Trong nửa nhiệm kỳ hoạt động, HĐND tỉnh chấp hành sự nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, thể hiện thông qua việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Đảng đoàn HĐND bằng các Nghị quyết của HĐND tỉnh; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các nội dung quan trọng trước khi tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh và báo cáo các nội dung giám sát của HĐND.
Bà Hoàng Thị Bích Hằng - PCT HĐND tỉnh thông qua báo cáo kết quả hoạt động của HĐND tỉnh giữa nhiệm kỳ 2021-2026 tại kỳ họp thứ 12
Hoạt động kỳ họp có nhiều đổi mới theo hướng giảm về thời gian; tăng cường thảo luận của đại biểu; tăng cường thông tin, tuyên truyền và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Qua 11 kỳ họp đã ban hành một số lượng lớn văn bản, trong đó có 62 Nghị quyết là văn bản QPPL (tỷ lệ 37%), điều đó cho thấy yêu cầu nhiệm vụ của HĐND trong công tác lập quy đã tăng cao và HĐND tỉnh đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quá trình tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt quá trình tổ chức kỳ họp.
Giám sát thông qua hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND chú trọng, đảm bảo chất lượng của các báo cáo thẩm tra tại các kỳ họp; các báo cáo đều đảm bảo tính chặt chẽ, những nhận định, đánh giá dựa trên cơ sở pháp luật và phù hợp tình hình thực tế của địa phương; quá trình tiếp cận để thẩm tra thể hiện được quan điểm, chính kiến của Ban HĐND, qua đó đề nghị điều chỉnh bổ sung hoặc không trình nhiều nội dung và được UBND tỉnh thống nhất. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay (đến kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh), các Ban HĐND tỉnh đã thẩm tra 126 báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh trình. Các Ban HĐND tỉnh đã chủ động tham gia các cuộc họp của UBND tỉnh, góp ý ngay trong quá trình xây dựng tờ trình, dự thảo Nghị quyết, do đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao đối với các nội dung trình. Nhìn chung, chất lượng của các báo cáo thẩm tra tại các kỳ họp đều đảm bảo tính chặt chẽ, những nhận định, đánh giá dựa trên cơ sở pháp luật và phù hợp tình hình thực tế của địa phương, có sự so sánh để có những kiến nghị mang tính cụ thể, thuyết phục cao.
Một phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh
Thực hiện việc tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 là lần đầu tiên mỗi năm HĐND lựa chọn 01 nội dung để tổ chức giám sát. Những nội dung chọn đều là những vấn đề lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến công tác quản lý nhà nước và đời sống xã hội, là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm như đất đai, cải cách hành chính. Bên cạnh đó, giám sát của Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh vẫn được duy trì theo kế hoạch đề ra (Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 155 cuộc khảo sát, giám sát về 50 nội dung), nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào việc giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, theo ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Hoạt động giám sát bằng hình thức giải trình tại các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 20 phiên họp để đánh giá kết quả thực hiện kết luận các phiên họp, thông qua dự kiến chương trình, kế hoạch hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh; báo cáo tình hình hoạt động, kết quả giám sát của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh; xem xét, quyết định các vấn đề do UBND tỉnh và các cơ quan trình Thường trực HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 01 phiên giải trình giữa 02 kỳ họp về các vấn đề liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20, đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình được thực hiện đảm bảo theo đúng Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND và quy chế hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh. Sau phiên giải trình, để khắc phục những tồn tại kéo dài, Thường trực HĐND tỉnh đã có 02 kiến nghị đối với Bộ Giao thông Vận tải và 03 kiến nghị đối với UBND tỉnh.
Hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân được đặc biệt quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã tiếp 66 lượt công dân đến phản ánh kiến nghị tại Trụ sở Ban tiếp công dân của UBND tỉnh, 115 lượt công dân tại địa bàn ứng cử cấp huyện, cấp xã khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, môi trường, an ninh trật tự, việc triển khai thực hiện các dự án, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, việc chậm giải quyết xét xử vụ án của TAND, chế độ chính sách, việc xây dựng trái phép và việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức UBND cấp huyện, xã. Thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và đơn do công dân gửi qua đường bưu điện, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 812/812 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến HĐND tỉnh (đạt tỷ lệ 100%). Sau khi nhận được đơn của công dân, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tiếp công dân liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ động mời để xem xét nội dung công dân khiếu nại, tố cáo kiến nghị trong quá trình giám sát việc giải quyết đơn của công dân. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh và trên cơ sở xem xét các nội dung đơn thư của công dân gửi đến HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát kết quả giải quyết 13 vụ việc và qua theo dõi giám sát, ghi nhận thông tin phản ánh của báo chí, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát thông tin phản ánh đối với 16 bài viết.
Giám sát của Tổ đại biểu Trảng Bom liên quan đến nội dung phản ánh của báo chí
Hoạt động tiếp xúc cử tri: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức 07 đợt TXCT (bao gồm tiếp xúc cử tri nơi ứng cử và nơi cư trú), trong đó, tổ chức 05 đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ; tổ chức 02 đợt tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về: việc thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt; việc cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2023. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, đã ghi nhận 2.607 lượt ý kiến phản ánh của cử tri với tổng số 315 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên, trong đó có 37 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương (Thường trực HĐND tỉnh đã có Văn bản gửi Đoàn ĐBQH tỉnh để chuyển tải đến các cơ quan Trung ương trả lời theo quy định) và 278 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai và Báo Đồng Nai thực hiện chuyên mục tuyên truyền các hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Đối với Đài Phát thanh truyền hình, thực hiện trong các chương trình thời sự hàng ngày và chuyên mục “Hội đồng Nhân dân với cử tri” trong Chương trình thời sự lúc 18 giờ tối thứ hai hàng tuần trên kênh ĐN1; đối với Báo Đồng Nai thực hiện đăng tin trên báo giấy các số báo ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, đồng thời đăng tin trên Báo Đồng Nai điện tử. Kết quả này cơ bản đạt được mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi các hoạt động của HĐND đến cử tri và nhân dân toàn tỉnh, giúp cử tri và nhân dân tỉnh nhà nắm và hiểu rõ hơn về hoạt động HĐND, qua đó theo dõi và giám sát cùng HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động HĐND tỉnh còn một số hạn chế như: Đến giữa nhiệm kỳ, đại biểu HĐND tỉnh giảm 6% trên tổng số đại biểu do xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu; đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh có 05 thành viên, so với nhiệm kỳ trước giảm 02 thành viên; đến ngày 05/5/2023 có 01 thành viên đảm nhận nhiệm vụ mới, trong khi chức năng, nhiệm vụ của HĐND tăng do đó tạo thêm khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng cao hơn của tập thể Thường trực HĐND. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân có lúc chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đúng quy định. Một số nội dung mới được HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị đã phải điều chỉnh, bổ sung. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn tuy đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khẩn trương thực hiện, tuy nhiên, tiến độ thực hiện có chậm so với yêu cầu; một số nội dung đã giám sát có kiến nghị, đồng thời chất vấn nhưng giải quyết chưa dứt điểm. Việc báo cáo trả lời ý kiến cử tri giải quyết thường chậm; còn ý kiến trả lời chưa đi vào trọng tâm, chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri hoặc chậm thực hiện nội dung đã trả lời dẫn đến việc một số ý kiến phản ánh nhiều lần. Hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có lúc còn hạn chế (một số thời điểm có một số Tổ đại biểu chưa tích cực tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri; họp Tổ đại biểu không đều; chưa chủ động phát hiện tổ chức giám sát các vấn đề tiêu cực, nhạy cảm, kể các các nội dung phản ánh qua báo chí). Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh chưa nhiều và chưa tổ chức thường xuyên; chưa tổ chức nhiều hoạt động tái giám sát.
Lê Lài