Liên kết website


Specified argument was out of the range of valid values.

Trao Đổi TT Với Cử Tri

Từ điển trực tuyến

Tra từ:
Từ điển:

Hình ảnh hoạt động

Hộp Mail

Trang chủBản tin HĐND số 49-T12.2008

Kết quả công tác xuất bản sách, văn hóa phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 02/01/2009
Thực hiện chương trình công tác quý IV-2008, Thường trực HĐND tỉnh vừa giám sát việc thực hiện nhiệm vụ xuất bản sách, văn hóa phẩm của Nhà xuất bản Đồng Nai.
Nhà xuất bản Đồng Nai là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ hoàn toàn về tài chính, trực thuộc Sở Thông tin và truyền thông theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 23/4/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo báo cáo, đến nay các sản phẩm gồm sách các loại và lịch tờ. Trong đó năm 2007 đã biên tập và duyệt xuất bản 350 đề tài, 9 tháng đầu năm 2008 duyệt và xuất bàn 309 đề tài. Nhìn chung, các đề tài được biên tập và duyệt xuất bản đều thực hiện đúng theo quy định của Luật xuất bản, Luật sở hữu trí tuệ, công ước Berne ( công ước quốc tế về bảo vệ quyền tác giả, có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 26 tháng 10 năm 2004), đồng thời bảo đảm đúng quy trình theo quy định hiện hành. Nhìn chung, hoạt động của NXB bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động từ khi thành lập, từng bước thích ứng được với cơ chế thị trường, không ngừng đa dạng các loại ấn phẩm, tạo nên sự phong phú về thể loại và đề tài, từng bước đáp ứng được nhu cầu của độc giả, góp phần vào công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, điều đáng ngạc nhiên là hiện nay quy trình biên tập, xuất bản vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công. Tuy hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nhưng NXB vẫn chưa trang bị được cho mỗi biên tập viên một máy vi tính, như vậy công tác chuyên môn chưa thể đạt chất lượng cao, điều này sẽ làm hạn chế khả năng khai thác thông tin và liên hệ với đội ngũ cộng tác viên. Không những thế, khâu thiết kế, trình bày, tạo mẫu, in ấn xuất bản phẩm đều được thuê gia công bên ngoài. Điều này càng chứng tỏ khả năng cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc sử dụng các phần mềm về thiết kế và đồ họa chưa được NXB chú trọng.

Ngoài ra, theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng, thời gian vừa qua trên phạm vi cả nước xuất hiện một số loại sách, văn hóa phẩm, nhất là một số loại truyện tranh có nguồn gốc nước ngoài  có nội dung chưa mang tính giáo dục cao, trong đó có sản phẩm của NXB Đồng Nai. Việc này chứng tỏ công tác kiểm tra về chất lượng nội dung và hình thức của một số loại xuất bản phẩm chưa được chú trọng, vì thế đã phần nào làm giảm uy tín, thương hiệu của NXB Đồng Nai đối với độc giả trong và ngoài tỉnh. Nhất là trong bối cảnh nhiều NXB chuyên ngành ra đời với trình độ quản lý và chuyên môn ngày càng nâng cao, đã tạo thêm một hiệu ứng làm giảm sức cạnh tranh của NXB Đồng Nai.

Hiện nay, Nhà xuất bản Đồng Nai được quyết định theo cơ chế là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ hoàn toàn về tài chính. Thực tế, cơ chế này đã tạo điều kiện cho NXB Đồng Nai được chủ động, linh hoạt trong công tác lựa chọn đề tài, quyết định đối tác để liên kết, tự chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung và hình thức của xuất bản phẩm, tạo tiền đề cho việc mang lại lợi nhuận để trang trải cho hoạt động của bộ máy, giúp cho NXB phát huy tối đa khả năng sáng tạo, linh hoạt trong cạnh tranh bình đẳng trên thị trường sách, văn hóa phẩm hiện nay. Tuy nhiên, qua làm việc với đoàn giám sát, NXB lại đề nghị được hỗ trợ một số nội dung như: kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, hỗ trợ NXB để tiếp cận với đối tác nước ngoài để đàm phán mua bản quyền xuất bản…Việc này về bản chất là không phù hợp với tính chất, nội dung hoạt động của một đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ hoàn toàn về tài chính như NXB Đồng Nai.

Đoàn giám sát đã đề nghị Nhà xuất bản Đồng Nai phải ưu tiên việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương thông qua mảng đề tài lịch sử truyền thống, sách pháp luật…góp phần vào công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho độc giả hướng đến vẻ đẹp của tinh thần và trí tuệ. Trong công tác biên tập, kiểm duyệt phải chặt chẽ không để tình trạng xuất bản các loại sách, văn hóa phẩm có các tình tiết không lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của độc giả, nhất là đối tượng thanh thiếu niên  và nhất là không được vi phạm những hành vi bị cấm theo điều 10 của Luật xuất bản và các văn bản pháp luật có liên quan. NXB Đồng Nai phải tích cực hơn nữa trong công tác khai thác đề tài, đáp ứng được tính đa dạng, phong phú, phù hợp xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng được tình cảm, thị hiếu của độc giả, hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, nhân cách sống đúng đắn. Đoàn cũng đề nghị NXB Đồng Nai chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế, trình bày, tạo mẫu sản phẩm. Đối với công tác liên kết xuất bản phải bảo đảm tính nghiêm túc trong kiểm duyệt nội dung và hình thức đạt yêu cầu. Về tổ chức bộ máy, nỗ lực nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động đạt chất lượng và hiệu quả hơn.

Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo điều kiện cho NXB Đồng Nai nâng cao chất lượng công tác xuất bản, đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh và Sở Thông tin&Truyền thông nghiên cứu, xem xét việc tiếp tục chính sách đặt hàng đối với một số loại sách, văn hóa phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương để hỗ trợ hoạt động của NXB, tạo điều kiện để trang trải chi phí cho hoạt động của bộ máy. Ngoài ra, tạo điều kiện cho NXB tiếp cận và theo dõi thông tin trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ( dự một số cuộc họp do lãnh đạo tỉnh tổ chức làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, một số cuộc hội thảo lấy ý kiến dự luật, hội thảo chuyên đề về các vấn đề mang tính thời sự, các vấn đề bức xúc của xã hội…) để giúp cập nhật thông tin, nắm bắt xu hướng vận động và phát triển của xã hội, trên cơ sở đó có những định hướng đúng đắn, phục vụ công tác xuất bản đạt chất lượng cao hơn.

Kim Chung