|
Chung cư Thanh Bình-một trong những dự án nhà ở tại thành phố Biên Hòa |
Các nội dung của Đề án sẽ được kỳ họp xem xét, trong đó nội dung sẽ được chú trọng nhất là “Một số giải pháp chính sách trọng tâm để phát triển nhà ở xã hội”. Theo đề án đã được dự thảo đến lần thứ 8 của UBND tỉnh thì có tới 8 nhóm giải pháp, chính sách gồm: Giải pháp về nguồn vốn; Giải pháp về chính sách quy hoạch, kiến trúc và đầu tư phát triển hệ thống kết cau hạ tầng khu dân cư; Chính sách và giải pháp về đất đai; Chính sách về thuế; Một số chính sách khác trong quá trình đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội. Trong 8 nhóm giải pháp chính sách trọng tâm cần phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện được 8 nhóm giải pháp chính sách đó. Nhà ở là nhu cầu cần thiết của mọi tầng lớp, nhà ở xã hội là nhu cầu thiết yếu của người có thu nhập thấp, vậy giải pháp nào để hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Mặc dù Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ đã có hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, nhưng những quy định này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện việc phát triển quỹ nhà ở xã hội, do vậy phai có chính sách hỗ trợ việc xây dựng Nhà ở xã hội với giá hợp lý phù hợp với thu nhập của người lao động. Để giảm được giá thì phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước không bao cấp về nhà ở, nhưng phải có chính sách điều tiết giá nhà ở phù hợp với lợi ích của nhà đầu tư và khả năng thanh toán của người lao động. Để bảo đảm tiêu chí đó, chính sách về đất ở, nhà ở cho người lao động cần tập trung vào một giải pháp tổng hợp đối với khu vực cần đầu tư, bao gồm: rà soát quy hoạch sử dụng đất để điều chỉnh nhằm chuẩn bị đủ quỹ đất ở cho nhu cầu của người lao động, rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh vị trí phù hợp với nhu cầu nhà ở của từng khu vực; rà soát nguồn vốn cho vay ưu đãi để đầu tư nhà ở cho người lao động và có chế độ ưu đãi đối với các ngân hàng cho vay vốn, nhà đầu tư vay vốn; khuyến khích các dự án đầu tư nhà ở cho người lao động bằng các ưu đãi khác từ nhà nước gắn với môi trường đầu tư như được nhận các dự án đầu tư có lợi khác, được vay vốn ưu đãi, được chậm nộp tiền sử dụng đất; khuyến khích các dự án thuê đất để xây nhà cho thuê nhằm giảm giá thuê nhà.
Đối với người lao động, nhà nước cần đưa ra các giải pháp tổng hợp có khả năng kích cầu theo hướng tăng khả năng thanh toán cho người có thu nhập thấp, như giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động gắn với lộ trình cải cách tiền lương của người lao động sao cho chi phí nhà ở thực sự được tính vào lương; vận hành cơ chế người lao động được vay vốn từ ngân hàng, từ quỹ hỗ trợ nhà ở để mua nhà trả góp; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động tạo quỹ cho người lao động vay để mua nhà ở.
Ngoài các giải pháp trực tiếp đối với quan hệ cung - cầu về nhà ở cho người lao động, nhà nước cần áp dụng các giải pháp về thuế, quy hoạch, công khai giao dịch, điều tiết luồng đầu tư đối với thị trường bất động sản nói chung để chống đầu cơ, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện nay.
Đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã kiến nghị nên cho phép áp dụng các ưu đãi về thuế đối với các đối tượng tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Điều này là phù hợp vì trong tờ trình Chính phủ của Bộ Xây dựng cho rằng, vấn đề ưu đãi thuế trong xây dựng nhà ở xa hội đã được Luật Nhà ở quy định, nhưng đề nghị Chính phủ quy định cụ thể chính sách ưu đãi về thuế vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở lần này. Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị, các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động cho thuê, thuê mua nhà ở; được miễn thuế 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Trong trường hợp nhà ở đó được tính vào tài sản cố định của chủ đầu tư dự án, thì chủ đầu tư được khấu trừ toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Được biết hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số doanh nghiệp có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan hữu quan cho phép thực hiện thí điểm xây dựng căn hộ 30 - 40m² vì với mô hình này, giá mỗi căn hộ chỉ khoảng 240 đến 300 triệu đồng. Các hộ có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng có thể mua nhà trả góp từ 5 đến 10 năm, nếu Đồng Nai cũng áp dụng được giải pháp này thì các dự án phát triển nhà ở xã hội có thể đảm bảo tính khả thi.
Nguyễn Thị Phi