Đất đai là điều kiện vật chất không thể thiếu đối với sản xuất và đời sống của con người. Đồng thời cũng là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia. Luật đất đai cũng đã cụ thể hóa thẩm quyền của HĐND các cấp trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai, đó là: Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thông quan bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc giá công công, giúp cả việc thi hành luật đất đai địa phương.
Ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Công sản, Bộ Tài chính trao đổi tại Hội nghị tập huấn
Bên cạnh Luật đất đai, quyền hạn của HĐND đối với đất đai còn được quy định tại các Luật có liên quan, trong đó quan trọng nhất là Luật đầu tư công 2019 và Luật ngân sách nhà nước 2015. Theo đó Luật đầu tư công quy định: HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn NSĐP bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý. Riêng HĐND cấp tỉnh còn quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ cơ quan trung ương). Trong quá trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các vấn đề về đất như thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tác động môi trường và các vấn đề tài chính đất đai luôn là các nội dung quan trọng nhất mà HĐND phải thảo luận, xem xét kỹ trước khi quyết định.
Luật ngân sách nhà nước quy định: HĐND quyết định dự toán thu NSNN, về dự toán thu NSĐP, phê chuẩn quyết toán NSĐP. Trong đó có các khoản thu về đất đai như thu sử dụng đất, thu cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu các khoản thuế phí, lệ phí liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Đáng chú ý đây là các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% song có phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương (giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và ngân sách xã). Thông thường, đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng ở địa phương nên HĐND cần xem xét kỹ cả về mặt thu và mặt chi.
Đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu chuyên trách HĐND cấp huyện, thành phố tham dự Hội nghị tập huấn
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt; quyết định biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác, bảo vệ môi trường trong phạm vi được phân quyền. Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND huyện thông qua kế hoạch phát triển KT-XH trung hạn và hàng năm của huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt; quyết định biện pháp quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lụt ở địa phương theo quy định của pháp luật.
Qua nội dung báo cáo viên trao đổi tại Hội nghị, giúp đại biểu nắm được tổng quan về nhiệm vụ của HĐND trong lĩnh vực đất đai, qua đó đại biểu HĐND có thể vận dụng có hiệu quả, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử của mình trong thời gian tới.
Thu Hương