Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 23-Tháng 4/2006

Cách mạng trong Giáo dục là cách lựa chọn tốt nhất cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay

Đăng ngày: 11/05/2006
Không riêng gì ở Việt Nam, giáo dục luôn được các nước trên thế giới xem như bài toán cần được giải quyết ngay. Trong xã hội hiện đại, thành bại là do vốn văn hóa, khoa học, công nghệ của con người quyết định, nên giáo dục đương nhiên là mặt trận hàng đầu của mọi quốc gia. Nơi đây những người lãnh đạo cao nhất của đất nước thường phải vào cuộc, Tổng thống Mỹ B.Clinton đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu đến những yếu kém của trường phổ thông ở Mỹ và đề ra chương trình cải cách mười điểm để chuẩn bị hành trang cho nước Mỹ tiến vào nền kinh tế tri thức trong thế kỷ 21.
Việt Nam là nước mới vừa vượt qua 2 cuộc chiến tranh khóc liệt để xây dựng lại thì cần phải có thời gian nhiều hơn trong lộ trình gian nan này. Hiện nay rất khó tìm được một mô hình kiểu mẫu để cứ thế mà sao chép nguyên xi. Ngay đến việc đánh giá chất lượng theo kết quả khảo thí cũng vẫn bộc lộ ra những câu hỏi khó giải đáp. Thái Lan là một trong những quốc gia có nền giáo dục tốt nhất của Châu Á cũng khó tìm ra lời giải cho bài toán giáo dục. Thủ tướng Thái Lan Thaksin đã đích thân trở lại bục giảng, chắc hẳn không phải chỉ để trình diễn tầm quan trọng của việc chấn hưng giáo dục trước bàn dân thiên hạ, mà muốn tự mình vào cuộc, hòng tìm ra giải pháp cho chất lượng thấp kém đang hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Thái Lan. Trong năm 2002, ông Thaksin đã phải ba lần thay bộ trưởng giáo dục, để rồi vị bộ trưởng thứ ba phải lắc đầu mà than “ hình như không có phương thuốc gì hay hơn là khuyến khích học sinh học thuộc lòng và đánh đòn chúng để giữ kỉ luật trong nhà trường ” . Xem ra dạy cho học sinh cách học để làm người thật không đơn giản, đòi hỏi một đội ngũ giáo viên chất lượng cao mà các nước chậm phát triển không dễ gì có được trong ngày một ngày hai.  Theo thống kê bình quân mỗi người Thái Lan đầu tư cho giáo dục gấp tám lần người Việt. Cứ như theo cách nói của ông cha ta “ có thực mới vực được đạo ” thì chất lượng học sinh ta có thấp kém đôi chút so với họ cũng không phải là chuyện đáng hổ thẹn, thậm chí người Việt Nam còn có quyền tự hào về nền giáo dục của mình, nhờ đó đã từng chiến thắng hai đế quốc lớn và đã biết phát triển nhanh nền kinh tế sau khi có công cuộc đổi mới. Trên thực tế hiện nay giáo dục Việt Nam đang lao đao trước quy mô đào tạo mở rộng và tác động tiêu cực của làn sóng thương mại hóa. Chúng ta đang lúng túng trong việc xác định mục tiêu đào tạo ? Căn cứ theo thang chuẩn mực nào để tổ chức giảng dạy và thi cử theo kiểu gì để đạt đến mục tiêu đó? Nỗi lo của chúng ta không phải là chất lượng đào tạo thấp mà bi kịch của chúng ta là thay vì phải đào tạo ra những con người có khả năng làm chủ thiên nhiên, xã hội và bản thân, thì ngược lại một bộ phận khá lớn hiện nay trong các cơ quan quản lý  giáo dục và tổ chức đào tạo đã bị lợi dụng để thương mại hóa, hợp thức hóa các nhãn mác và danh hiệu của con người trong xã hội. Càng lên bậc học cao nhãn mác càng hấp dẫn gây nên nạn lạm phát giáo sư, tiến sĩ. Đại học và trên đại học là nơi hội tụ của giáo dục với khoa học công nghệ. Vì vậy thật là oan nếu đổ tất cả chuyện lạm phát tiến sĩ, giáo sư đó lên đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. Làn sóng thương mại hóa giáo dục hiện nay đang làm xói mòn tính văn hóa của giáo dục mà mục tiêu văn hóa của nhà trường là trên hết, trên cả những mục tiêu sản suất và kinh tế. Nhà trường không thể chỉ dạy cái đẹp trong kho tàng văn hóa của dân tộc và thế giới, cái đẹp bên trong mỗi kiến thức khoa học. Người thầy phải là một hình ảnh văn hóa. Nếu chỉ sa đà vào việc đi bán kiến thức, chạy sô hết trường này đến trường khác ba bốn mươi giờ mỗi tuần, thì món hàng dễ bán nhất là kiến thức chết. Không biết bao nhiêu nhà trường của chúng ta đã bị cuốn theo cơn lốc thương mại hóa đó. Nó càng khơi đậm thêm yếu kém vốn có ở một nước lạc hậu như nước ta là nhồi nhét các kiến thức khô cứng rồi đóng dấu chất lượng cho học sinh. Có người lại dùng dấu chất lượng đó làm “Cây đèn thần” để gõ cửa vào chốn quan trường. Lọt qua cửa rồi, người ta sẽ vứt bỏ cây đèn thần đi.
Hiện nay giáo dục bị lợi dụng và trở thành một sân chơi hết sức lãng phí. Nguyên nhân bao trùm là chúng ta chưa xem trọng và xây dựng được một xã hội nghề nghiệp, trong khi vẫn hô hào xây dựng một xã hội học tập để tiến lên nền kinh tế tri thức. Khi tính chuyên nghiệp chưa được xã hội tôn vinh thì giáo dục sẽ không có chỗ đứng trong xã hội, và nó bị lợi dụng để thương mại hóa là xu hướng khó tránh khỏi? Nhưng trình độ chuyên nghiệp đạt được bằng cách nào? Bằng cả một quá trình tích lũy và kế thừa. Trong quá trình đó tri thức và kinh nghiệm bắt đầu từ nhà trường của mỗi người cứ thăng tiến theo qui luật cấp số nhân. Như vậy, bài toán giáo dục trước hết là bài toán xã hội. Giáo dục không thể chấn hưng nếu không đồng thời quyết tâm làm lành mạnh xã hội, lấy tính chuyên nghiệp làm thước đo giá trị của từng người và đẩy lùi những tệ nạn xã hội. Nếu những tệ nạn đó trở nên quá phổ biến trước con mắt của trẻ em, thì đối với chúng đạo đức chân chính lại trở thành bài học phản diện. Khi mà các bậc cha anh mua bằng bán điểm để chạy chọt vào chốn quan trường thì ai có thể cấm trẻ con nghĩ rằng quay cóp trong lớp là vi phạm đạo đức?
Nói giáo dục là bài toán xã hội không có nghĩa là ngành giáo vô can trước những sa sút hiện nay của nhà trường ở Việt Nam. Bộ giáo dục buông lỏng quản lý chất lượng để cho mặt trái của cơ chế thị trường chi phối, trong khi đó lại nhúng tay quá sâu vào việc thi cử. Cũng như mọi hoạt động sản xuất và dịch vụ khác trong xã hội hiện đại giáo dục cần được xã hội hóathương mại hóa trong khuôn khổ các khung pháp lý về đảm bảo chất lượng . Bộ giáo dục có nhiệm vụ bảo đảm thực thi chính sách giáo dục của Nhà nước, đề ra khung pháp lý cho nhà trường hoạt động, đồng thời phải giám sát quản lý chất lượng giáo dục qua những tổ chức thanh tra chuyên nghiệp. Đánh giá hoạt động của nhà trường phải căn cứ vào hệ thống thanh tra chuyên nghiệp thay vì điểm thi của học sinh được “ chỉ đạo ” từ phía chính quyền như hiện nay. Ở Đồng Nai và một số địa phương khác, việc thi tuyển cũng như xét tuyển sinh viên của Trường đại học dân lập Lạc Hồng ( ĐHDL Lạc Hồng ) phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ đạo của UBND tỉnh và các cấp chính quyền.
Xét về thời gian, những yếu kém trong nền giáo dục của chúng ta đã tồn tại từ lâu, lại có cội rễ sâu xa trong xã hội, nên phải mất ít nhất là một thế hệ ( khoảng trên 20 năm ) mới hòng đổi mới được, nếu chúng ta thật sự nhận ra nguyên nhân và quyết tâm giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc. Trước hết cần phải có thời gian để đẩy lùi các tệ nạn xã hội dường như đang gia tăng rất khó kiểm soát được, thay đổi hẳn cách nhìn nhận về con người và hoàn thiện một xã hội chuyên nghiệp, trong đó tính chuyên nghiệp là thước đo giá trị đích thực của mỗi người, bất kể là nghề gì. Đây là xu thế tất yếu do xu thế phát triển bền vững của đất nước, công nghiệp hóa hiện đại hóa, do hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Đương nhiên, phải có khâu đột phá trong quan điểm từ phía lãnh đạo và sớm thể hiện ra một số chính sách cán bộ cụ thể, nếu không chúng ta sẽ mất thời cơ. Ngay trong Bộ giáo dục cũng cần phải có một vài khâu đột phá. Chẳng hạn, giao việc thi cử tuyển sinh đại học cho các trường để chăm lo xây dựng hệ thống thanh tra chuyên nghiệp về chất lượng giáo dục. Xóa bỏ hoàn toàn việc lấy điểm thi của học sinh làm tiêu chí thi đua của thầy giáo, nhà trường và địa phương. Thứ hai, cũng cần phải có một khoảng thời gian đủ dài như thế mới đào tạo ra một thế hệ giáo viên hoàn toàn mới cho các cấp học từ trên xuống dưới. Có thể nói đó là một đội ngũ thầy giáo biết dạy cách học, cách làm người trong xã hội hiện đại. Đó là thế hệ thầy giáo có tri thức khoa học công nghệ thấm đẫm trong chất văn hóa của dân tộc và nhân loại. Nhiệm vụ này lại phải bắt đầu từ người thầy của những người thầy nghĩa là từ hệ thống đại học và trên đại học. Đến đây ta lại chạm vào mảnh đất khoa học công nghệ (KHCN)  mà bệnh tình của nó thậm chí còn trầm trọng hơn. Dư luận ít bàn tán về KHCN chỉ vì lĩnh vực này ít động chạm đến nhiều tầng lớp xã hội . Như vậy khâu đột phá thứ hai phải là bậc đại học, trên đại học và KHCN.
Một điều nghịch lí và phí phạm khi để hơn 60% giáo sư và phó giáo sư nằm ngoài trường đại học. Hoạt động khoa học và giảng dạy phải theo chuẩn mực quốc tế. Sự nhìn nhận các kết quả nghiên cứu trên những tạp chí quốc tế là thước đo chất lượng nghiên cứu và trình độ của người thầy đại học. Có làm như thế mới chặn đứng được nạn lạm phát học hàm học vị hiện nay. Cố tình chạy theo số lượng và nhãn mác đang là nguy cơ lớn nhất chẳng những làm suy yếu đội ngũ tri thức mà còn vùi lấp những tri thức thực thụ vốn rất ít ỏi ở nước ta. Phải có cách mạng trong giáo dục, một sự lựa chọn duy nhất hiện nay. Không thể gọi đó là cải cách, vì nó đụng chạm đến hệ khái niệm và quan niệm, chứ không chi thay đổi phương pháp dạy, học và thi cử. Nếu thực hiện đòi hỏi phải xáo trộn lại tổ chức giáo dục, khoa học công nghệ, điều mà thỉnh thoảng vẫn có người nhắc đến, nhưng chưa ai dám làm. Không biết tại sao !!
LÊ QUANG KIỆM
LIÊN HIỆP HỘI KHKT TỈNH ĐỒNG NAI