Liên quan đến bồi thường, giải tỏa, tái định cư là
lĩnh vực có nhiều vấn đề cần được làm rõ như: “bảo đảm về thu nhập”; “điều kiện
sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”; “địa bàn khác có điều kiện tương đương”;
“Lợi ích vật chất”. Đặc biệt là khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường”,
vì đây là khái niệm quan trọng, là thước đo cho việc thực hiện Luật Đất đai ở
các nội dung liên quan khác, có tác động, ảnh hưởng xuyên suốt cả văn bản luật.
Trong đó, cần làm rõ nội dung “thống kê tại một khu vực là như thế nào (là khu
vực nào và liên quan gì đến khu đất dự kiến định giá); “trong một khoảng thời
gian xác định” cần làm rõ là mốc thời gian như thế nào. Thậm chí, nhiều ý kiến
cho rằng, với quy định “điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, nếu không
làm rõ để thực hiện thống nhất và đúng tinh thần của Luật thì sẽ rất dễ dẫn đến
tình trạng nói một đàng, làm một nẻo và nếu điều đó xảy ra sẽ làm giảm sút lòng
tin của cử tri và Nhân dân.
Làm rõ "Giá đất phổ biến trên thị trường" ở khu vực nông thôn rất khó khăn
Sau lĩnh vực bồi thường, giải tỏa,
tái định cư, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất cũng có nhiều
nội dung từ, ngữ cần làm rõ. Theo đó, rà soát quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo định kỳ 5 năm. Khái niệm “sự điều
chỉnh chiến lược”, là một khái niệm khó cần được giải thích hoặc quy định các
tiêu chí để xác định như thế nào là “sự điều chỉnh chiến lược” để tránh tùy
tiện hoặc lạm dụng trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. “Công trình công
cộng có mục đích kinh doanh” là một ngữ nằm ở nhiều điều luật liên quan đến Đấu
thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; thời hạn sử dụng đất; đất sử
dụng vào mục đích công cộng; đất để thực hiện dự án hợp tác công tư có sử dụng
đất (dự án PPP)… Khái niệm này cần được giải thích để phân biệt như thế nào là
công trình công cộng có mục đích kinh doanh và không có mục đích kinh doanh.
“Lợi ích quốc gia, công cộng” cũng là vấn đề
lớn cần được giải thích để làm rõ trường hợp
như: Thu hồi đất để thực hiện dự án Khu dân cư (trong đó bao gồm có các công
trình: đất ở thương mại kinh doanh, đất ở tái định cư, nhà ở xã hội, giao thông
nội bộ, cây xanh, công trình thương mại dịch vụ, công trình công cộng phục vụ
cho khu dân cư…) có phải vì mục đích quốc gia, công cộng hay không. Từ đó, mới
xác định được thẩm quyền thu hồi hay không thu hồi đất.
Công trình giao thông thuận lợi cho đánh giá "lợi ích quốc gia, công cộng"
Dự án,
vấn đề luôn liên quan mật thiết với sử dụng đất mà sử dụng đất có thể dẫn đến
thu hồi đất; thu hồi đất là đụng chạm đến quyền lợi nhiều chủ thể nên một loạt
khái niệm liên quan đến dự án cần được làm rõ như: “Chỉnh trang đô thị, chỉnh
trang nông thôn” ; “dự án đô thị”; “thu hồi đất để thực hiện nhà ở thương mại”;
Dự án thuộc trường hợp “tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư”; “Dự án phát huy nguồn
lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”; “phân bổ công bằng, hài hòa giá
trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”. Đây là các khái niệm khó
trong Luật cần được giải thích hoặc xác định
tiêu chí làm cơ sở áp dụng thống nhất.
Dự thảo quy định sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất
Đối với quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất,
tại khoản 1, điều 31 của Dự thảo có nêu: “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh
giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên
không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định
khác của pháp luật có liên quan”. Quy định này có nội dung cần làm rõ là sử dụng
độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, vì trong Dự thảo Luật không nêu
và nhiều văn bản pháp luật khác không có quy định. Vì vậy, nên có giải thích hoặc quy định
cụ thể trong Luật bởi đây là vấn đề liên quan đến các quyền về sử dụng đất để
xây dựng công trình ngầm.
Giải thích từ ngữ là một điều luật quan trọng có trong mọi văn bản
Luật nhằm cho người đọc hiểu chính xác một thuật ngữ, một từ nhất định mang ý
nghĩa gì. Qua đó, nhằm làm sáng tỏ tư tưởng, nội dung, ý nghĩa
của quy phạm pháp luật, bảo đảm cho nhận thức
pháp luật được đúng đắn. Thiết nghĩ, những từ, ngữ có khó khăn, vướng
mắc trong việc hiểu và vận dụng nêu trên cần được đơn vị soạn thảo quan tâm làm
rõ để bảo đảm cho việc thi hành Luật Đất đai sau này được công bằng, bình đẳng,
phù hợp với thực tế.
Nguyễn Thị Oanh