Về lý do khiến tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường hợp vệ sinh đạt thấp do nhiều nguyên nhân. Nhưng chủ yếu là do tiến độ triển khai các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch chậm. Trong số 9 khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đến nay mới có 4 khu đi vào hoạt động, trong đó chỉ có hai khu Trảng Dài và Phú Thanh tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh với khoảng 455 tấn/ngày đạt tỉ lệ 33% so với khối lượng phát sinh, còn lại khoảng 67% nằm rải rác tại 47 bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, có một lý do khác cũng không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến việc xử lý, đó là do chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, nên sau khi thu gom có nhiều loại trộn lẫn nhau chứa nhiều tạp chất, khiến việc xử lý và tái chế gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn 4 phường của thành phố Biên Hòa, kết quả đã được tổng kết rút kinh nghiệm nhưng chưa được nhân rộng mô hình
Bãi rác tạm tại Đồng Mu Rùa-xã Phước An huyện Nhơn Trạch, một trong 47
bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh cần xử lý và đóng cửa trong thời gian tới
Nguyên nhân dẫn đến việc triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch chậm chủ yếu là do trình tự lập hồ sơ thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Theo báo cáo, từ khi giới thiệu địa điểm đến lập dự án đầu tư, lập thủ tục môi trường, thẩm định công nghệ, thiết kế xây dựng, chứng nhận đầu tư, bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng...để một dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động phải mất từ 2-3 năm. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện nay (công nghệ đốt) rất lớn, tổng đầu tư cho các khu theo quy hoạch từ năm 2011 đến năm 2013 ước khoảng 7.000 tỉ đồng (chưa tính chi phí ngân sách phải bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng và chi phí hỗ trợ xử lý trung bình khoảng 355.000 đồng/tấn rác) đã khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thực hiện chậm, đó là chưa kể đến ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thời gian qua càng khiến cho nguồn vốn đầu tư gặp khó khăn.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn, nhất là thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị để đảm bảo điều kiện sống cho nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề ra sáu nhóm giải pháp khắc phục trong thời gian tới gồm:
Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch: Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 9 khu xử lý chất thải rắn, đến nay đều đã có nhà đầu tư, chỉ còn hai khu Túc Trưng và Xuân Tâm đang xem xét giới thiệu địa điểm, do vậy tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài 4 khu đã đi vào hoạt động giai đoạn 1, các khu vực còn lại chủ yếu là đất công hoặc đất địa phương đang quản lý nên việc giải phóng mặt bằng cũng thuận lợi. Trong đó có hai khu (Túc Trưng và Xuân Tâm) địa phương đang quản lý. Khu Vĩnh Tân cũng đã xong công tác thẩm định bồi thường, đang thu hồi, giao đất để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng; khu Bàu Cạn và Xuân Mỹ đang kiểm kê giải phóng mặt bằng. Dự kiến trong quý I/2012 cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng các khu quy hoạch chất thải. Bên cạnh đó, Sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập các loại hồ sơ theo quy định để khởi công xây dựng, trong đó hai khu Bàu Cạn và Xuân Mỹ đã cơ bản xong các hồ sơ pháp lý, có thể khởi công trong đầu năm 2012; còn lại 3 khu Vĩnh Tân, Xuân Tâm, Túc Trưng cố gắng hoàn thành các loại hồ sơ thủ tục theo quy định để khởi công cuối năm 2012. Đối với 3 khu đã hoạt động (Phú Thanh, Quang Trung, Tây Hòa), tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hệ thống xử lý, đồng thời nâng công suất để tiếp nhận xử lý chất thải sinh hoạt theo kế hoạch. Sở cũng sẽ chú trọng kiểm tra, đôn đốc để tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Thứ hai, xử lý và đóng cửa 47 bãi rác tạm: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 47 bãi rác tạm chiếm diện tích 19ha, lượng thất thải chưa được xử lý hợp vệ sinh là 300.000 tấn, gây tác động xấu đến môi trường nếu không được xử lý. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình UBND tỉnh phương án xử lý thí điểm đối với bãi rác tạm Liên Kim Sơn huyện Long Thành với khoảng 60.000 tấn, theo công nghệ xử lý đào xúc, sàng lọc, nén dép, đóng gói, chôn lấp hợp vệ sinh, dự kiến hoàn thành trong quý I/2012. Trên cơ sở kết quả rút kinh nghiệm triển khai cho các bãi rác còn lại để trong năm 2012 cơ bản xong tại 47 bãi rác tạm trên toàn tỉnh.
Thứ ba, triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm trên địa bàn 4 phường thuộc thành phố Biên Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp tổ chức triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn từ đầu năm 2012, trong đó thành phố Biên Hòa triển khai nhân rộng; đối với thị xã Long Khánh và các huyện chọn địa bàn thực hiện thí điểm trước, sau đó rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là giải pháp để nâng cao hiệu quả tái chế lượng chất thải rắn bằng cách tận dụng khối lượng lớn chất thải rắn có khả năng phân hủy sinh học để chế biến thành phân compost, phân hữu cơ, tận dụng triệt để các loại chất thải rắn khác có khả năng tái sinh, tái chế, góp phần giảm lượng chất thải rắn đưa ra bãi chôn lấp, giảm chi phí xử lý chất thải rắn. Đây là việc phải làm lâu dài, liên tục, tiến tới tạo thành thói quen trong mỗi cá nhân và gia đình, góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Tô Thành Buông chất vấn trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước
về công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn
Thứ thư, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn: Theo quy hoạch, dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2013 ước khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp khoảng 6.700 tỉ đồng, còn lại ngân sách đầu tư khoảng 300 tỷ chủ yếu phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng và đầu tư cho công ty Urenco phối hợp xử lý tại khu Trảng Dài và Vĩnh Tân. Ngoài ra, hàng năm ngân sách sẽ đầu tư kinh phí để hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng động đối với công tác quản lý chất thải rắn. Thông qua các chương trình liên tịch đã ký kết giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng, trong năm 2012 sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, trong đó sẽ tập trung quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm tạo cho người dân hiểu được lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn để thay đổi thói quen, tự giác thực hiện theo hướng dẫn.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn. Trong đó, tăng cường kiểm tra việc triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo kế hoạch; thanh kiểm tra việc phân loại rác tại nguồn, việc thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn để phát hiện xử lý các vị phạm; thanh tra công vụ đối với các cơ quan chức năng trong phân công quản lý chất thải rắn sinh hoạt; qua đó chỉ đạo giải quyết kịp thời các tồn tại hạn chế; nhằm đưa công tác quản lý chất thải rắn từng bước đi vào nền nếp, đúng pháp luật bảo vệ môi trường.
Kim Chung