Tham dự Hội nghị có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023: Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết số 16/2021/QH15, Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 43/2022/QH15. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất kể từ năm 2011; các cân đối vĩ mô được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có sự chuyển biến rất tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng. Đóng góp vào những kết quả nêu trên, có sự vào cuộc tích cực của Quốc hội trong việc kiến tạo thể chế, tạo nên khung khổ pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, trong đó có HĐND.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và chủ trì Hội nghị
Năm 2022, hoạt động Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản, giải quyết 53 ý kiến, kiến nghị của các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thể chế; ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH5 để tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân” đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tháo gỡ khó khăn, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị có 18 bài tham luận của 18 địa phương đã mang đến cho Hội nghị những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng và đổi mới trong hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đề cập những hạn chế, khó khăn trong hoạt động HĐND kiến nghị cần xem xét hướng dẫn trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng và tin tưởng một số hạn chế, bất cập được Hội nghị nêu, cụ thể về hoạt động chất vấn chưa xứng tầm, hoạt động giải trình chưa nhiều, việc giải quyết kiến nghị của cử tri hiệu quả chưa cao, về một số đại biểu Hội đồng Nhân dân chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân,… nhất định sẽ được khắc phục một cách tổng thể và đồng bộ với chất lượng, hiệu lực và hiệu quả, tiếp tục khẳng định thật vững chắc vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tại địa phương.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng tham dự Hội nghị
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở thành tựu và bài học năm 2022, Chủ tịch đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thực hiện tốt việc tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển của địa phương để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao; hiện thực hóa yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới bằng chương trình, lộ trình khả thi; lựa chọn và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình cả về bề rộng, chiều sâu và chất lượng; xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2023 phù hợp, chặt chẽ và hiệu quả. Xây dựng các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực ở địa phương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực, uy tín của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp gắn chặt với nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân; chủ động giao lưu, cầu thị và đoàn kết, nâng cao năng lực toàn diện ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chỉ tịch đề nghị Hội đồng Nhân dân tổ chức thực hiện tốt Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhận thức việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, cụ thể để tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân. Trên cơ sở chương trình hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan hữu quan; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong thời gian tới.
Thu Hương