Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trong thời gian qua còn chậm, nguyên nhân và giải pháp
Trong thời gian qua công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh chậm, làm ảnh hưởng tiến độ và giải ngân đầu tư các dự án. Nguyên nhân là do việc tổ chức bộ máy hoạt động, chỉ đạo điều hành còn hạn chế, lúng túng, chưa kịp thời; nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực hiện công việc (cả số lượng và kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ); việc phối hợp xử lý các công việc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giữa các Sở, ngành, địa phương còn chưa nhịp nhàng, còn có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Về bố trí tái định cư tạ một số địa phương (nhất là thành phố Biên Hòa) chưa chủ động, chưa xây dựng được khu tái định cư đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để bố trí cho người dân. Việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường còn nhiều bất cập; chính sách hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp mất rất nhiều thời gian.
Ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu giải trình tại kỳ họp
Để thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị: các cấp ủy, chính quyền triển khai hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/04/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thức đầy công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh. Luật đất đai (2024) và các Nghị định, Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2024, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp xây dựng lại Quy trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ từng khâu, từng công việc, có quy định thời gian, trách nhiệm rõ ràng, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Căn cứ quy định của Luật đất đai và Nghị định về bộ máy bồi thường, Sở Nội vụ sớm tham mưu UBND tỉnh lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy phù hợp; rà soát, tính toán, điều chỉnh bổ sung nhân lực thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ tỉnh đến huyện, xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đề nghị UBND các huyện/thành phố phải chủ động đề xuất đầu tư các khu tái định cư, đảm bảo phải có tái định cư trước khi thu hồi đất; kịp thời chủ động chỉ đạo xử lý từng khâu công việc từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện phương án bồi thường, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Công tác giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ thấp, tính đến ngày 30/62024 là 4.190 tỷ, đạt 22,73% đứng thứ 52/63 tỉnh/thành phố của cả nước. Nguyên nhân và giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công trong năm 2024.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 12/12/2023 về giải pháp thúc đầu giải ngân đầu tư công 2024. Ngày 02/01/2024, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị ký kết giao ước thi đua về thu ngân sách và giải ngân đầu tư công giữa 11 huyện/thành phố và các Chủ đầu tư có giao kế hoạch vốn năm 2024. Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh có họp để chỉ đạo, đôn đốc. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công vẫn đạt thấp, do Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được giao vốn thực hiện trong năm 2024 là 2.510 tỷ đồng. Đến ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Do đó, tiến độ giải ngân dự án chậm. Một số dự án bố trí vốn khởi công mới đang thực hiện bước thiết kế thi công, dự toán nên khối lượng thanh toán các chi phí tư vấn không nhiều. Các dự án này theo tiến độ đến quý III mới lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân khối lượng thi công xây dựng. Các dự án bố trí vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (bố trí khoảng 40% kế hoạch năm 2024) đang thực hiện thủ tục kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất… theo tiến độ đến quý III mới ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường và giải ngân vốn kế hoạch. Khối lượng giải ngân các tháng đầu năm tập trung vào các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này còn một số khó khăn, vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân chưa cao.
Đại biểu Lưu Văn Sửu tham gia chất vấn tại hội trường
Số vốn đã giải ngân đến hết tháng 6 là 4.190 tỷ đồng (tổng vốn bố trí 19.307 tỷ đồng). Dự kiến tiếp tục giải ngân hoàn thành phần GPMB của các dự án: đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tháng 7 khoảng 5.300 tỷ đồng. Như vậy tổng số giải ngân dự kiến đến hết tháng 7/2024 khoảng 9.490 tỷ đồng đạt 50% kế hoạch. Số vốn còn lại của kế hoạch năm 2024 tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo để đảm bảo tỷ lệ giải ngân cuối năm 2024 đạt 100% kế hoạch với một sô giải như: Đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ngành; Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố; các đơn vị chủ đầu tư dự án. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một các kịp thời, hiệu quả; phân công, giao trách nhiệm, trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Quyết liệt trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tập trung đẩy manh tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm khắc tổ chức, cá nhân cản trở, làm chậm tiến độ; những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu; kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc tham mưu phân bổ kế hoạch vốn địa phương năm 2024 đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên bố trí vốn quy định.
Lê Lài