Vấn đề đặt ra là khi có sự điều chỉnh địa giới hành chính thì hoạt động của HĐND các cấp có liên quan và hoạt động của đại biểu HĐND ở các đơn vị có sự điều chỉnh đó chịu ảnh hưởng gì; cần làm những gì để đảm bảo hoạt động bình thường của HĐND đó, đây chính là vấn đề có tính thực tiễn có khả năng xảy ra trên địa bàn do đó xin được trao đổi dưới đây.
Luật tổ chức HĐND&UBND dành riêng chương V và Quy chế hoạt động của HĐND có chương X quy định về hoạt động của HĐND trong trường hợp thay đổi cấp hoặc địa giới của các đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt. Nội dung Luật và quy chế đã dự liệu và giải quyết các tình huống phát sinh để đảm bảo cho hoạt động của HĐND và của đại biểu HĐND. Các tình huống đó bao gồm: Nhiều đơn vị hành chính sáp nhập thành một đơn vị hành chính; một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới;
Trong trường hợp cụ thể của Đồng Nai, theo chương trình xây dựng Nghị quyết thì HĐND tỉnh sẽ xem xét để thông qua Nghị quyết điều chỉnh một phần địa giới hành chính gồm 04 xã từ huyện Long Thành sang thành phố Biên Hòa. Đây là việc điều chỉnh toàn bộ một đơn vị hành chính cấp xã mà không phải trường hợp điều chỉnh một bộ phận dân cư thuộc xã vì vậy việc giải quyết những vấn đề liên quan gặp những thuận lợi nhất định.
Về hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND cấp xã trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ khi có sự điều chỉnh địa giới hành chính nhìn chung vẫn hoạt động bình thường, vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri địa phương do HĐND là cơ quan dân cử, hoạt động một cách tương đối độc lập và tuân theo pháp luật, không phải là hệ thống ngành dọc (cơ quan cấp trên, cơ quan cấp dưới).
Riêng hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện có sự ảnh hưởng nhất định, vấn đề này cũng đã được điều chỉnh bởi Luật và Quy chế hoạt động của HĐND. Điều 135 Luật tổ chức HĐND&UBND quy định: “Trong trường hợp một địa phận và dân cư của đơn vị hành chính này được điều chỉnh về đơn vị hành chính khác thì đại biểu HĐND thuộc địa phận đó sẽ là đại biểu HĐND ở đơn vị mới tương đương và tiếp tục hoạt động ở đơn vị mới cho đến hết nhiệm kỳ”.
Theo nội dung quy định của luật, tại điều 84 quy chế hoạt động của HĐND hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn đối với nội dung “sẽ là đại biểu HĐND ở đơn vị mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ” như sau: “Thường trực HĐND ở đơn vị hành chính cũ có trách nhiệm làm các thủ tục chuyển đại biểu HĐND và gửi tới Thường trực HĐND đơn vị hành chính nơi đại biểu chuyển đến và thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp biết. Thường trực HĐND ở đơn vị hành chính nơi đại biểu chuyển đến thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp biết”.
Như vậy nhiệm vụ đặt ra sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đối với Thường trực HĐND nơi đại biểu chuyển đi là phải thực hiện các thủ tục chuyển; thường trực HĐND nơi đại biểu chuyển đến có trách nhiệm nhận đồng thời một thủ tục không thể thiếu đối với cả nơi chuyển và nơi nhận là thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp biết để thực hiện chức năng giám sát hoạt động của đại biểu và của HĐND.
Vấn đề cần giải quyết tiếp theo ở HĐND nơi điều chỉnh giảm đơn vị hành chính (trường hợp này là HĐND huyện Long Thành) là phải xem xét về số lượng đại biểu HĐND ở đơn vị mình để đảm bảo đủ về số lượng theo quy định của luật bầu cử HĐND; trường hợp không đủ có thể tiến hành bầu bổ sung chậm nhất là 6 tháng và theo quy định của luật bầu cử HĐND để đảm bảo số lượng đại biểu cần thiết thực hiện vai trò đại diện cho nhân dân trên địa bàn. Việc tổ chức bầu bổ sung cũng cần lưu ý nếu thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐND khóa đó không đủ một phần ba thì không tổ chức bầu bổ sung đại biểu HĐND. Tuy nhiên khả năng này khó có thể xảy ra trên thực tế bởi khi tiến hành bầu cử đại biểu HĐND huyện, yếu tố cơ cấu mang tính đại diện cho cộng đồng dân cư đã được tính toán, xem xét kỹ do đó khi dân cư được điều chỉnh sang đơn vị hành chính khác, đại biểu cũng được điều chỉnh theo thì việc thiếu số lượng đại biểu là điều khó có thể xảy ra.
Nguyễn Thị Oanh