưu đãi, thu hút đào tạo cho các ngành nghề xã hội đang cần. Các chế độ hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí để học nghề cho đối tượng thanh niên diện chính sách còn thấp, chưa phù hợp tình hình kinh tế hiện nay; Phần lớn các đơn vị dạy nghề hiện nay đang phát triển nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên...chưa đáp ứng được yêu cầu lao động của doanh nghiệp kể cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, theo đánh giá của các doanh nghiệp, năm 2006, lao động qua đào tạo nghề chỉ đáp ứng được khoảng 60% yêu cầu về kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp, cá biệt có nghề như cơ khí chính xác, điện tử chỉ đáp ứng được 30%; Chưa có cơ chế phối hợp đào tạo giữa đơn vị đào tạo nghề và các doanh nghiệp, nên việc đưa học viên đi thực tập tại các doanh nghiệp còn khó khăn; Công tác dạy nghề để chuyển đổi nghề cho số lao động nông thôn không còn đất sản xuất do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa triển khai chậm, kết quả không cao; có sự chênh lệch rất lớn giữa thanh niên nông thôn và thanh niên thành thị về cơ hội học nghề, tìm được việc làm sau khi ra trường; Các văn bản của Bộ và Tổng Cục dạy nghề triển khai về địa phương chưa kịp thời nên còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Về giải quyết việc làm, do cơ cấu lao động trong tỉnh còn mất cân đối, thiếu lao động kỹ thuật và lao động thông qua đào tạo. Lao động thanh niên nông thôn có một bộ phận đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp, nhưng thiếu chỗ ở, phương tiện đi lại khó khăn nên xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động phổ thông. Lao động có tay nghề tiếp tục thiếu, nhất là thợ cơ khí, điện, may mặc, chế biến gỗ; Nguồn vốn vay từ chương trình 120 còn thấp, thờì hạn vay ngắn nên giải quyết việc làm tại chỗ chỉ mới đạt mục tiêu là người lao động có việc làm, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Một số cơ sở dạy nghề thiếu thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, hoặc còn lúng túng trong tổ chức thực hiện liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, do vậy, tỉ lệ học viên được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp thấp. Chất lượng dịch vụ của các đơn vị giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thể hiện đầy đủ vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đối tượng là thanh niên vi phạm pháp luật sau cải tạo trở về địa phương, thanh niên sau cai nghiện ma túy được địa phương quan tâm nhưng chưa đầy đủ, nghĩa là khi đối tượng có nhu cầu học nghề thì được lồng ghép vào chương trình đào tạo nghề nông thôn hoặc được dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội của tỉnh đối với thanh niên sau cai nghiện ma túy, mà chưa có chế độ đặc biệt nào dành cho đối tượng này.
Để chương trình tiếp theo đạt kết quả cao, qua giám sát Ban VHXH kiến nghị: Chính phủ xem xét nâng mức học phí học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề công lập để các cơ sở này có thêm nguồn lực đầu tư, bổ sung trang thiết bị, thu hút giáo viên giỏi, từng bước nâng chất lượng đào tạo. Các bộ, ngành trung ương cần sớm triển khai, hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật của Chính phủ đã ban hành. Trong thời gian qua, một số bộ, ngành hướng dẫn chậm, dẫn đến tình trạng địa phương trông chờ hướng dẫn, trong khi thời gian thực hiện chương trình, mục tiêu có quy định, làm cho địa phương gặp nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả thực hiện hạn chế như chưa có thông tư liên bộ hướng dẫn thực hiện Nghị định 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ nên việc thực hiện điều 16 của Nghị định về chế độ giảm học phí học nghề cho thanh niên học xong trung học cơ sở chưa thực hiện được .v.v…Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề, trong đó có chính sách hỗ trợ thỏa đáng về vốn, thuế, quỹ đất… để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân là một trong những điều kiện thu hút thanh niên nông thôn vào làm việc tại các khu công nghiệp; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên sau cải tạo trở về địa phương, thanh niên sau cai nghiện ma túy vào làm việc; xem xét cho cán bộ quản lý được hưởng phụ cấp ưu đãi như giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề công lập, nhằm động viên các giáo viên giỏi, đạo đức tốt làm công tác quản lý.
Kim Ngọc