1- Tình hình chung của đất nước sau Cách mạng tháng Tám 1945
Sau khi cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ngày 22/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 63/SL về tổ chức, quyền hạn, cách làïm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp.
Theo sắc lệnh trên:
- Chính quyền ở mỗi địa phương sẽ có 2 cơ quan: thay mặt cho dân là Hội đồng nhân dân do phổ thông đầu phiếu bầu ra, vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ là Ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân bầu ra. Ở 2 cấp xã và tỉnh có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính, ở cấp huyện và cấp kỳ chỉ có Ủy ban hành chính.
- Thời hạn làm việc của Hội đồng nhân dân tỉnh là 2 năm. Nhưng khóa đầu thời hạn làm việc của các Hội đồng nhân dân hàng tỉnh chỉ có 1 năm.
- Hội đồng nhân dân bầu ra Ủy ban hành chính gồm 3 Ủy viên chính thức (1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 1 thư ký) và 2 Ủy viên dự khuyết.
"Sau khi có Sắc lệnh 63/SL, ở Bắc bộ, trong số 227 huyện và thị xã, có 128 huyện và thị xã đã bầu được Ủy ban hành chính chính thức. Ở Trung bộ, trừ các tỉnh trực tiếp kháng chiến, tất cả các tỉnh còn lại đều đã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính chính thức. Ở Nam bộ, do hoàn cảnh chiến tranh bùng nổ sớm, sau một thời gian phân tán, Ủy ban nhân dân lâm thời khắp nơi lần lượt được tập trung và hoạt động trở lại (sau đó đổi thành Ủy ban Kháng chiến lâm thời)"(1) [(1) Trích trong sách Chính phủ Việt Nam 1945-1998 (tư liệu)-trang 30]
2- Chính quyền Cách mạng đầu tiên của tỉnh Biên Hòa
Từ tình hình chung đã nói trên và theo ý kiến các nhân chứng lịch sử thì tỉnh Biên Hòa và tỉnh Thủ Dầu Một không tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lần đầu tiên theo Sắc lệnh 63/SL. Sau này Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh chỉ đạo tổ chức bầu cử được một số Hội đồng nhân dân cấp xã theo Nghị định hướng dẫn số 69/NĐ ngày 06/03/1948 của Bộ Nội vụ. Theo báo cáo của Thanh tra chính trị miền Đông Nam bộ, đến cuối năm 1948 tỉnh Biên Hòa có 22 đơn vị, tỉnh Thủ Dầu Một có 9 đơn vị bầu cử được Hội đồng nhân dân làng, xã.
Ngày 26/08/1945 đã ghi vào cột mốc lịch sử của tỉnh Biên Hòa, ngày ấy nhân dân Biên Hòa đã nổi dậy bao vây cướp chính quyền tại dinh Tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quí bàn giao toàn bộ chính quyền cho Cách mạng vào lúc 11 giờ cùng ngày.
Ngày 27/8/1945, một cuộc mitting trọng thể đã diễn ra tại Quảng trường Sông Phố (ngã 3 đường Cách mạng Tháng 8 và đường 30 tháng 4 ngày nay) với sự tham gia của gần một vạn người khắp nơi trong tỉnh. Trong cuộc mitting chào mừng ngày chính quyền về tay nhân dân, ông Hoàng Minh Châu đã công bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa gồm 5 thành viên (2) [2) Trích trong sách Địa chí Đồng Nai tập I - trang 260]
- Chủ tịch: Ông Hoàng Minh Châu
- Phó Chủ tịch: Ông Huỳnh Văn Hớn (Kiêm Trưởng Ban Tuyên truyền)
- Ủy viên: Ông Nguyễn Văn Long (Phụ trách cảnh sát)
- Ủy viên: Ông Ngô Hà Thành (Phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc)
- Ủy viên: Ông Nguyễn Văn Tàng (Phụ trách quản trị tài sản quốc gia)
Ngày 23/9/1945, hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa tổ chức tại Nhà hội Bình Trước, quận Châu Thành (Nay là nhà số 3 - Đường 30/4 - thành phố Biên Hò) , dưới sự chủ trì của ông Hà Huy Giáp - đại diện Xứ ủy Nam kỳ. Hội nghị đã bầu ra Tỉnh ủy lâm thời gồm 11 người do ông Trần Công Khanh làm Bí thư, ông Hoàng Minh Châu - Phó Bí thư. Đồng thời củng cố Ủy ban nhân dân cách mạng .tỉnh như sau:
- Chủ tịch: Ông Hoàng Minh Châu
- Các Phó Chủ tịch: Ông Đặng Nguyên
Ông Huỳnh Văn Hớn
Ông Phan Đình Công
Ông Ngô Hà Thành (2) [2) Trích trong sách Địa chí Đồng Nai tập I - trang 261]
- Các ủy viên: Ông Nguyễn Văn Long
Ông Nguyễn Văn Tàng
Ngày 06/01/1946, tỉnh Biên Hòa cùng tỉnh Bà Rịa tiến hành cuộc tổng tuyển cứ đầu tiên để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ở Biên Hòa, trừ những vùng địch tạm chiếm, còn lại cử tri các quân Long Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên đã hăng hái tham gia nghĩa vụ bầu cử. Các ông Hoàng Minh Châu, Phạm Văn Búng, Điểu Xiển (người dân tộc Chơ Ro) trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Biên Hòa.
Ngày 02/03/1946 Quốc hội khóa I tiến hành kỳ họp thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Trong tháng 01/1946 các đại biểu Quốc hội tỉnh Biên Hòa lên đường đi dự kỳ họp đầu tiên. Trên đường đi họp Quốc hội, đại biểu Điểu Xiển rơi vào ổ phục kích của địch và hy sinh.
Thay thế Điểu Xiển, ông Hoàng Minh Châu đi họp Quốc hội, ông Nguyễn Văn Tàng được cử làm Quyền Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa.
Cuối tháng 04/1946, Bí thư Khu ủy Khu 7 - Nguyễn Đức Thuận về Biên Hòa chủ trì Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại Cù Lao Vịt (xã Bình Hòa, quân Châu Thành)(3) [(3) Nay là xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu]. Thay mặt khu ủy, ông Nguyễn Đức Thuận đã chỉ định ông Trần Minh Trí làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Huỳnh Văn Lũy làm Phó Bí thư.
Để củng cố bộ máy chính quyền lãnh đạo kháng chiến, Hội nghị trên đã cử:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Ông Nguyễn Văn Tàng
- Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên quân sự: Ông Huỳnh Văn Nghệ
- Phụ trách công an: các ông Phạm Văn Thuận, Nguyễn Văn Ký, Hồ Văn Đại, Hoàng Đình Thương.
Đồng thời, hội nghị này cũng cử ông Trịnh Trọng Tráng làm Phó Chủ tịch Việt Minh, phụ trách công đoàn; ông Phan Văn Khai làm Hội trưởng Hội Nông dân cứu quốc tỉnh (1) [(1) Tư liệu lấy trong Địa chí Đồng Nai tập I - trang 269]
Tháng 07/1947, tại Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh lần thứ II tại Mỹ Lộc (Tân Uyên) đã cử ông Nguyễn Văn Ký làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Huỳnh Văn Lũy làm Phó Bí thư. Đồng thời cử vào bộ máy chính quyền các chức vụ như sau:
- Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, kiêm Ủy viên quân sự: Ông Huỳnh Văn Nghệ
- Quyết định thành lập một số Ty chuyên ngành, gồm:
Trưởng ty Kinh tế tài chính: Ông Trịnh Văn Kính
Trưởng ty Thông tin tuyên truyền: Ông Hoàng Tam Kỳ
Trưởng ty Giáo dục: Ông Hoàng Minh Viễn
Trưởng ty Y tế: Ông Võ Cương (2) [2) Trích trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập I - trang 136, 137]
Ngày 01/10/1947, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 91/SL Quyết định hợp nhất từ cấp tỉnh trở xuống, Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính thành "Ủy ban Kháng chiến kiêm hành chính". Quy định như vậy, nhưng các văn bản của Chính phủ ban hành từ sau ngày 01/10/1947 đều viết là "Ủy ban kháng chiến hành chính".
Đến ngày 19/11/1948 Chủ tịch nước ký sắc lệnh số 254/SL quy định: "Chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban kháng chiến hành chính", từ đó thống nhất tên gọi "Ủy ban kháng chiến hành chính".
Ủy ban Kháng chiến hành chính có 7 Ủy viên: 3 ủy viên chính thức (trong đó 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch), 1 ủy viên quân sự, 3 ủy viên nhân dân (ủy viên nhân dân được tham dự họp, nhưng không biểu quyết).
Đầu năm 1948, tại Hội nghị đại biểu toàn Đảng bộ tỉnh tại Cây Cầy (Chiến khu Đ); ông Phạm Văn Thuận được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ty Công an; ông Huỳnh Văn Lũy làm Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh; ông Huỳnh Văn Nghệ làm Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính.
Ngay sau hội nghị nay, ông Huỳnh Văn Nghệ được đề cử về làm Khu bộ phó Khu 7, ông đề cử ông Lê Minh Thành (tức Tô Văn Của) làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính, kiêm Uỷ viên quân sự.
Đến tháng 6/1948, tỉnh Biên Hoà họp quyết định cử ông Lê Minh Thành (tức Tô Văn Của) làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính , ông Lê Thái làm Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính , ông Lê Văn Lung (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310) làm Uỷ viên quân sự.
Đầu năm 1950, ông Lê Thái được cử nắm quyền Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa thay ông Lê Minh Thành (tức Tô Văn Của) đi học lớp chính trị Trường Chinh trong thời gian 6 tháng. Sau khi học xong, trở về ông tiếp tục làm Chủ tịch, ông Lê Thái làm Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính cho đến ngày thành lập tỉnh Thủ Biên.
3/. Hoạt động của Chính quyền tỉnh Biên Hòa giai đoạn 1945-1951
Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, sau đó là Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung thi hành 6 nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra:
- Xóa bỏ thuế thân, thuế chợ và nhiều loại thuế khác, phân đất cho nông dân; giảm thuế, giảm tô 25%, khuyến khích tăng gia sản xuất, vận động "tuần lễ vàng", "tuần lễ bạc" ủng hộ kiến quốc.
- Tịch thu tài sản của thực dân, lấy lương thực, thuốc men phát cho dân.
- Thả một số tù nhân do Nhật và Pháp giam giữ.
- Tổ chức hội đồng cố vấn tỉnh giúp chính quyền điều hành công việc, động viên tư sản, công chức tham gia xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.
- Mở lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ.
Từ tháng 10/1945, vận động và thực hiện 3 chủ trương lớn do Hội nghị Tỉnh ủy đề ra:
Một là: Xây dựng và kiện toàn chính quyền các cấp.
Hai là: Xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị kháng chiến.
Ba là: Xây dựng Mặt trận Việt Minh các cấp.
Trong quý IV/1945, quân Pháp được quân Anh yểm trợ đã lần lượt đánh chiếm thị xã Biên Hòa và các vùng phụ cận của quận Châu Thành. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tiêu thổ kháng chiến, xây dựng căn cứ kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang như: Trại du kích Bình Đa, căn cứ chiến khu Đ, lập Đội xung phong cảm tử quận Châu Thành, chấn chỉnh lực lượng công an và trấn áp phản cách mạng, lập xưởng quân giới thuộc Ty Công an Biên Hòa.
Các huyện lần lượt mở hội nghị quân, dân, chính, Đảng để bàn biện pháp thực hiện Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai các biện pháp kinh tế trước mắt, xây dựng lực lượng, huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến.
Trước việc tuyên bố tự giải tán của Đảng Cộng sản Đông Dương vào cuối tháng 11/1945, Tỉnh ủy Biên Hòa đã tự giải tán cùng với tổ chức Quốc gia tự vệ cuộc và Cảnh sát tỉnh Biên Hòa. Đây là thời kỳ chính quyền cách mạng tỉnh thiếu sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với cuộc kháng chiến. Các quận đề ra kế hoạch hoạt động tùy theo điều kiện thực tế của mình.
Cuối năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ và khu bộ khu 7, các lực lượng vũ trang được tổ chức lại. Nơi đứng chân của Vệ quốc đoàn Biên Hòa chính thực được xây dựng thành căn cứ kháng chiến của khu 7 (cuối năm 1946 gọi là Chiến khu Đ).
Ngày 02/01/1945, Vệ quốc đoàn Biên Hòa phối hợp cùng lực lượng bộ đội Bình Xuyên và Vệ quốc đoàn các tỉnh Thủ Dầu Một, Gia Định do Khu bộ trưởng Nguyễn Bình chỉ huy tấn công vào thị xã Biên Hòa, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Ngày 06/01/1946 tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Cuối tháng 01/1946 quân Pháp mở rộng đánh chiếm tỉnh Biên Hòa, chúng lần lượt tấn công các quận Tân Uyên, Long Thành, Xuân Lộc. Chính quyền Cách mạng vận động nhân dân thực hiện "vườn không nhà trống" ở một số nơi và tổ chức tấn công địch trên các mặt trận, chống càn và chống khủng bố.
Sau khi thành lập Tỉnh ủy chính thức (tháng 4/1946), củng cố Ủy ban hành chính tỉnh, đã tiến hành đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng từ huyện xuống xã; đẩy mạnh xây dựng các ngành và quân đội, xây dựng Ủy ban hành chính các cấp, xây dựng lực lượng vũ trang tập trung và du kích các xã, củng cố đoàn thể cứu quốc.
Tháng 11/1946, quận Long Thành đổi thành đơn vị hành chính huyện, có Ủy ban kháng chiến hành chính huyện.
Ngày 16/12/1946 Trung ương Đảng gửi điện cho Xứ ủy lâm thời Nam bộ: "Nhiệm vụ của Nam bộ là không để cho Pháp đem tài sản chiếm được ở Nam bộ ra đánh Trung, Bắc". Thực hiện chỉ thị của xứ ủy, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa đã chỉ đạo: xây dựng căn cứ địa vững chắc, đẩy mạnh chiến tranh du kích, kết hợp với phong trào phá hoại cơ sở giao thông, kinh tế địch (1) [(1) Trích trong Địa chí Đồng Nai - Tập 1, trang 272-273]
Ngày 19/12/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành mệnh lệnh chiến đấu cho bộ đội vệ quốc quân và dân quân tự vệ cả nước. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Biên Hòa bước vào trận chiến đấu quyết liệt.
Được Xứ ủy và Khu ủy chỉ đạo, giúp đỡ, Tỉnh ủy đã mở được nhiều lớp học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị và công tác tổ chức cơ sở Đảng, công tác quản lý chính quyền. Cấp ủy Đảng ở các quận, huyện đã lần lượt được thành lập và kiện toàn đầy đủ. Thành lập Tỉnh đội bộ dân quân và các huyện đội bộ dân quân với đội du kích tập trung; mỗi xã thành lập đội du kích xã và tổ chức dân quân.
Thực hiện chủ trương "phá hoại kinh tế địch", nghiệp đoàn cao su Long Khánh được thành lập nhằm biến đồn điền thành chiến trường diệt địch; phong trào "phá đường, chặn bước quân thù" ở Long Thành đã gây cho địch nhiều khó khăn, lúng túng. Lực lượng vũ trang tổ chức tấn công địch trên nhiều mặt trận, chống càn khi địch đánh vào các căn cứ kháng chiến.
Ủy ban hành chính tỉnh đề ra các biện pháp kinh tế tài chính khắc phục những khó khăn do địch bao vây, phá hoại kinh tế kháng chiến, đồng thời phát động phong trào sản xuất tự túc trong vùng căn cứ, trước hết là trong các cơ quan và lực lượng vũ trang. Biện pháp kinh tế, tài chính gồm 10 điểm:
- Tăng giá mua lúa của nông dân từ 12 đồng lên 20 đồng/giạ. Các đoàn thể cứu quốc được giao vận động quần chúng bán lúa cho chính quyền kháng chiến.
- Quy hoạch lại các vùng sản xuất tự túc trong căn cứ kháng chiến để nhân dân và các cơ quan trồng hoa màu.
- Hủy bỏ lệnh bao vây kinh tế địch, cho phép trao đổi một số mặt hàng được quy định như lâm sản, đường ra vùng tạm chiếm để đổi lấy những mặt hàng cần thiết cho kháng chiến.
- Đánh thuế lâm nghiệp những người khai thác gỗ ở các sở cao su.
- Thành lập các hội đồng canh nông để chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi trong các xã.
- Vận động những người khá giả bán lúa cho chính quyền cách mạng và trả dần bằng trừ thuế.
- Thành lập quĩ "nghĩa thương", dự trữ lúa giống giúp những người bị địch đốt phá tài sản để họ sản xuất, thành lập "vệ nông ngân quĩ" để giúp người neo đơn, đời sống khó khăn.
- Thành lập các lò rèn (do công đoàn phụ trách) sản xuất công cụ lao động để bán chịu cho nông dân sản xuất.
- Phát hành tiền "Cụ Hồ" trong vùng kháng chiến, thành lập các phòng hối đoái để đổi tiền Đông Dương cho nông dân ra vùng tạm chiếm mua hàng. Trong vùng kháng chiến nhân dân sử dụng tiền "Cụ Hồ".
- Tăng cường các biện pháp kiểm tra tài chính.
Thực thi các biện pháp trên, nhân dân vùng kháng chiến và vùng địch kiểm soát đã bán cho tỉnh 80.000 đồng tiền lúa (tương đương 80 tấn lúa) góp phần giải quyết được những khó khăn về lương thực trong tỉnh năm 1948.
Với các biện pháp này, từ năm 1949 đến 1951, hàng năm thuế nông nghiệp và lâm nghiệp trong tỉnh thu hơn 20.000 đồng (trong đó tiền Đông Dương chiếm từ 50-60%), bảo đảm được mọi khoản chi trong tỉnh.
Đầu năm 1948 Tướng Pháp Đờ-la-tua (De Latour) thực hiện chiến thuật "điểm và đường": xây dựng hệ thống tháp canh dày đặc theo trục giao thông, vừa để lấn chiếm thọc sâu vào căn cứ kháng chiến, vừa nhằm cắt đứt đường vận chuyển của ta.
Phía ta tiếp tục xây dựng và củng cố các lực lượng vũ trang, thành lập Trung đoàn 310 trên cơ sở Chi đội 10 với quân số khoảng 2.000 người; Tỉnh đội dân quân, du kích đã có đến 12.000 đội viên làm nòng cốt; phát triển chiến tranh toàn dân khắp các xã trong tỉnh. Mở nhiều trận đánh lớn làm phá sản âm mưu địch như: trận đánh giao thông La Ngà trên quốc lộ 20, bẻ gẫy trận càn vào căn cứ kháng chiến ở Long Thành, diệt tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ nhất (mở đầu chiến thuật đặc công); đánh phá giao thông địch trên các tuyến lộ chính và phá hoại nặng cơ sở kinh tế địch ở các đồn điền cao sau; riêng Tiểu đoàn cao su Biên Hòa đã huy động chặt phá 26.000ha cây cao su, đốt 252.797kg mủ.
Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quyết định phân chia lại địa giới hành chính cho phù hợptình hình của kháng chiến. Tách một số xã ở tả ngạn sông Đồng Nai thuộc huyện Tân Uyên (Bình Long, Lợi Hòa, Tân Phú, Đại An) chuyển giao về quận Châu Thành. Quận Châu Thành đổi thành huyện Vĩnh Cửu, xã Bình Trước đổi thành thị xã Biên Hòa. Thành lập Thị xã ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính thị xã Biên Hòa.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, ra đời Báo Biên hòa và thông tin Biên Hòa, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu để phổ biến rộng rãi.
Đẩy mạnh vận động đồng bào, đặc biệt các giới kinh doanh, gia đình giàu có, các chủ lò, chủ hầm ... tự nguyện nộp thuế và ủng hộ kháng chiến. Vận động tăng chúng và tín đồ Phật giáo tham gia Mặt trận Việt Minh, lập quĩ cứu quốc ủng hộ kháng chiến, có nơi đã đem cả chuông đồng, đồ tự khí bằng đồng gửi cho công binh xưởng chế tạo vũ khí đánh giặc. Lập phòng quốc dân thiểu số, cử cán bộ xuống vận động được hàng ngàn người thuộc các dân tộc thiểu số tích cực tham gia kháng chiến.
Từ năm 1949 đến tháng 5/1951, thực dân Pháp đẩy mạnh lấn chiếm và bình định chiến trường Nam bộ, mở rộng thực hiện "Chiến thuật Đờ-la-tua (De Latour)", xây dựng thêm tại Biên Hòa 79 tháp canh, tăng 2.394 quân lính, tập trung đánh phá vào Chiến khu Đ và Chiến khu rừng Sác, sử dụng tổ chức gián điệp tại Long Thành do tên phản bội Đảng Nguyễn Quang Minh - Phó Bí thư Huyện ủy cầm đầu để phá hoại cách mạng từ bên trong, gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất. Huyện Xuân Lộc do thiếu đói, bị giặc tập trung đánh phá ác liệt nên toàn huyện đã trở thành vùng địch tạm chiếm. Hơn 2.000 dân ở Xuân Lộc và hàng ngàn công nhân cao su Long Khánh được đưa về sản xuất, xây dựng căn cứ địa, ủng hộ kháng chiến ở Chiến khu Đ và các căn cứ Phước Cơ (Bà Rịa), Phước An (Long Thành).
Thực hiện chủ trương sản xuất tự túc của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, phong trào tăng gia sản xuất ở vùng căn cứ phát triển mạnh, vụ mùa 1948 - 1949 ở vùng căn cứ thu hoạch tăng gấp đôi so với năm 1947. Ty Giáo dục mở trường Tiểu học ở chiến khu, Trung đoàn 310 tổ chức Trường thiếu sinh quân để đào tạo cán bộ, chiến sĩ cho tương lai.
Tiếp tục xây dựng và củng cố lực lượng, mở đại hội luyện quân lập công, đổi Huyện đội dân quân thành các huyện đội. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy "chuẩn bị cho tổng phản công", các phong trào đóng góp cho kháng chiến phát động rầm rộ, phong trào đi dân công được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, lực lượng vũ trang được tăng cường và củng cố lại, công binh chế tạo được vũ khí mới (mìn lõm F.T, mìn Bêta).
Cuối tháng 3/1950 mở đầu chiến dịch mùa xuân ở Nam bộ nhằm tiêu diệt sinh lực địch và thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh thành lập Ban cán sự huyện và Đội vũ trang tuyên truyền huyện Xuân Lộc để từng bước khôi phục lại phong trào và xây dựng lại cơ sở.
Quân ta mở nhiều cuộc tấn công vào căn cứ địch và đánh tan các cuộc càn quét của địch vào các căn cứ kháng chiến. Kỹ thuật đánh tháp canh được coi là hoàn thiện, Bộ Tư lệnh Nam bộ gọi cách đánh đặc biệt này là "Đặc công", Binh chủng Đặc công ra đời từ đó cùng sự phá sản của kế hoạch Đờ - la - tua (De Latour).
Cuối năm 1950, tình hình chiến trường ở Biên Hòa ngày càng gay go, lương thực, vũ khí ngày càng thiếu. Đầu năm 1951, tình hình chia cắt ở chiến trưởng Biên Hòa ngày càng căng thẳng, địch lợi dụng để cắt đường liên lạc và vận chuyển tiếp tế của ta. Trước tình thế đó, Trung ương cục miền Nam Quyết định: Toàn Nam bộ tổ chức thành hai liên khu: Miền Đông và miền Tây, tỉnh Biên Hòa và tỉnh Thủ Dầu Một hợp nhất thành tỉnh Thủ Biên, tỉnh Bà Rịa và tỉnh Chợ Lớn thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn.
Theo Kỷ yếu Chính quyền nhân dân tỉnh Đồng Nai 1945-2004