Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 98-T8&T9-2013

Còn nhiều điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đăng ngày: 09/09/2013
​Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tự phát của các hộ dân chưa được phép của các cơ quan chức năng dẫn đến nguy cơ không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, vệ sinh môi trường” là nội dung đại biểu Quách Ngọc Lan đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện quản lý vấn đề này, giải pháp trong thời gian tới tại kỳ họp 7 HĐND tỉnh.

​     Đánh giá chung, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 174 cơ sở giết mổ có kiểm soát của cơ quan thú y, trong đó có 12 cơ sở có dây chuyền giết mổ treo (6,9%), đảm bảo các điều kiện quy định, còn lại 162 điểm giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếm 93,1%. Các điểm giết mổ loại B, C theo phương thức thủ công, trong khuôn viên nhà ở, công suất thấp, diện tích chật hẹp, trang thiết bị thô sơ, giết mổ trên bệ xi măng, trên nền nhà không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Đối với người tham gia giết mổ hầu hết chưa tham gia tập huấn các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được trang bị bảo hộ lao động. Hệ thống xử lý chất thải không có hoặc không đảm bảo quy định. Chất thải chảy trực tiếp vào thống thoát nước công cộng hoặc chảy thẳng vào kênh mương, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tồn tại nhiều điểm giết mổ lậu trên địa bàn (khoảng 200 điểm), tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất và thành phố Biên Hòa.

DSC04366.jpg
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 trả lời chất vấn nội dung này tại kỳ họp 7 HĐND tỉnh​
 

     Thời gian qua, thực hiện công tác quản lý nhà nước về giết mổ gia súc, gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương sắp xếp giết mổ và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung. Tiến độ thực hiện đến tháng 6/2013 huyện Xuân Lộc đã hoàn thành và đưa vào cơ sở giết mổ heo tập trung Hòa Hợp tại xã Bảo Hòa với công suất thiết kế 200-250 con/ngày, tình hình hoạt động khá tốt. Hiện nay huyện đang hoàn tất hồ sơ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Xuân Hưng. Đối với thị xã Long Khánh cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cơ sở giết mổ heo tập trung Thỵ Ngọ với công suất thiết kế 400-450 con/ngày; tuy nhiên do chưa dẹp bỏ được các cơ sở giết mổ ngoài quy định nên chưa có đầu ra, vì vậy hiện tại mỗi đêm cơ sở này chỉ giết mổ 40-50 con. Tại huyện Cẩm Mỹ cũng hoàn thành đưa vào sử dụng cơ sở giết mổ heo tập trung Hoàng Cử với công suất thiết kế 100-150 con /ngày, nhưng do chưa có sự phối hợp tốt giữa chủ cơ sở với các thương lái nên hiện tại mỗi đêm cơ sở này chỉ giết mổ khoảng 10-15 con heo. Đối  với huyện Định Quán cũng xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Phú Hòa, cơ sở này được xây dựng không đúng quy hoạch nhưng đã được UBND tỉnh cấp phép và cho phép điều chỉnh quy hoạch để được hoạt động. Nhìn chung, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân, các địa phương đã thống nhất với ngành nông nghiệp cho phép tồn tại tạm thời những cơ sở giết mổ xếp loại B, những cơ sở trong vùng hoạt động của cơ sở giết mổ tập trung đã đi vào hoạt động thì tiến hành rút giấy phép, cụ thể từ năm 2011 đến nay đã tiến hành rút giấy phép đối với 43 cơ sở.

     Đối với chủ trương của UBND tỉnh về việc khẩn trương thực hiện sắp xếp cơ sở giết mổ trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương xác định tên, địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Kết quả, năm 2013 các huyện đăng ký xây dựng tổng cộng đối với 13 cơ sở, nhưng đến nay mới xây dựng xong 01 cơ sở, có 02 cơ sở đã gửi hồ sơ cho Ban quản lý dự án LIFSAP nhưng chưa đầy đủ. Khó khăn lớn nhất trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch là do kinh phí đầu tư lớn, trong khi đó nhà đầu tư chưa nắm vững chủ trương chính sách của nhà nước, chưa thấy được hiệu quả quản lý chặt chẽ của nhà nước đối với các cơ sở giết mổ trái phép trên địa bàn nên chưa mạnh dạn đầu tư.

     Trên cơ sở đó cho thấy, việc tổ chức, quản lý và kiểm soát hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú ý và an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp huyện. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND các huyện, thị xã Long Khánh nhanh chóng rà soát, tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và sắp xếp giết mổ trên địa bàn. Ngành nông nghiệp sẽ tham mưu, phối hợp với các địa phương về chuyên môn khi địa phương triển khai thực hiện công tác xây dựng cơ sở giết mổ tập trung phù hợp với quy hoạch. Đề nghị UBND huyện Định Quán và các huyện, thị xã Long Khánh triển khai thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án LIFSAP. Đây là dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm được thực hiện trong năm năm kể từ năm 2011 với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB), mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi trên thị trường; trong đó các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vốn để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm ô nhiễm do chất thải chăn nuôi và tạo ra nguồn thịt an toàn có giá thành hạ. Đồng thời, giúp các chủ trang trại tiếp thị thịt an toàn ra thị trường, tạo ra chu trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.

                                                                           Kim Chung