Sáng 17 tháng 5 năm 2006, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp về nội dung tiến độ tiêm phòng gia súc, gia cầm năm 2006, công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng (LMLM) và thông qua dự thảo về các điều kiện chăn nuôi an toàn dịch trên địa bàn tỉnh.
|
Huyện Tân Phú trình bày khó khăn vì phải đối phó với đàn gia súc di chuyển từ tỉnh Lâm Đồng sang |
Về công tác tiêm phòng bệnh cúm gia cầm đợt I năm 2006, trong thời gian từ ngày 15/3/2006 đến ngày 07/5/2006, tổng số gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được tiêm phòng bệnh cúm là 1.243.264 con tiêm mũi 1, trong đó 8-35 ngày tuổi : 402.353 con; gà trên 35 ngày tuổi: 767.588 con; vịt giống :73.323 . Về kết quả tiêm mũi 2 gồm 48.821 con, trong đó gà 8-35 ngày tuổi: 8.169 con; gà trên 35 ngày tuổi : 40.652 con. Số gia cầm 01 ngày tuổi được tiêm vắc xin Trovac-AIVH5 là 1.500.000 con của các công ty Thanh Bình, Phú Sơn, Japfa, CP Việt Nam. Công tác tiêm phòng được thực hiện nghiêm túc và khẩn trương. Từ ngày 11/4/2006 tat cả các huyện, thị xã đã triển khai tiêm phòng; các đội tiêm phòng được củng cố ngay sau khi kế hoạch tiêm phòng xã/phường được duyệt, mỗi đội có 4 người, thành phần là các cơ quan đoàn thể của xã. Các đội tiêm phòng đã lập bảng cam kết với chủ hộ,lập danh sách đăng ký tiêm phòng ( đối với hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ, lẻ) theo từng khu phố, ấp; kiểm tra số lượng đàn trước khi tiêm và lập kế hoạch tiêm phòng hàng ngày, tổ chức tiêm phòng dứt điểm từng khu phố, ấp. Một số huyện đã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng như huyện Tân Phú, ngày 12/4/2006 đã tiêm xong mũi 1 của đợt 1, đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 2. Bên cạnh đó có một số huyện triển khai kế hoạch tiêm phòng bệnh cúm gia cầm chậm như huyện Định Quán ngày 11/4/2006 mới bắt đầu triển khai. Huyện Xuân Lộc cho tới ngày 24/4/2006 chỉ tiêm được 40% so tổng đàn. Tuy nhiên theo đánh giá của các cơ quan chức năng, viec triển khai tiêm vắc xin phòng chống bệnh gia cầm đợt 1 của năm 2006 có chậm hơn so dự kiến, nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chung của Bộ NN&PTNT. Tới ngày 10/5/2006, tất cả các huyện, thị, thành đã triển khai xong mũi thứ 1 của đợt I. Qua kiểm tra thực tế cho thấy không có trường hợp không cam kết tiêm phòng, chưa phải áp dụng biện pháp tiêu hủy gia cầm không bồi thường ( sử dụng cho đàn gia cầm không tiêm phong).
Được biết tình hình dịch LMLM trong cả nước hiện đang diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch xảy ra. Trong thời gian qua đã phát hiện một số heo có triệu chứng LMLM do vận chuyển chủ yếu từ tỉnh Lâm Đồng, một số ít từ các tỉnh khác tới Đồng Nai qua tuyến đường Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20. Cơ quan chức năng đã xử lý cho đốt toàn bộ số heo có triệu chứng bệnh và số thịt heo, thịt bò, da bò phát hiện được. Hiện nay các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đang khẩn trương triển khai tiêm phòng đợt 1 các bệnh bắt buộc trên gia súc.
Về công tác kiểm soát dịch bệnh đối với các nguồn lây nhiễm từ địa phương khác, được biết huyện Tân Phú hiện đang gặp nhiều khó khăn nhất vì là huyện tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng, toàn huyện có 05 xã giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, trong đó có 03 xã có đường giao thông liên tỉnh. Huyện đã bố trí chốt chặn để kiểm tra, tuy nhiên vì lưu lượng xe quá lơn không thể kiểm tra hết, đặc biệt là đối với đối tượng xe tải và xe khách chở thịt heo/bò làm sẵn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh nhấn mạnh đển tầm quan trọng và chủ trương xử lý mạnh, dứt khoát của tỉnh Đồng Nai vì tính chất đặc biệt quan trọng, cấp bách của dịch cúm gia cầm và LMLM này. Nếu không có biện pháp dứt khoát và đủ mạnh thì có thể gây nên hậu quả khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và những ảnh hưởng gián tiếp và sâu sắc trong xã hội như tình hình xuất khẩu hàng hóa, nông sản và hoạt động du lịch của Việt Nam.
Để dịch cúm gia cầm và LMLM ở gia súc không trở thành đại dịch, ông Thinh đã đề nghị Sở NN&PTNT đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm các bệnh trong danh mục tiêm phòng bắt buộc của Bộ NN&PTNT, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra/kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, nhất là việc vận chuyển trai phép động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh LMLM từ Lâm Đồng đến tỉnh Đồng Nai; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và các ngành hữu quan bố trí cán bộ trực 24/24 tại các chốt kiểm dịch, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Cuộc họp đã thông qua dự thảo về các điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn, trong đó có một số nội dung quan trọng như việc nghiêm cấm vận chuyển động vật sống trên các phương tiện vận chuyển hành khách; vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch thú y; vận chuyển động vật bị bệnh, chết; vận chuyển lông, chất thải động vật chưa được xử lý; chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu vực gần trường học, bệnh viện; chăn nuôi gia cầm thả rông…
Về việc thực hiện khai báo đàn vật nuôi bao gồm một số quy định như chủ cơ sở chăn nuôi tập trung phải khai báo về chủng loại, số lượng, cơ cấu, nguồn gốc đàn vật nuôi; tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh của cơ sở. Ngoài ra, các chủ cơ sở phải có sổ theo dõi việc xuất, nhập động vật và phòng chống dịch bệnh của cơ sở để báo cáo cho cơ quan quản lý chuyên ngành khi có dịch bệnh.
Kim Chung