Xuất phát từ nhận thức phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo cho thế hệ trẻ, chủ trương mà tỉnh đề ra trong nghị quyết số 58/2003/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khoá VI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2003 là rất quan trọng, kịp thời, và đã được triển khai chỉ đạo rất chặt chẽ. Tỉnh đã có Ban chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh cho đến các địa phương, có sự giám sát của Thường trực HĐND, Ban VHXH, có sự ủng hộ rất lớn của các sở ban ngành, đặc biệt là Sở Kế hoạch đầu tư, Sở tài chính đã tích cực trong việc phê duyệt báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh cân đối kinh phí; Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng đã có nhiều cố gắng giành ưu tiên phê duyệt hồ sơ xây dựng, giải quyết các hồ sơ về đất đai; Kho bạc tỉnh đã thực hiện thanh toán khối lượng công trình hoàn thành kịp thời, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí của đề án; có sự cố gắng hết sức lớn và với tâm huyết cao bỏ nhiều công sức của các thành viên trong Ban quản lý dự án, Sở Giáo dục đào tạo. Toàn tỉnh đã thực hiện được 2.190/2.542 phòng đã hoàn thành cơ bản mục tiêu Nghị quyết đề ra, xoá được 281 phòng học ca 3, 798 phòng học tạm, 153 phòng học mượn, 958 phòng xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển. 100% xã có trường học mầm non, xây dựng bổ sung mạng lưới trường Trung học sơ sở và Trung học phổ thông ở những nơi có nhu cầu. Việc ưu tiên đầu tư ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí góp phần đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo cơ sở hạ tầng để các xã đặc biệt khó khăn ra khỏi chương trình 135.
Vì tỉnh Đồng Nai được đánh giá là tỉnh có tiềm lực về kinh tế nên không được hưởng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, nhưng với sự nỗ lực rất lớn đã huy động tốt nguồn lực của tỉnh nhà đến nay mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát triển tăng thêm 31 trường, trong đó có 01 trường Mầm non, 03 trường Tiểu học, 24 trường THCS, 02 trường THPT và 01 trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp. Các công trình được đầu tư theo hướng kiên cố hiện đại, trang bị đồng bộ và trên hết là đáp ứng kịp thời điều kiện cơ sở vật chất cho nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân.
Hiện vẫn còn 352 phòng học chưa hoàn thành theo kế hoạch, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư và Sở GD&ĐT tiếp tục theo dõi tiến độ triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo tình hình kết quả xây dựng 352 phòng học này đã được xác định trong đề án. Tiếp tục huy động tổng lực xã hội vào sự nghiệp giáo dục nhằm làm cho học vấn đến với mọi người để đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực cho giáo dục ngày càng phát triển.
Thành quả mà chúng ta đạt được trên đã tạo nên một bộ mặt khang trang cho giáo dục của tỉnh nhà. Đồng thời tạo tiền đề cho việc nghiên cứu thực hiện đề án xây dựng trường chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Thu Hương