Bởi vậy, để hạ gục được thần tượng này của đối phương là một bài toán không mấy dễ dàng đối với lưới lửa phòng không Việt Nam hồi bấy giờ.
Căn cứ không quân chiến lược vào loại tầm cơỡ này của Mỹ được bố phòng cẩn mật, bằng hệ thống điện tử, do viên trung tướng không quân dày dạn kinh nghiệm chỉ huy, nằm sâu trong lãnh thổ một nước đồng minh Hoa Kỳ. Đây là một trong những căn cứ không quân mà hằng ngày các loại máy bay xuất kích đi gây tội ác với nhân dân ba nước: Việt Nam, Lào, Cam pu chia anh em trên bán đảo Đông Dương. Ở đây, không chỉ chứa máy bay cường kích tối tân như phản lực, trực thăng võ trang chở quân cơ động, vận tải quân sự… mà còn là ngôi nhà của máy bay siêu đẳng như: F111 cánh cụp cánh xòe, bay nhanh hơn tiếng động; máy bay tiếp nhiên liệu trên không (B57) và pháo đài bay B52. Về công năng của nó, máy bay B52 có sức chở từ 20 đến 30 tấn bom, được mệnh danh là kho bom di động trên không. Bán kính hoạt động ở độ cao trung bình 10.000m. Ba máy bay B52 có thể rải thảm 60 đến 90 tấn bom trên một diện tích rộng thay thế cho 120 đến 200 máy bay cường kích chiến thuật. Chính vì vậy mà chúng được tôn sùng là “pháo đài bay”, “bất khả xâm phạm”. Đó mới chỉ tìm hiểu qua lý thuyết, chứ thực tế cho tới tháng 10/1972 của thế kỷ XX, ta đâu đã có kinh nghiệm gì để giáng trả tên bạo chúa nhà trời này của đối phương. Thế mà, chúng tôi đã làm được điều kỳ diệu ấy, thật là vinh hạnh vô cùng lớn lao mà cuộc đời đánh giặc của mỗi người, chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Nhiệm vụ được cấp trên giao phó là: “phải tranh thủ mọi thời cơ tốt nhất để đánh gục thần tượng bọn cuồng chiến, nơi chúng xuất phát đi gây tội ác, nhằm chia lửa với miền Bắc thân yêu”.
Nhận nhiệm vụ đặc biệt ấy, trong lòng chúng tôi ai nấy vô cùng phấn chấn, tự hào vì được trên tin tưởng, gửi gắm bao hy vọng. Song, cũng vô cùng lo lắng, bởi nhiệm vụ hết sức nặng nề, lại chưa có tiền lệ trên khắp chiến trường để mà tham khảo. Nhưng không cho phép chần chừ do dự khi nghĩ đến trách nhiệm thiêng liêng, cao cả biết nhường nào Tổ quốc đã kêu gọi-dù có phải hy sinh tính mạng.
Chỉ thị của cấp trên là cực kỳ gấp gáp, đòi hỏi phải trả lời bằng hành động chính xác và hiệu quả cao nhất. Bởi thế, cùng lúc vừa tổ chức quán triệt nhiệm vụ, làm công tác chuẩn bị phương án, cơ sở vật chất bảo đảm cho trận đánh chắc thắng chỉ trong thời gian ba ngày – được coi đây là một kỹ lục trong hoàn cảnh đặc biệt mới mẻ này.
Núi rừng thì thâm u mênh mông trùng điệp, địa hình địa vật mới lạ, dùng bản đồ, la bàn chiếu theo góc phương vị để đi bất chấp non cao, suối sâu hiểm trở, rắn rết, thú dữ và dày đặc tuyến phòng thủ từ xa xung quan mục tiêu của đối phương. Nhưng, bằng kỹ năng đã được điêu luyện. Cộng với sự giúp đỡ hết sức chu đáo của các cơ sở trên đất bạn. Chẳng bao lâu, mục tiêu đã hiện dần ra trước mắt, ai nấy như mở cờ trong bụng. Nhưng, bước quyết định cuối cùng mới là điều mà ai trong chúng tôi cũng đinh ninh lời thề son sắt: Quyết chiến thắng kẻ thù!
“Tất cả chú ý: Trước mặt chúng ta là bọn cuồng chiến, mất hết cả lương tri. Mục tiêu đã được phân công, bắt đầu vào thực hành chiến đấu!” Sau khẩu lệnh phát ra ở vị trí tập kết cuối cùng. Người tôi như nóng ran, mọi suy nghĩ ngoại cảnh đều tan biến, chỉ tập trung cao độ cho chiến thắng. Tôi lần lượt đi bắt tay từng người, truyền hơi ấm cho họ và gửi gắm cả niềm tin tất thắng không gì lay chuyển nổi. Và chính họ cũng nhìn tôi bằng cái nhìn trìu mến đến lạ thường”.
Bởi tôi là mũi trưởng, chịu trách nhiệm toàn bộ trận đánh, Phan Trọng Túc mũi phó, kiêm tổ trưởng đảm nhiệm một khu vực mục tiêu đánh phá. Hợp đồng theo giờ quy định. Thực hiện xong nhiệm vụ, thứ tự lui quân ra ngoài đã có đồng đội đón. Theo dõi chiếc kim đồng hồ dạ quang đeo tay, tôi tin tưởng cả hai hướng cơ bản gặp thuận lợi vì chưa thấy có động thái gì khác thường. Bỗng một tình huống đột biến ở hướng bên kia đã xảy ra ngoài dự kiến. Đó là có hai chiếc máy bay phản lực hồi chiều mới hạ cánh sau chuyến oanh kích về, thân nhiệt còn cao nên gây kích nổ sớm hơn quy định vào lúc 03 giờ sáng ngày 02/10/1972. Địch báo động toàn căn cứ, hệ thống điện sáng như ban ngày, pháo đèn dù rực trời, máy bay trực thăng và 0V10 lần lượt cất cánh quần thảo săm soi…anh em chúng tôi như cá nằm trên thớt. Lúc này, các hướng đều bị địch phong tỏa, trời đất như quay cuồng vì tiếng nổ điên loạn.
Với bản lĩnh của người chỉ huy, tôi động viên anh em hãy thật bình tĩnh, lợi dụng các vật che khuất, che đỡ nhanh chóng ra ngoài phạm vi nguy hiểm. Thật may, sau những cột lửa đầu tiên phát ra từ khu vực chứa máy bay phản lực thì khu vực chứa loại siêu pháo đài bay B52 cũng phát nổ dữ dội như sấm rền, chớp dật. Các bồn nhiên liệu gần đó, bốc cháy như biển lửa, khói đen đặc cả một vùng trời. Trong sự hổn loạn ấy, chính là cơ hội cho chúng tôi lần lượt ra tới vị trí tạm dừng để thu gọn đội hình. Đến nơi tập kết, điểm lại quân số thấy thiếu ba người. Linh tính mách bảo: điều gì đã xảy ra với anh em rồi.
Kết quả: 6 chiếc máy bay B52 bị nổ tung, 01 chiếc B57 cùng chung số phận và 02 phản lực F111 cũng tan tành mây khói. Một số công trình bị chấn động hư hỏng nặng. Cảnh tượng căn cứ không quân như một bãi chiến trường đến thảm hại, tê liệt hoạt động tới một tuần liền. Một số giặc lái Mỹ cùng nhân viên kỹ thuật bậc cao và lính bảo vệ người bản xứ bị đền tội. Đây là đòn trừng trị đích đáng và rất hiểm đối với kẻ thù mà chúng không thể nào hiểu nổi. Vượt qua nhiều tuyến phong tỏa của địch, ba ngày sau chúng tôi trở về hậu cứ trong niềm vui chiến thắng.
Chiến công xuất sắc ấy, được cấp trên biểu dương khen ngợi rất kịp thời và tặng thưởng các loại Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cho tập thể và cá nhân. Đặc biệt, đơn vị được phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT Nhân dân.
Bốn mươi năm đã đi qua, song chiến công chói lọi ấy vẫn còn đọng lại kỷ niệm đẹp trong mỗi người lính chúng tôi hôm nay.
(Theo lời kể của CCB Đào Đức Hạnh, người trực tiếp chỉ huy trận đánh)